Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Đừng đánh cược với tương lai của chúng ta

Nhân cuộc tham vấn khu vực của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đối với dự án đập Don Sahong diễn ra ngày 12 tháng 12 năm 2014, Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) xin được nhắc lại lời kêu gọi hủy bỏ xây đập thủy điện Don Sahong để bảo vệ dòng sông Mê Kông.

Đập Don Sahong đang đặt ra những rủi ro nghiêm trọng đối với nguồn lợi thủy sản và an ninh lương thực, đặt tương lai của dòng sông Mê Kông và người dân trên lưu vực vào vòng nguy hiểm. Đập Don Sahong sẽ tác động nghiêm trọng đến một khu vực quan trọng và có hệ sinh thái độc đáo của dòng Mê Kông với đa dạng sinh học và nguồn thủy sản phong phú. Kênh Hou Sahong nơi đập Don Sahong được xây dựng là một trong những dòng di cư chính của cá quanh năm giữa các lưu vực của Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Có ít nhất 100 loài cá được biết đến sẽ di cư qua kênh này. Việc chặn kênh Hou Sahong sẽ gây ra những tác động không thể phục hồi đối với dòng di cư của các loài cá, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và an ninh sinh kế.

Trong khi đó, Đánh giá tác động động môi trường của đập Don Sahong không đề cập đến các mối đe dọa đối với nghề cá của khu vực. Và mặc dù dự án này được xây dựng cách Campuchia chưa đầy 2km, tác động xuyên biên giới của dự án chưa được xem xét một cách đầy đủ.

Việc xây dựng và vận hành đập Don Sahong sẽ làm thay đổi đáng kể chế độ thủy văn trong khu vực, khi dòng chảy mùa khô của dòng dòng Mê Kông qua nhánh Hou Sahong sẽ tăng từ 4% lên 50%. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến khu vực thác Khone nổi tiếng và đe dọa đến toàn bộ các khu vực ngập nước ở tỉnh Stung Treng Ramsar, hạ nguồn Campuchia.

Ngoài ra, các biện pháp giảm thiểu tác động được dự án đề xuất chưa bao giờ được thử nghiệm trên lưu vực sông Mê Kông. Các chuyên gia trong khu vực đã quan ngại rằng các biện pháp này sẽ không thể giảm thiểu những tổn thất về luồng di cư của cá qua kênh Hou Sahong. Các nghiên cứu do chủ đầu tư dự án công bố đã không tính đến sự đa dạng, phong phú của các loài cá trong khu vực với những đặc tính và xu hướng di cư đặc trưng theo loài. Thiếu dữ liệu nền về những loài cá di cư qua khu vực thác Khone sẽ khiến việc dự đoán những tác động thực sự mà mà đập Don Sahong gây ra ở Lào và các nước trong khu vực là không thể.

Hơn nữa, các chủ đầu tư dự án đã không cung cấp thông tin về việc xác định những loài mà các giải pháp giảm thiểu hướng tới và cách thức lựa chọn các dòng kênh khác để giảm thiểu tác động lên xu hướng di cư của từng loài cá. Các quyết định về thiết kế và vận hành đập Don Sahong vì vậy đã dựa trên những giả định đánh bạc với tương lai của dòng sông Mê Kông và người dân trên lưu vực.

Những tổn thất là quá nhiều để đem ra đặt cược vào một canh bạc như thế.

20141213_ThongdiepMK
Sông Mê Kông đoạn qua Lào (Ảnh: PanNature)

Trong một bức thư gửi đến các Thủ tướng Chính phủ các quốc gia lưu vực  Mê Kông ngày 10 tháng 9 năm 2014, Liên minh Cứu sông Mê Kông đã bày tỏ quan ngại về tính hợp pháp của quá trình tham vấn trước đối với con đập Don Sahong. Liên minh nhấn mạnh rằng tất cả các dự án, bao gồm cả dự án đập Don Sahong, không nên được xem xét cho tới khi các lỗ hổng nghiêm trọng – vốn đã bộc lộ trong quá trình tham vấn Xayaburin – được giải quyết và các nghiên cứu cần thiết được hoàn thiện. Trong thư, Liên minh cũng đưa ra các khuyến nghị về các tiêu chí tối thiểu dựa trên tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện quá trình tham vấn minh bạch và có sự tham gia của các bên liên quan. Theo đó, quá trình tham vấn có ý nghĩa phải được tiến hành trước khi quyết định thực hiện dự án. Đồng thời, các quy trình và tiêu chuẩn tham vấn trong khu vực cần thống nhất chung ở tất cả các quốc gia để đảm bảo rằng các quan ngại của tất cả các quốc gia được thể hiện, được ghi nhận và được cân nhắc một cách hợp lý. Rõ ràng, hiện nay các yêu cầu cơ bản này đã không được đáp ứng trong các cuộc tham vấn quốc gia tại Campuchia và Thái Lan.

Quá trình tham vấn trước đối với  đập Don Sahong không thể được áp dụng như cách để Lào hợp pháp hóa hành động của mình theo Hiệp định sông Mê Kông năm 1995. Thay vào đó, Chính phủ Lào phải thể hiện được sự cam kết đối với quá trình ra quyết định trong khu vực một cách thiện chí và theo tinh thần của Hiệp định sông Mê Kông. Điều quan trọng là các quyết định phát triển trên dòng chính sông Mê Kông phải dựa trên sự đồng thuận giữa bốn nước thành viên MRC và quan trọng hơn cả là dựa trên sự đồng thuận của hàng triệu người dân trong khu vực, những người sống phụ thuộc vào dòng sông, vào tài nguyên và đa dạng sinh học của sông.

Sông Mê Kông là một hệ sinh thái mang tính biểu tượng có giá trị toàn cầu, là nguồn sống và sinh kế của người dân bốn quốc gia. Các tác động được dự báo của đập Don Sahong đối với dòng di cư của cá và năng suất thủy sản đặt ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh lương thực, đời sống, sinh kế và sức khỏe của hàng triệu người dân. Hơn thế, những thất bại trong hợp tác khu vực và những tổn thất không đồng đều trên lưu vực sẽ đe dọa sự ổn định về kinh tế và chính trị. Chính vì vậy, cách tiếp cận cẩn trọng là vô cùng cần thiết để gìn giữ dòng sông cho các thế hệ hiện tại và tương lai sống phụ thuộc vào dòng sông. Các nhà lãnh đạo trong khu vực cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện quy hoạch năng lượng và tìm kiếm các lựa chọn năng lượng bền vững hơn để đảm bảo tương lai của dòng sông Mê Kông.

Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Lào ngay lập tức hủy bỏ việc xây dựng đập Don Sahong. Đối với Chính phủ các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, cần thực hiện các hành động cần thiết để nâng cao trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ dòng sông Mê Kông và người dân trên lưu vực. Cùng với nhau, các nhà lãnh đạo sông Mê Kông cần có những bước đi nhanh chóng nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực để bảo vệ lâu dài nguồn tài nguyên quan trọng của dòng sông Mê Kông.

Nội dung thông điệp kêu gọi bằng các ngôn ngữ khác: Việt Nam, Anh, Lào, Thái, Khmer.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia