Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Ngày 10/9, Liên minh Cứu sông Mê Kông (Save the Mê Kông Coalition – StM) đã gửi một bức thư tới chính phủ bốn nước tiểu vùng sông Mê Kông để bày tỏ những quan ngại liên quan tới quá trình ra quyết định xây dựng đập Thủy điện Don Sahong ở khu vực Nam Lào.

Trong thư, Liên minh thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc đệ trình hiện tại của chính phủ Lào, Quy trình thông báo, Tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) cho việc xây dựng Đập Don Sahong. Liên minh lo ngại rằng thủ tục PNPCA hiện đang áp dụng sẽ không tiến hành được một quá trình tham vấn chính xác và có sự tham gia đối với việc xây dựng Đập thủy điện Don Sahong. Như vậy thì dự án này sẽ vẫn sẽ được tiến hành theo tiền lệ xấu của đập Xayaburi, làm gia tăng những tác động nghiêm trọng đối với dòng Mê Kông và cộng đồng sống phụ thuộc vào dòng sông này.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một khi được xây dựng, thủy điện Don Sahong sẽ có ảnh hưởng lớn tới các loài cá và tập quán di cư của chúng trong toàn lưu vực sông Mê Kông. Điều này đe dọa tới an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu dân, ảnh hưởng đến kinh tế và làm mất ổn định chính trị trong khu vực bởi sự gia tăng căng thẳng giữa chính quyền các nước do những thất bại trong hợp tác sử dụng dòng sông chung. Mặc dù vậy, Lào vẫn nhấn mạnh về việc sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đập Don Sahong. Ngay cả khi đệ trình dự án để tham vấn trước, Lào cũng thể hiện rõ ý định tiếp tục phát triển dự án của mình.

Sông Mê Kông (Ảnh: PanNature)
Sông Mê Kông (Ảnh: PanNature)

Tin tức từ phương tiện truyền thông về tình trạng xây dựng đang diễn ra tại khu vực Đập Don Sahong gần đây càng khẳng định thêm ý định của Lào. Trong khi Chính phủ Lào tuyên bố đã dừng việc xây dựng thì Mega First Corporation Berhad, công ty đầu tư phát triển dự án, lại khẳng định vẫn đang tiếp tục xây dựng. Liên minh Cứu sông Mê Kông cho rằng Lào không nên dùng hành động đệ trình tham vấn trước cho Đập Don Sahong chỉ nhằm mục đích hợp pháp hóa hành động của họ, thể hiện sự tuân thủ một cách miễn cưỡng theo Hiệp định Mê Kông năm 1995, mà nước này phải có hành động đảm bảo cam kết thực sự với quyết định của khu vực và theo tinh thần của Hiệp định Mê Kông.

Quá trình tham vấn trước khi xây dựng đập Xayaburi được thừa nhận là một thất bại. Việc hạn chế sự tham gia của các bên liên quan cả về số lượng người lẫn các lĩnh vực liên quan trong trình tự tham vấn đã loại trừ nhiều tiếng nói quan trọng, bao gồm những cộng đồng địa phương ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi nhiều tổ chức tại Việt Nam và Campuchia bày tỏ sự không hài lòng về việc ít được tham gia vào quá trình này, cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng ở Thái Lan cũng nhấn mạnh rằng họ không được “tham vấn” ​​trong các cuộc họp tổ chức tại Thái Lan mà chỉ nhận được một số thông tin ban đầu. Cộng đồng tại các quốc gia này tin rằng các thủ tục PNPCA không có tính hợp pháp và tiếp tục nói “không” với đập Xayaburi.

Những người tham dự các cuộc tham vấn phản ánh rằng rất ít hoặc không có thông tin về các chi tiết và các tác động của dự án được cung cấp. Bản Đánh giá tác động môi trường (EIA) cuối cùng không được công bố, đánh giá tác động xuyên biên giới không được thực hiện và các bản thiết kế đập công khai cũng chưa phải là bản hoàn thiện. Tính hợp pháp của toàn bộ quá trình đã bị phá hủy khi Chính phủ Lào và Thái Lan vẫn tiến hành xây dựng đập Xayaburi bất chấp việc quá trình tham vấn trước không đưa ra được giải pháp, không trả lời những mối quan ngại của Campuchia và Việt Nam và cũng không có được sự đồng thuận giữa bốn chính phủ về việc tiến hành dự án.

Ngày 24/6/2014, Tòa án hành chính tối cao Thái Lan đã chấp nhận đơn kiện của những người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi đập Xayaburi ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, phán quyết của họ ghi nhận tác động xuyên biên giới tiềm tàng của đập Xayaburi và kêu gọi đánh giá thêm về tác động môi trường, sức khỏe và xã hội ở Thái Lan. Cả Campuchia và Việt Nam đều khuyến nghị nên trì hoãn quyết định xây dựng những con đập trên dòng chính sông Mê Kông cho đến khi hoàn thành nghiên cứu của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) và nghiên cứu tác động tới đồng bằng sông Cửu Long do Việt Nam chủ trì. Tại Hội nghị cấp cao Mê Kông lần thứ hai diễn ra vào tháng 4 năm nay, Việt Nam đã nhắc lại những kiến nghị trong Đánh giá tác động môi trường chiến lược của MRC năm 2010 và đề nghị hoãn xây dựng trong 10 năm đối với tất cả đập trên dòng chính sông Mê Kông. Những kiến nghị này chứng minh rằng quyết định về tương lai của các con đập trên dòng chính sông Mê Kông phải được dựa trên việc nghiên cứu toàn diện và sự hiểu biết một cách đầy đủ về các tác động đến tất cả các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông.

Các nhà tài trợ cho MRC cũng đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về tính hiệu quả và tính hợp pháp của quá trình PNPCA, bao gồm cả chính phủ Úc – nước tài trợ quá trình tham vấn trước của đập Xayaburi cũng như đánh giá về đập thủy điện này – và chính phủ Đan Mạch. Nhận thức được những bất cập trong quá trình tham vấn trước đập Xayaburi, Ban thư ký MRC cũng đã tìm cách xem xét PNPCA nhằm “cân nhắc gia hạn giai đoạn tham vấn trước sáu tháng, thiết lập tiêu chuẩn cho thỏa thuận sau quá trình tham vấn trước và đạt đến một sự thống nhất chung về việc PNPCA đã được hiểu như thế nào trong bối cảnh Hiệp định năm 1995”. Mặc dù đánh giá này đã được đề xuất hơn một năm trước nhưng những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Tuy vậy, đập Don Sahong – con đập dự kiến sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của sông Mê Kông, đang trong quá trình tham vấn trước và có khả năng sẽ nối tiếp thất bại như quá trình ra quyết định xây dựng đập Xayaburi.

Vì vậy, Liên minh Cứu sông Mê Kông kêu gọi các nhà lãnh đạo Mê Kông ngăn chặn ngay lập tức quá trình tham vấn trước cho Đập Don Sahong và giải quyết lỗ hổng nghiêm trọng trong PNPCA hiện đang là rào cản đối với việc tham gia, công bố thông tin tham vấn và sự đồng thuận của cộng đồng bị ảnh hưởng và dành thêm thời gian để hoàn thành nghiên cứu về các tác động của các con đập trên dòng chính.

Tiếng nói của cộng đồng phải được ưu tiên trong bất kỳ quá trình ra quyết định nào liên quan đến việc xây dựng các đập trên sông Mê Kông. Vì MRC không thể đại diện cho các cộng đồng địa phương sông Mê Kông nên cần phải chỉ rõ về cách các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi con đập này có thể tham gia vào quá trình ra quyết định và cách thức tham gia của họ sẽ ảnh hưởng đến quyết định về việc một dự án có tiến hành hay không. Quyền từ chối dự án của cộng đồng phải được công nhận.

Liên minh gợi ý, MRC và các chính phủ thành viên phải nhận ra rằng, bất kỳ quá trình tham vấn có sự tham gia của cộng đồng và công chúng về các đập sông Mê Kông nên bao gồm tối thiểu các tiêu chí sau:

• Tham vấn phải diễn ra trước khi quyết định tiến hành một dự án. Không xây dựng và không ký kết thỏa thuận xây dựng nào trong quá trình tham vấn.

• Có tiêu chí rõ ràng khi ra quyết định về thiết kế, phạm vi và quy mô của dự án, cũng như tính khả thi của dự án cần được phát triển và công bố trước khi tham vấn​​. Các tiêu chí này cần được cập nhật dựa trên thông tin thu thập được thông qua các cuộc tham vấn.

• Các chính phủ thành viên MRC phải nêu rõ cam kết của họ ngay từ đầu quá trình, để đảm bảo thỏa thuận giữa bốn quốc gia – dựa trên tham vấn có sự tham gia – về cách thức tiến hành.

• Thông tin đầy đủ, bao gồm một bản đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới và thiết kế dự án cuối cùng phải được phát hành trước các cuộc tham vấn. Mọi thông tin liên quan phải có sẵn trong mọi ngôn ngữ của tất cả các quốc gia ven sông và mọi tài liệu phải được xem xét ngang hàng để đảm bảo tính khách quan.

• Ủy ban sông Mê Kông quốc gia có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ đại diện các cộng đồng trong quá trình tham vấn. Mỗi cộng đồng ven sông Mê Kông phải được mời tham gia vào các cuộc tham vấn. Nguồn lực đầy đủ phải được cung cấp bởi MRC, các chính phủ thành viên và/hoặc các đối tác phát triển để đảm bảo sự tham gia đầy đủ từ các cộng đồng và công chúng Mê Kông.

• Các phản hồi và những mối quan tâm của cộng đồng và công chúng Mê Kông phải được giải quyết minh bạch và đặt ra tiêu chí rõ ràng để những ý kiến ​​này có tầm ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định cuối cùng.

• Quy trình và tiêu chuẩn tham vấn phải như nhau trong tất cả các quốc gia thành viên Ủy hội Mê Kông để đảm bảo rằng mối quan tâm của tất cả các nước được nêu ra, ghi nhận và xem xét như nhau; điều này có thể được đảm bảo bằng cách để một bên thứ ba tham gia giám sát và theo dõi quá trình này.

Một dòng sông Mê Kông khỏe mạnh là điều quan trọng đối với sự thịnh vượng và bền vững của khu vực, vì vậy, các nhà lãnh đạo cần xem xét các tác động hiện tại và tương lai của các đập trên sông Mê Kông và ưu tiên bảo vệ quyền của cộng đồng Mê Kông được tham vấn và tham gia các vấn đề liên quan đến các đập trên sông Mê Kông.

Đọc toàn văn bức thư bằng các ngôn ngữ khác nhau: Việt Nam, Anh, Lào, Thái, Khmer.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia