Trong những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế đất nước, hoạt động công nghiệp hóa (nhất là tại các vùng mỏ khai thác khoáng sản và khu-cụm công nghiệp) tại Việt Nam cũng đang bị tàn phá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nhiều địa phương và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường bị suy thoái như hiện nay bị cho là do công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường còn nhiều bất cập, từ quy định pháp lý đến quá trình thực thi.
Bất cập từ văn bản
Tại Hội nghị quốc gia về “Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 19/9, tiến sĩ Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định (Tổng cục Môi trường) cho biết, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường là những công cụ quan trọng mang tính chất phòng ngừa để quản lý môi trường đối với các hoạt động phát triển.
Thế nhưng, cho đến nay, hệ thống các văn bản hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường vẫn còn những bất cập, chưa đồng bộ gây khó khăn khi thực hiện cho cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, sự phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ (nguồn nhân lực và tài chính) để thực hiện công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, “sự phối hợp giữa chủ dự án với các cơ quan, đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường vẫn chưa thật sự chặt chẽ. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo này phải thuộc về chủ dự án,” tiến sĩ Toản chia sẻ.
Chung quan điểm, ông Trịnh Văn Thuận, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức Hội đồng thẩm định báo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình, trừ dự án liên ngành, liên tỉnh.
Thế nhưng, trong nhiều năm qua, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thuộc trách nhiệm Của Bộ Công Thương hầu như không thực hiện được vì hầu hết các doanh nghiệp tự phê duyệt các dự án đầu tư.
Ông Thuận cũng cho biết, tuy không trực tiếp phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, nhưng qua kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp công thương, cho thấy việc thực hiện các nội dung cam kết của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt là trong công tác xây dựng, lắp đặt các công trình bảo vệ môi trường.
“Đây cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường như hiện nay, nhất là các vùng khai thác khoáng sản và khu công nghiệp,” ông Thuận nhấn mạnh.
Nhìn nhận ở góc độ “một tỉnh công nghiệp,” ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, 2,029 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 18 tỷ 750 triệu USD và 15.050 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 117.413 tỷ đồng.
Thế nhưng, cùng với quá trình phát triển kinh tế, tỉnh này cũng bị áp lực lớn, đặc biệt là gia tăng một lượng lớn nước thải, khí thải và chất thải rắn từ hoạt động sản xuất công nghiệp và phát triển đô thị đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và ô nhiễm nguồn đất sản xuất của người dân.
Theo ông Nguyên, một trong những nguyên nhân dẫn đến “vấn nạn” ô nhiễm ở tỉnh Bình Dương là do các doanh nghiệp thực hiện xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án đi vào hoạt động chính thức, nên kết quả thực hiện không cao.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn chưa nắm bắt được quy định, không chịu làm báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Cũng chính vì thế, một số chủ đầu tư khu công nghiệp đã có tính chuyện thỏa thuận với các nhà đầu tư khi có lưu lượng thải lớn, hoặc khi các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất làm gia tăng lượng nước thải so với ban đầu vào khu công nghiệp để thải ra hệ thống nước mưa. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý của tỉnh.
Mất cơ hội phát triển bền vững
Từ những bất cập nêu trên, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định sửa đổi, bổ sung đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bởi lẽ, nếu công tác đánh giá tác động môi trường không được triển khai bài bản và đồng bộ sẽ khiến nước ta mất đi cơ hội phát triển bền vững.
Đồng tình quan điểm trên, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) kiến nghị, để bảo vệ môi trường, Việt Nam cần phải tăng cường phần đánh giá tác động xã hội trong đánh giá tác động môi trường, nhất là tác động đến sinh kế của cộng đồng.
Theo ông Nguyên, tác động xã hội với đánh giá tác động môi trường cần phải có sự gắn kết với nhau, bởi chất lượng môi trường và nguồn lực tài nguyên (đất đai, rừng, nước, đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường) đều là nguồn lực cho việc thực hành sinh kế và giảm nghèo.
Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng kiến nghị Luật Bảo vệ môi trường cần phải tạo hành lang pháp lý và điều kiện đầy đủ để các nhà khoa học, các tổ chức xã hội có thể tham gia hỗ trợ, tư vấn cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề môi trường và tranh chấp môi trường, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cũng thừa nhận, mặc dù công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, song nước ta vẫn đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường ngày càng trở nên đáng lo ngại.
“Trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, thì định hướng phát triển bền vững đất nước đòi hỏi chúng ta phải tập trung các nguồn lực, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tránh lặp lại những sai lầm của một số quốc gia đi trước đã từng gặp phải,” Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến lưu ý.
Chính vì thế, tại Hội nghị lần này, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện quyết liệt hơn nữa trong công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Song song với đó, các Bộ, ngành và địa phương cũng phải tăng cường công tác hậu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra việc thực hiện các nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh để phòng ngừa những tác động xấu, ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trên phạm vi cả nước.