Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Vấn đề ở đây không phải là cân bằng được giữa bảo tồn và phát triển, mà là cuộc đấu tranh giữa giá trị di sản và lợi ích kinh tế.

Đó là những nội dung được quan tâm và bàn bạc nhiều nhất, tại tọa đàm “Thách thức bảo tồn từ các dự án phát triển” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức, ngày 14/11, với mục đích nhằm trao đổi, thảo luận về những thách thức trong công tác bảo tồn từ một số dự án kinh doanh, phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất là dự án xây dựng tuyến cáp treo đi vào hang Sơn Đoòng của tập đoàn Sun Group đang được dư luận quan tâm.

Nói không với cáp treo Sơn Đoòng!

Mở đầu tọa đàm, là người có nhiều năm nghiên cứu, rất tâm huyết với Sơn Đoòng, PGS.TS Tạ Hòa Phương – Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa Chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội bày tỏ quan điểm rằng, ông không phản đối dự án cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng việc xây dựng tuyến cáp treo phải hợp lý, không nên đưa vào tận vùng lõi mà nếu cố làm thì phải đưa vào vùng đệm.

Một tin tức mới đáng quan tâm được ông chia sẻ, đó là ngày 13/11, đại diện phía Sungroup có tìm đến ông để xin tư vấn. Ông cũng nêu rõ quan điểm, nếu dự định đưa cáp treo vào cửa sau hang Sơn Đoòng như hôm họp báo 4/11 ở Quảng Bình thì việc đầu tư đó không đem lại hiệu quả. Bởi nó đi vào vùng lõi địa chất của Phong Nha- Kẻ Bàng, và du khách sẽ thất vọng khi đi thêm 200m mà vẫn không có gì đáng xem.

Đồng tình quan điểm với ông Phương, nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, GS Vũ Quang Côn – Chủ tịch Hội côn trùng học VN, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: “Ở Phong Nha – Kẻ Bàng tập trung, 200 luồng sinh thái cảnh quan quan trọng của toàn cầu, 2744 loài thực vật, hơn 1000 loài động vật, mà chỉ cần một tác động nhỏ cũng gây xôn xao đến các loài này, vô cùng nguy hiểm”.

Chỉ cần đưa ra bài toán, 1 ngày có hàng nghìn người lên thì quản lý thế nào, nó tác động đến các loài động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường ra sao, bởi ở Việt Nam nói thì tốt, làm thì kém.

Cho nên, ông Côn cho rằng: “Khi đã có sự phản đối của quần chúng cũng như các nhà khoa học thì phải xem xét lại. Vùng lõi là vùng cần bảo vệ thì lại cho tác động nhiều nhất, thì không chấp nhận được. Cho nên nếu dự án này đi vào thực hiện thì sẽ gây mất tính toàn vẹn của khu lõi, vì thế các loài động vật sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi để đưa vật liệu vào thi công thì phải mở đường”.

Ngoài ra, theo ông Côn thì trong khi xây dựng, dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của động vật.

Trong khi đó, ông TS. Nguyễn Quốc Dựng, Phó Trưởng Phòng Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Viện Điều tra Quy hoạch rừng lại là người có nhiều năm nghiên cứu và nắm bắt rất rõ về dự án này lại nhìn nhận ở góc độ khác.

Ông muốn đưa ra ý kiến cụ thể hơn, ông chia sẻ: “Có một dự án quy hoạch xây dựng chung cho Phong Nha – Kẻ Bàng do Viện quy hoạch đô thị và vùng nông thôn (Bộ xây dựng) thực hiện. Từ năm 2011, dự án này đã được tiến hành, chính trong dự án của Bộ xây dựng có tuyến cáp treo đi vào vườn quốc gia này, Sun Group là người tiếp thu ý tưởng đó”.

Ông Dựng chỉ rõ, tiến trình xây dựng tuyến cáp treo này hiện nay đang không minh bạch, tất cả mới chỉ dừng ở mức ý tưởng. Lấy ngay ví dụ sống, ông kể: “Tôi đã có 4 lần đi cáp treo ở Bà Nà, nên tôi rất hiểu cách làm của họ, đối với Bà Nà, tôi hoàn toàn phản đối, bởi toàn bộ hệ thống hành lang làm trụ cột, họ chặt hết rừng, bây giờ nhìn đúng là thảm cảnh, dù hiện nay họ đang trồng lại, nhưng làm sao nó nguyên trạng được, sắp tới đối với Phong Nha-Kẻ Bàng họ cũng sẽ làm như vậy”.

Du khách vào tham quan hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Báo Đất Việt)
Du khách vào tham quan hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Giá trị lớn nhất của vườn quốc gia này so với các nước trên thế giới, ông Dựng cho biết: “Đó chính là khu rừng “bách xanh núi đá” chỉ có ở đây, toàn cầu không nơi nào có”.

Và bốn tiêu chí của Hội di sản tự nhiên: một là, quá trình phát triển địa chất, hai là cảnh quan, ba là đa dạng sinh thái, bốn là đa dạng sinh học, Phong Nha-Kẻ Bàng có thể đáp ứng tất cả các tiêu chí này, nên hãy giữ gìn nó một cách trân trọng.

Tự bôi mỡ cho kiến đốt?

Trong khi các chuyên gia khác nhìn nhận, đưa ra nhận xét theo góc độ chuyên môn, thì GS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH‐TTDL lại đưa ra ý kiến khá chung chung: “Trong tay tôi chưa có đề án cụ thể, nhưng nếu đề án cụ thể mà ảnh hưởng đến di sản văn hóa thì tôi sẽ lắc đầu là chắc chắn. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ là khảo sát, thậm chí trong Luật cũng không có quy định nào cấm nghiên cứu, khảo sát”.

Việc hiện nay, theo ông Bài cần làm là phải tìm cách làm cho giá trị của di sản văn hóa thiên nhiên có vị trí trong đời sống xã hội. Hơn nữa, hiện nay, UNESCO không cản trở phát triển, miễn là dòng phát triển không gây ảnh hưởng đến di sản, nhưng không được làm suy giảm giá trị nổi bật cộng đồng của di sản ấy, vì điều đó mà di sản ấy được công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên Thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, ông Bài vẫn bày tỏ quan điểm: “Tôi không nói không nhưng cũng không nói được vì tôi chưa cầm trong tay dự án, nhưng chúng ta hãy thể hiện tình yêu với di sản văn hóa của quốc gia, chúng ta hãy cảnh báo những rủi ro cả về thiên nhiên, xã hội, để cho cơ quan doanh nghiệp nếu muốn làm nghiên cứu cũng phù hợp. Hơn nữa, đáng lẽ Quảng Bình nên giấu chuyện khảo sát, giờ chót khoe ra thì phải chịu, không khác nào bôi mỡ cho kiến đốt”.

Trong khi, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam lại có phát biểu dưới góc độ người làm du lịch. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi rất cần các nhà đầu tư, nhưng vấn đề đặt ra đầu tư thế nào có hiệu quả hay không? Tại vườn quốc gia ở Bruney, ở đây khi vào bên trong, tất cả hướng dẫn viên đều đi sau đoàn khách, không phải bảo vệ mà là rình ai vứt rác thì phạt, đuổi về không cho đi nữa.

Hay ngay tại các đảo của Hàn Quốc, cũng không được lượm hòn đá nào về, họ cho rằng đó là tài sản quốc gia, Việt Nam thì lại khác, mang cả núi đá về cũng được miễn có tiền.

Đó cũng chính là lời giải, tại sao Malaysia là quán quân của du lịch Asean, còn du lịch Việt Nam đang đứng đầu top cuối của ĐNA, còn về hiệu quả thì thua cả Lào, Campuchia. Cụ thể, Lào 6,5 triệu dân đón 3,5 triệu khách, Campuchia 14,5 triệu dân đón 4,2 triệu khách, đất nước Việt Nam anh hùng, vĩ đại, 90 triệu dân đón 7 triệu khách, trong khi đó chủ yếu du khách Trung Quốc chỉ sang mua hộp bánh đậu xanh rồi về mà không dùng dịch vụ gì.

Ông Dựng nói: “Ngay đến thực tế, những chiếc thuyền được dùng để đưa du khách vào động Phong Nha, hiện nay mục nát, đi lại không an toàn, tại sao không đầu tư làm các con thuyền cho chắc chắn hơn mà cứ đòi làm cáp treo?.

Cũng quan tâm đến dự án này, TS. Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục thẩm định môi trường, Bộ TN&MT lại chia sẻ: ” Do dự án chưa được duyệt nên hiện nay Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam chưa có căn cứ để xem xét hay đánh giá dự án. Đồng thời, để Bộ TN&MT thẩm định dự án thì bên dự án phải có báo cáo ĐTM trình Quốc hội”.

Khoa học bảo tồn có thắng được…đô la? 

Sau khi lắng nghe các chuyên gia đưa ra ý kiến, TS Đào Trọng Hưng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) góp ý rằng, đây chính là sự tham dự sớm cho quá trình ra quyết định. Tất nhiên khi đưa ra thông tin này, họ cũng có mục đích, ý đồ thăm dò dư luận, cho nên việc các nhà khoa học, quan tâm đến cái này là hoàn toàn đúng, rất cần thiết.

Thế nhưng, câu chuyện đấu tranh giữa phát triển và bảo tồn, theo ông Hưng đừng đánh giá chung chung, vì nếu vậy, nó không là gì với quyền lực và kinh tế, nên các góp ý phải có lượng – giá nhất định về các mặt. Nếu không, nó không thể cạnh tranh nổi với kinh tế, với phong bì và đô la!

Là người đã 4 lần đi cùng Hiệp hội hang động hoàng gia Anh nghiên cứu hang động này, ông Vũ Lê Phương (Viện địa chất và địa vật lý biển) cho rằng: “Với ý tưởng xây dựng cáp treo tại đây, có 2 mục đích chính về kinh tế. Thứ nhất đó là muốn đưa hang Sơn Đòng tới đa số người dân. Theo tôi làm cáp treo cách cửa hang 300m như thế nếu không tác động đến môi trường, mắc điện, đưa công trình xả thải… thì khi đó mục đích công trình không đạt được. Hơn nữa nếu cáp treo chỉ đến được cửa sau của Sơn Đoòng thì không đảm bảo được mục tiêu tham quan, chẳng ai đến xem cái không có gi!

Mục đích kinh tế thứ 2 của dự án là muốn mang lại công ăn việc làm cho nguời dân. Theo tôi được biết, ý tưởng dự án không chỉ có cáp treo mà còn có tổ hợp nhà hàng, khách sạn và sân golf.

Cả tổ hợp đó trên một diện tích bằng phẳng sẽ ảnh hưởng như thế nào khi mùa lũ. Việc xây dựng cáp treo sẽ hút toàn bộ khách du khách về phiá hang Sơn Đoòng và các dịch vụ xung quanh như thế thì sẽ tạo nguồn lợi cho nhà đầu tư. Vì thế việc đưa lợi ích kinh tế cho người dân và hoạt động xung quanh sẽ không thực hiện được.

Đồng tình với sự góp ý của ông Hưng, TS Vũ Quang Côn lại nhắn nhủ, đây là vùng mới nghiên cứu, còn khá nhạy cảm, làm liều thì dễ hỏng, cho nên dù là ý tưởng thì cũng là ý tưởng của người làm kinh doanh.

Lợi ích nhóm, các nhà khoa học đừng đánh giá một chiều

Là người duy nhất đồng tình với dự án của Sun Group, ông Nguyễn Hữu Thắng – Viện điều tra quy hoạch rừng phân tích: “PN-KB cách đây 10 năm khi làm tác động môi trường, lúc đó các chuyên gia bảo phải giảm thiểu, không được khai thác, giờ họ khai thác nhiều, mà nó vẫn hoạt động bình thường?

Ông Nguyễn Quốc Dựng, đại diện Viện Điều tra quy hoạch rừng phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Báo Đất Việt)
Ông Nguyễn Quốc Dựng, đại diện Viện Điều tra quy hoạch rừng phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Hay đến rừng Cúc Phương, cũng đề xuất tác động môi trường, giờ cũng có sao đâu? 

Chính vì thế, ông Thắng nhận định: “Người làm khoa học cũng không nên thái quá theo 1 chiều, 1 thái cực, khi đặt vấn đề không cho làm dùng đủ mọi bằng chứng, phương tiện khẳng định không cho làm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta là thế giới phẳng không như ngày xưa, một người nói, trăm người nghe, giờ một người nói, trăm người bật lại”.

Đặc biệt, đó chính là câu hỏi đặt ra liệu có lợi ích nhóm ở đây hay không?

Là đứng đầu Tổ chức hành động vì tương lai- ông Hoàng Vinh một đơn vị tạo ra dư luận đầu tiên, phản đối việc nghi ngờ lợi ích nhóm: Cá nhân tôi cho rằng bài toán cân bằng bảo tồn và phát triển không phải là kết luận của các nhà khoa học, vì phá bao nhiêu là trong phạm vi cho phép, tôi kiến nghị là nên để cho cộng đồng quyết định.

“Nếu giả dụ cộng đồng nói chúng tôi muốn đến, chúng tôi chấp nhận đi cáp treo vì thích, nếu vậy chúng ta phải chấp nhận vì tài sản là của chung, còn sau 10 năm nhận ra không hiệu quả, thì dừng lại nhưng phải chấp nhận vì không thể quay lại 10 năm trước đó được nữa”, ông Dựng đưa ra nhận xét.

Nguồn: Báo Đất Việt

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia