Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Là quốc gia được coi là giàu có tài nguyên khoáng sản, nhưng hiện nay, cơ chế quản lý và khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, trong đó điển hình nhất là thuế.

Lợi nhuận cao, đóng góp ít

Hoạt động khai thác khoáng sản chưa bao giờ phát triển rầm rộ như trong những năm gần đây. Đến bất cứ tỉnh nào có khoáng sản, đâu cũng thấy những chủ trương như “tận dụng”, “tạo điều kiện” để cho các cá nhân, tổ chức “nhảy” vào khai thác. Cùng với việc khai thác tài nguyên quá rầm rộ lại là việc phá hủy môi trường.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Ban quản lý các Dự án than Đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đưa ra ý kiến: Tài nguyên khoáng sản là quà tặng duy nhất và chỉ có một lần cho mỗi quốc gia, dân tộc. Đây là “thứ quà” không thể tái tạo được, sử dụng quá đáng sẽ hết và sẽ lại phải đi mua từ bên ngoài. Phải quan niệm rõ ràng rằng, tài nguyên và khoáng sản là “quà tặng” của thiên nhiên có giới hạn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, để quản lý tốt thì việc phân chia nó phải minh bạch. Việc khai thác lãng phí hay khai thác độc quyền là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc “phân chia quà tặng” này đang tồn tại nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng chính sách trong quản lý nguồn thu từ khai thác tài nguyên.

Nếu quản lý và khai thác không tốt khoáng sản, ngoài thất thoát thì còn là việc phá hủy môi trường (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Nếu quản lý và khai thác không tốt khoáng sản, ngoài thất thoát thì còn là việc phá hủy môi trường (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Xuân Trường- Trưởng khoa Tại chức, Học viện Tài chính cho rằng, chính sách và lỗ hổng về chính sách thuế, phí hiện hành đối với hoạt động khai thác tài nguyên cần phải được cảnh báo. Theo ông Trường, ngoài nguyên nhân từ quản lý, số thu thuế tài nguyên (tiêu biểu như dầu thô) nhìn chung còn thấp. Căn cứ tính thuế tài nguyên còn những điểm chưa rõ ràng bất cập và mâu thuẫn, thể hiện ở giá tính thuế tài nguyên trong những trường hợp cụ thể với giá tính thuế tài nguyên khi quyết toán thuế.

Theo một số thống kê, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản ở nước ta còn khá thấp. Cụ thể như dầu thô 100.000 đ/tấn; khí thiên nhiên, khí than: 50 đ/m3; khí đồng hành: 35 đ/m3; khoáng sản kim loại từ 20.000 đ/tấn đến 270.000 đ/tấn; khoáng sản phi kim loại có thể tính theo tấn hoặc m3 với mức từ 500 đồng đến 30.000 đồng… Trong số đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường có mặt hàng than đá (theo khung của Luật và do UBTV Quốc hội quy định) với mức từ 10.000 đ – 50.000 đ/tấn. Trong đó, mức hiện hành than antraxit 20.000 đ/tấn; các loại than còn lại: 10.000đ/tấn.

Cũng về vấn đề này, theo Thạc sĩ Trần Thanh Thủy – Trưởng phòng Chính sách Trung tâm con người và thiên nhiên cho rằng: Thu ngân sách chưa tương xứng với tổn thất môi trường. Theo bà Thủy, báo cáo từ Cục Thuế tỉnh Lào Cai, thì phân chia nguồn thu một cách rất thiếu công bằng. Cụ thể năm 2011, tổng thu 556 tỷ đồng (37%), trong đó thuế thu nhập 283 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường 117,3 tỷ đồng, nợ 77,7 tỷ đồng. Năm 2012, tổng thu 490 tỷ đồng (27%), trong đó thuế thu nhập 253,2 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 73,4 tỷ đồng; nợ 19,9 tỷ đồng. Năm 2013, tổng thu 735,5 tỷ đồng (29%), trong đó thuế thu nhập 391,6 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường 175,7 tỷ đồng, nợ 21 tỷ đồng.

Áp dụng “tô mỏ”?

Tài nguyên khoáng sản phải mang lại lợi nhuận chung, cùng hưởng của nhân dân. Hiện nay, thất thu thuế tài nguyên ở một số địa phương còn rất cao, nhiều nơi bị buông lỏng. Không những thế, nhiều nơi còn bỏ qua cho các hoạt động khai thác khoáng sản lậu. Vai trò của chính quyền địa phương trong chống thất thu từ tài nguyên còn hạn chế. Nợ thuế ở một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khai thác khoáng sản còn dây dưa kéo dài.

PGS Lê Xuân Trường đưa ra một số khuyến nghị chính sách và tổ chức đồng bộ hóa chính sách quản lý tài nguyên, trong đó có chính sách thuế, phí. Cần điều chỉnh mức thu thuế, phí cho phù hợp; sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế, ưu đãi thuế; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong quản lý thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và thủ trưởng cơ quan thuế các cấp.

Còn theo TS Nguyễn Thành Sơn, để quản lý tài nguyên và khoáng sản tốt, có lẽ cần áp dụng như hình thức “tô mỏ”. Trên thế giới, việc áp dụng tô mỏ đã có lịch sử hơn 300 năm. Ở Việt Nam, từ năm Minh Mệnh thứ 21 (năm 1840), tô mỏ đã được áp dụng trong khai thác than ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, tô mỏ ở nước ta trên thực tế cho đến nay vẫn chưa được áp dụng. Theo TS Sơn, tô mỏ như một dạng “thuế” nhưng không phải “thuế” và phân chia ở 3 cấp: tuyệt đối, tương đối I, tương đối II. Tô mỏ tuyệt đối là phần lợi nhuận mà người khai thác mỏ có được nhờ tài nguyên khoáng sản đã có sẵn trong lòng đất, không phụ thuộc vào chất lượng của mỏ. Tô mỏ tương đối (vi phân) I được hình thành khi khai thác các mỏ có điều kiện tốt hơn các mỏ trung bình (phụ thuộc vào chất lượng của khoáng sàng). Tô mỏ tương đối II hình thành khi DN khai thác đầu tư hoàn thiện công nghệ, nâng cao hiệu quả, phụ thuộc vào chủ đầu tư. TS Sơn cho rằng, để không thất thoát thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, cần thiết phải nghiên cứu các hình thức “tô mỏ” để áp dụng trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, nhằm đảm bảo công bằng quyền lợi các chủ mỏ và tăng thu ngân sách nhà nước.

Nguồn: Đại Đoàn Kết

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia