Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) Quốc hội ban hành từ năm 2008, tuy nhiên đến nay ĐDSH vẫn đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng.
Chồng chéo quản lý
GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam trong một nghiên cứu nhìn lại 20 năm bảo tồn đa dạng sinh học ở nước ta, đã chỉ ra hướng suy giảm, suy thoái của ĐDSH do áp lực của tăng dân số, đánh đổi cho ưu tiên, phát triển kinh tế. Theo chuyên gia này, dù thực trạng bảo tồn ĐDSH đang nguy cấp nhưng đáng ngạc nhiên là hệ thống văn bản luật về bảo tồn ĐDSH ở nước ta có khá nhiều. Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Hệ thống văn bản dưới luật tính từ 2009 đến nay Nhà nước đã xây dựng và ban hành đến 8 Nghị định, 9 quyết định và 12 thông tư về thể chế hóa các chiến lược, quy hoạch về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH.
Sự chồng chéo và quản lý nhà nước về ĐDSH thiếu tập trung là bất cập lớn. Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng (Trung tâm PanNature) dẫn chứng, cấp quốc gia hiện nay có 3 cơ quan chính trực tiếp thực thi quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH là Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) và Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT). Tuy nhiên, cách quản lý theo ngành dọc này có sự bất cân xứng về cả quy mô lẫn chất lượng vận hành. Chẳng hạn, Bộ TN-MT là đầu mối các công ước CBD, Ramsar và Nghị định thư Catagena về an toàn sinh học thì Tổng cục Môi trường là cơ quan thường trực giúp Bộ quản lý bao quát hết các lĩnh vực chính do Luật ĐDSH quy định. Thực tế hầu hết các nội dung quản lý này lại giao cho Cục Bảo tồn ĐDSH thực hiện.
Ở địa phương, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn (Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế) cho biết, Sở TN-MT quản lý Nhà nước về ĐDSH nhưng không có bộ máy tham mưu chuyên ngành nên giao nhiệm vụ này cho Chi cục Bảo vệ Môi trường, trong khi cán bộ của cơ quan này còn hạn chế về kiến thức quản lý bảo tồn ĐDSH. “Ví dụ rõ ràng nhất là tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành các chính sách cấp địa phương về quản lý ĐDSH hiện đều do Hạt Kiểm lâm đảm trách”, ông Tuấn nói.
Lồng ghép các chính sách
Theo TS Lê Hoàng Lan (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN), để đánh giá chính sách tác động môi trường đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường nên chăng cần lồng ghép ĐDSH trong đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường. Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng và Nguyễn Hoàng Phượng (Trung tâm PanNature) khuyến nghị nên có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trên cả nước bởi tình hình vi phạm vẫn chưa được kiểm soát. Nhất là việc lợi dụng hoạt động này để chuyển bán sang thị trường Trung Quốc một số động vật quý hiếm có lợi nhuận kinh tế cao, như rắn hổ mang chúa, tê tê, rùa biển vẫn diễn ra phức tạp. “Công tác quản lý nhà nước về ĐDSH vẫn là mấu chốt cần thiết để tạo ra sự đổi mới trong xây dựng, điều chỉnh chính sách, luật pháp và thống nhất nguồn lực quản lý, bảo tồn ĐDSH trên cả nước”, GS Huỳnh khẳng định.
Xứng danh Ramsar của thế giới Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) ngày 27-2 đã tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim”. Nơi đây chưa xảy ra vụ cháy rừng nào từ khi thực hiện dự án, có mục tiêu bảo tồn tính toàn vẹn của hệ sinh thái đất ngập nước ở Vườn Quốc gia Tràm Chim thông qua quản lý thủy văn phù hợp và phục hồi các sinh cảnh tự nhiên. Mực nước ở các kênh và đồng cỏ trong vườn như nhau trong suốt mùa lũ. Đồng cỏ năng được phục hồi nên Sếu đầu đỏ bắt đầu trở lại khu A3 sau hàng chục năm vắng bóng… Hơn 200 hộ hưởng lợi Dự án đã có việc làm tăng thu nhập. Vào mùa khô, Dự án giúp bổ sung cho môi trường bên ngoài 7 triệu mét khối nước/năm, xây dựng và quảng bá hình ảnh Đồng Tháp Mười thu nhỏ là một vùng đất ngập nước đa dạng sinh học có thiên nhiên tươi đẹp và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước, xứng danh là Ramsar của thế giới. Kim Liên |