“Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng nhìn từ khía cạnh cải cách tư pháp” là tên hội thảo đang diễn ra tại Hà Nội ngày 27/11.
Báo cáo tại hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, hiện tượng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên diện rộng đã dẫn đến sự xuất hiện của những “làng ung thư”.
Theo đó, kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2012 ghi nhận, cả nước có 37 “làng ung thư”. Còn theo Bệnh viện K, trong 5 năm gần đây trung bình mỗi năm có khoảng 150 ngàn bệnh nhân ung thư mới phát hiện và khoảng 70 ngàn người chết vì căn bệnh này, tăng gấp đôi so với thời gian trước đây.
Cũng theo PanNature mặc dù ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong tuy nhiên cơ chế khiếu kiện trong lĩnh vực môi trường còn chưa rõ ràng, dẫn đến thiếu khả thi trong thực tế.
Cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực ô nhiễm là đối tượng gánh chịu nặng nề nhất đối với những thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một kết quả nghiên cứu khác cũng chỉ ra có hơn 50% chi phí liên quan đến dịch vụ y tế và điều trị y tế do người dân tự chi trả.
Có mặt tại hội thảo với tư cách là đại diện cho các nhóm cộng đồng là những người dân sống tại các “làng ung thư”, các đại biểu cũng đã đề cập đến những hậu quả nặng nề mà họ đang phải gánh chịu với sự uất ức, bất lực.
Ông Lê Anh Sơn (Huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) nơi có công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc sâu gây ô nhiễm bày tỏ: “Khi tôi phát hiện và tố cáo việc làm này tôi bị đe dọa liên tục, có những cuộc điện thoại từ nửa đêm đe dọa xin mày đôi tay, tao xin mày đôi chân…”, ông Sơn nói.
Cũng chung sự búc xúc này, ông Cát Văn Quân ở Yên Định (Thanh Hóa) khẩn khiết: “Gần 30 nghìn dân ở khu vực này đang trong tình trạng ốm đau bệnh tật. Có những địa phương ba bốn người đang ngồi ở bệnh viện K, có những người đang nằm chờ chết. Ai là người đến cứu dân chúng tôi đây”, ông Quân phát biểu.
Đến từ “làng ung thư” Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) ông Quảng Văn Lộc, nguyên là trạm trưởng trạm y tế xã đau xót nêu thực tế đang diễn ra ở địa phương mình, ông bày tỏ: “Làng chúng tôi bị ô nhiễm từ 1995 – 2005 có 351 người chết, trong đó 90 người chết vì ung thư. Có nhiều nhà sáu người chết ung thư, bố chết, ông chết, bà chết và cả hai con trai cũng chết, nhiều nhà bốn người chết ung thư, có trên 20 đôi vợ chồng và bố con chết vì ung thư. Gần đây nhất có trường hợp chồng vừa chết thì năm tháng sau vợ cũng chết vì ung thư”.
Lắng nghe các chia sẻ của đại diện cộng đồng, vào chiều nay hội thảo sẽ tiếp tục lắng nghe tham luận của các đại biểu liên quan đến hậu quả, cơ chế giám sát, những bất cập trong việc thực thi bảo vệ môi trường…ở nước ta hiện nay.