Việt Nam tham gia hai sáng kiến quốc tế Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (REDD+) từ 2009 (chuẩn bị thực thi REDD+); và Tăng cường Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) của Liên minh Châu Âu (EU) từ 2010 (chính thức đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ FLEGT). Hai sáng kiến này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quản trị tốt hơn ngành lâm nghiệp, đồng thời gia tăng các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam.
Cơ chế thực thi REDD+ và FLEGT VPA đều yêu cầu có sự tham gia tích cực và hiệu quả của nhiều bên liên quan. Mạng lưới REDD+ Quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quyết định thành lập để tham mưu, hỗ trợ cho tiến trình thực hiện các sáng kiến về REDD+ tại Việt Nam. Trong khi với FLEGT VPA, bên cạnh các nhóm công tác hỗ trợ cho Đoàn đàm phán của Chính phủ, Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VNGO-FLEGT) cũng được hình thành nhằm tác động và đóng góp vào tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và EU. Các Mạng lưới này đã và đang có những đóng góp nhất định cho việc chuẩn bị và thực thi REDD+ và FLEGT VPA tại Việt Nam. Cuối năm 2013, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu rà soát và sắp xếp lại Mạng lưới REDD+ Quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả của Mạng lưới trong quá trình đổi mới và hoàn thiện các chính sách liên quan. VNGO-FLEGT cũng có mục đích tương tự và đã lên kế hoạch rà soát và củng cố lại Mạng lưới vào giữa năm 2014 để cải thiện hiệu quả hoạt động theo định hướng lâu dài.
Từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 4 năm 2014, Tổ chức Forest Trends với sự hỗ trợ về tài chính của Cơ quan Hợp tác Phát triển Vương quốc Anh (DFID), và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) đã phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện một nghiên cứu độc lập đánh giá hai Mạng lưới REDD+ và VNGO-FLEGT nói trên. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hiệu quả hoạt động của hai Mạng lưới REDD+ và VNGO-FLEGT thông qua xem xét cấu trúc quản lý và vận hành Mạng lưới, mức độ tham gia của các bên trong các hoạt động liên quan, hiệu quả về nâng cao nhận thức và năng lực cho các thành viên, và khả năng tác động đến tiến trình xây dựng và phát triển chính sách liên quan đến sáng kiến REDD+ và FLEGT VPA tại Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của nghiên cứu là tìm hiểu cấu trúc tổ chức, quản lý, và cơ chế vận hành của hai Mạng lưới REDD+ và VNGO- FLEGT tại Việt Nam; Xác định hiệu quả hoạt động của hai Mạng lưới về mức độ tham gia của các bên liên quan, nâng cao nhận thức và năng lực cho các thành viên, và khả năng tác động đến tiến trình xây dựng và phát triển chính sách liên quan; và Đề xuất biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của hai Mạng lưới.
Bản thảo của Báo cáo đã được trình bày tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu do Forest Trends và PanNature tổ chức ngày 12/03/2014 tại Hà Nội, nay chúng tôi xin công bố bản cuối của báo cáo. Các quan điểm thể hiện trong báo cáo phản ánh quan điểm của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của các tổ chức nơi các tác giả công tác, cũng như quan điểm của nhà tài trợ.
Mời quý vị đọc báo cáo trực tuyến tại đây:
Hoặc tải bản điện tử của báo cáo tại đây: File PDF (1.115 Kb)