“Với việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, đồng bằng sông Cửu Long của nước ta sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề” – TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã nói như vậy.
Theo đó ông cũng chỉ ra sự cần thiết phải nghiên cứu đánh giá điều kiện nền nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. “Đây là cách nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam”, TS Nguyễn Thái Lai nói.
Trên thực tế từ tháng 6/2013 Việt Nam bắt đầu tiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Các nghiên cứu chỉ ra việc xây dựng các công trình thủy điện gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế trên lưu vực sông Mê Kông – nơi sinh sống của hơn 20 triệu người.
Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng kết quả nghiên cứu là mục tiêu quan trọng không những giúp Chính phủ Việt Nam mà cả Chính phủ 4 nước ven sông đưa ra những quyết định trên cơ sở khoa học về phương thức khai thác dòng sông Mê Kông, đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện.
TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký ủy hội sông Mê Kông cho rằng nếu nói về sự ảnh hưởng của các con đập trên sông Mê Kông đối với Việt Nam thì đó là câu chuyện dài.
Ông cho biết, từng nghiên cứu đơn lẻ trước đó cũng đã chỉ ra sự lo ngại này. Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông.
“Đồng thời làm giảm diện tích vùng đầm lầy dẫn tới thay đổi môi trường sống và chặn luồng di cư của nhiều loại thủy sản”, TS Tứ dẫn cảnh báo từ các nghiên cứu trước đó.
Theo tính toàn ở phía thượng lưu 15 công trình thủy điện thuộc địa phận Trung Quốc và 11 đập thủy điện trên địa phận Lào, Thái Lan, Campuchia được xây dựng thì tổng dung tích điều tiết của toàn hệ thống bậc thang này ước hơn 30 tỉ m3 nước.
Trong điều kiện vận hành bình thường, lượng nước điều tiết xuống hạ lưu chắc chắn làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông.
“Đối với Việt Nam, hệ sinh thái và sinh kế hạ lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động nghiêm trọng ở nhiều khía cạnh, gây suy thoái về nguồn nước, môi trường, hệ sinh thái, canh tác nông nghiệp, thủy sản, … và nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế và an ninh xã hội”, TS Tứ nói.
Chi tiền lớn để nghiên cứu…
Từ năm 2010, Ủy hội sông Mê Kông đã có nghiên cứu đánh giá chiến lược các thủy điện trên sông Mê Kông. Một trong những kết quả của nghiên cứu này đã chỉ rõ bất cứ công trình thủy điện nào được xây dựng trên dòng sông chính Mê Kông nó́ sẽ mang lại các tác động môi trường vô cùng “nghiêm trọng và tiêu cực”.
Tuy nhiên để chứng minh cho các nước thấy được khi xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông và ảnh hưởng tới Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như thế nào thì cần phải có kết quả đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ và thuyết phục.
Ths Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “điều quan trọng và cần thiết hiện nay là Việt Nam phải nhanh chóng thực hiện và công bố kết quả đánh giá tác động tích lũy để khẳng định nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đối với môi trường, kinh tế và xã hội của khu vực hạ lưu trong tương lai.
“Quan trọng là Việt Nam phải nghiên cứu thế nào để đánh giá tách bạch, rõ ràng nguy cơ tiềm tàng của chính kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thách thức cho các nhà nghiên cứu của Việt Nam khi phải chỉ ra đâu là tác động do thủy điện, đâu là tác động do các yếu tố khác. Có như thế mới thuyết phục được các bên liên quan”, Ths Dũng nói.
Có lẽ cũng chính bởi sự phức tạp của vấn đề nên theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai hiện Chính phủ Việt Nam đã “chi” một khoản kinh phí lớn để mời các chuyên gia quốc tế tiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Theo TS Đào Trọng Tứ, kinh phí dành cho nghiên cứu này có thể lên tới 130 tỉ đồng và ông cho rằng thực sự đây là mối quan tâm lớn cần phải thực hiện.
Trước mắt các nghiên cứu sẽ tập trung đánh giá các tác động tổng thể của việc xây dựng và vận hành thủy điện bậc thang lên hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội ở các đồng bằng ngập lũ hạ lưu thuộc Việt Nam và Campuchia.
Nghiên cứu này cũng phải chỉ ra, các yếu tố ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, chuyển tải bùn cát, phù sa, chất lượng nước; ảnh hưởng sinh cảnh, đa dạng sinh học. Bắt đầu từ các công trình thủy điện đến các yếu tố gây tác động về ngập lụt, các hình thái của dòng chảy ảnh hướng đến nhiều ngành khác như thủy sản, giao thông thủy gây ra hay đối với sinh kế của người dân.
Theo kế hoạch, tháng 12/2015 nghiên cứu phải được hoàn tất trình Chính phủ Việt Nam và gửi cho Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và 3 quốc gia trong Ủy hội là Thái Lan, Lào và Campuchia.