Đến hôm nay thì đã “hạ hồi phân giải”, rằng việc “chặt 6.700 cây xanh ở Hà nội” được coi là “phản khoa học, trái pháp lý, và phi văn hóa”[1]. Nhưng, dù gì thì “sự cũng đã rồi”, nên bàn nhau về hiến kế để quản lý tốt “màu xanh Hà nội” cho tương lai mới là “việc cần làm” lúc này!
Cảm hứng của bài viết này được xuất phát từ tư tưởng trong lời trích lại của GS. Nguyễn Lân Dũng – Giám đốc Trung tâm vi sinh vật học ứng dụng, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, – từ lời của GS. Trần Văn Mão, người có 51 năm nghiên cứu về bệnh của cây, rằng:
“Cây xanh cũng như con người có lúc khỏe, lúc yếu. Nếu cây nào bị bệnh thì phải tìm cách chữa trị sớm, trường hợp quá nặng mới phải tính đến chuyện chặt bỏ. Không phải cứ sâu bệnh là đốn hạ ngay! Đối với cây xanh có khoảng 600 loại bệnh khác nhau ở khắp các loài cây. Các loại bệnh này nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì hoàn toàn có thể chữa khỏi…”.
Nhìn ra thế giới cũng vậy – tư tưởng này đã hiện hữu trong những kế hoạch bài bản để các nước tạo cho riêng mình những thành phố xanh nổi tiếng như Canberra của Australia (được ví là thủ đô trong rừng), Portland thuộc bang Oregon (Mỹ), các thành phố của Singapore…
Những luồng tư tưởng đó đi đến một lô gíc: chăm sóc màu xanh cây cũng như chăm sóc con người, cũng phải định kỳ thăm khám bệnh; và khi có bệnh cũng phải chữa trị theo những “pháp đồ” bài bản từ các nhà chuyên môn, chứ không phải “cứ ốm là chôn” – như lời của GS. Nguyễn Lân Dũng khi chua xót nói về việc chặt cây xanh ở Hà nội vừa qua.
“Khám bệnh” cho cây
Khám bệnh định kỳ, kịp thời là bước đi đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng, có tính quyết định đối với mọi cơ thể sống – như trong lĩnh vực y tế có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
“Khám bệnh” cho cây, cũng như cho con người, đó là cũng cần có một kế hoạch bài bản; và điều này được nhiều nước trên thế giới thực hiện rất cụ thể. Đơn cử như Canberra: Viện Khoa học Lâm nghiệp được tham gia ngay từ kế hoạch “Điều tra Thực trạng cây xanh Thành phố và Bàn giải pháp chăm sóc” của Chính quyền Thủ đô mở.
Không những có “kế hoạch” bài bản ngay từ đầu, sự “thăm khám bệnh” cho cây cũng cần được sự tham gia của cả “hội đồng”, với bao gồm: các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan khoa học…, và đặc biệt là những thành tố có lợi ích liên quan – là cộng đồng, những người dân hàng ngày được hưởng lợi từ hơi thở của cây xanh, được cây xanh che bóng mát, mang lại vẻ đẹp cho tâm hồn…
Nếu như sự tham gia của chính quyền, các cơ quan khoa học được xem như là “tây y” (với sự biểu trưng cho sự bài bản và khoa học) thì sự tham gia của cả cộng đồng được xem như là “đông y”. Cái “đông y” này sẽ bảo đảm: tính truyền thống – kiến thức “bản địa” – người dân sống cạnh cây hàng ngày mới biết cây khỏe hay yếu, cây cần những sự chăm sóc nào.
Chính những sự kết hợp “tây – đông y” như vậy mà có câu chuyện thú vị ở Đức. Vì sự coi trọng sinh mạng của một cây Giẻ của ông hàng xóm mà phải họp đến 3 lần trong 1 tháng; giải pháp đưa ra là thay vì phải chặt cây thì phải giỡ bỏ gara ô tô của gia đình kia (bên cạnh); và kinh phí cho việc phá hủy – xây lại gara ô tô thì chính gia đình có cây, Chính quyền Thành phố, và nhiều người trong thành phố (liên quan đến hưởng lợi ích môi trường từ cây Giẻ đó) cùng tình nguyện chịu bỏ ra.
Sự “khám bệnh cây” ở góc độ của chính quyền cũng sẽ đảm bảo tích lũy được nguồn dữ liệu; để từ đó làm nền tảng cho kế hoạch chăm sóc, bảo vệ, và quản lý cây xanh đô thị một cách tổng thể. Đơn cử, ta có thể học hỏi được ở nhiều nước theo kiểu “tây y” này.
Ở Mỹ, Bộ Nông nghiệp đã sử dụng một loại phần mềm máy tính – tên gọi là iTree – để lưu giữ, quản lý mọi dữ liệu về cây xanh đô thị. Với công cụ này, hệ thống cây xânh đô thị khắp nước Mỹ được số hóa, cập nhật thường xuyên nên rất thuận lợi cho công tác quản lý.
Ở Canberra, dữ liệu cây xanh đô thị thậm chỉ còn thu được từ sự tham gia của giới họa sỹ, khi họ tổ chức triển lãm tranh tại Thư viện Quốc gia, với tên gọi “Thành phố của Cây” (”City of Trees”). Đến dự triển lãm, một diễn viên người Anh tên Jyll Bradley, vì ấn tượng với nội dung của nó mà thốt lên rằng:
“…mọi cây xanh đô thị ở Canberra đều có những câu chuyện sống động về lịch sử con người nơi đây…”
Cũng ở Australia, đã có rất nhiều nghiên cứu bài bản về dữ liệu, về giá trị, về lịch sử cây xanh đô thị. Về điểm này, nhìn lại Việt Nam ta, đang rất thiếu và sự cần thiết sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu như Trường Đại học Lâm nghiệp, các Viện nghiên cứu chuyên ngành để cung cấp cơ sở dữ liệu cho chính quyền thành phố về dữ liệu cây xanh đô thị.
“Chữa bệnh” cho cây
Cây, cỏ, hoa… cũng như con người – cần được “chăm nom, tỉa tắm…” thì mới phát triển tốt được. Đây là điều dễ thấy, nhưng để làm được một cách triệt để thì lại rất khó – vì nhiều giác độ như: kinh tế (sự tốn kém), khoa học (phương pháp), quản lý (sự hiệu lực và hiệu quả)…
Chữa bệnh đối với con người thì sẽ tốn kém, đó là sự thật không ai mong muốn, nhưng là việc cần thiết, và việc chữa bệnh sớm cũng là một cách giảm tốn kém. Cây cũng vậy, chúng ta cần có những sự đầu tư, thực hiện sớm và thường xuyên cũng sẽ giảm đáng kể kinh phí “chữa bệnh”.
Không những “tốn kém” chăm sóc, mà việc thay thế cây còn mang đến nhiều sự “khó chấp nhận” (gây phản ứng, tiếc nuối…) nhưng đó lại là sự “hy sinh” cần thiết vì những cái lợi lớn hơn và lâu dài hơn.
Và trên tất cả – vì sự “khó chấp nhận”, “tốn kém”… đó – nên cần sự bài bản trong việc “chữa bệnh” cho cây. Nói về sự “bài bản”, chúng ta có nhiều bài học rất “tây y” – từ các nước tiên tiến về “cây xanh đô thị”.
Chính quyền Thành phố Canberra nhận thức rằng: việc chăm sóc cây xanh đô thị cần được sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng dân cư; và chiến lược chăm sóc cây xanh cũng không được cứng nhắc – nghĩa là mỗi khu vực/tuyến đường khác nhau cần có giải pháp riêng – phù hợp. Nói về điều này, ông Russell Watkinson, Giám đốc các khu công viên, bảo tồn và đất Thủ đô Canberra ví dụ:
“… nếu như một tuyến phố có hơn 90% cây không phát triển, chất lượng kém thì sẽ thay thế toàn bộ; nhưng nếu con số đó chỉ là 20-30% thì sẽ tiến hành thay thế số cây đó một cách từ từ – hằng năm…” – trích trong kế hoạch chăm sóc cây xanh đô thị của Thủ đô Canberra.
Cũng ở Canberra, gần đây – ngày 24/8/2014, Chính quyền Thành phố còn có hẳn một kể hoạch trồng bổ sung cây mới một cách rất bài bản; với bình luận về cơ sở của nó là:
“Chiến dịch trồng cây lần này không chỉ là thay thế những cây già cỗi, cây bệnh tật… mà còn tận dụng để định dạng lại hệ thống cây xanh đô thị trên các tuyến đường, trong các khu công viên…” – trích phát biểu của ông Luke Bulkeley, Giám đốc chương trình chăm sóc cây xanh Canberra.
Những sự “bài bản” đó quả là rất thiết thực cho việc chăm sóc “màu xanh Hà nội” khi mà cây xanh của Thủ đô được trồng từ lâu đời (thời Pháp thuộc), trồng tự phát – thiếu quy hoạch cũng như quy trình kỹ thuật sơ sài nên nay chất lượng đã xuống cấp đến báo động. Quả đúng vậy, khi mà dù kế hoạch “khám bệnh” của Chính quyền Hà nội là không có (như nhiều phán ánh gần đây), vẫn chỉ ra:
“…theo Sở Xây dựng Hà Nội: trên địa bàn thành phố có nhiều loại cây cần thay thế vì cong nghiêng, sâu mục, ảnh hưởng mỹ quan và mất an toàn giao thông…” – trích “Hà Nội giải thích việc chặt cây xanh trên đường Nguyễn Trãi”, đăng ngày 07/11/2014, trên Baotintuc.vn, của tác giả Mạnh Khánh.
Chỉ “chăm sóc” thôi chưa đủ, mà cần được “bảo vệ”, đó là các chế tài xử lý phải nghiêm để đảm bảo tính răn đe, tính hiệu lực. Đơn cử, ở Đức: ai chặt trộm cây trong diện được bảo vệ mà không xin phép, nếu bị phát hiện có thể bị phạt tới 50.000 Euro, thậm chí có thể bị phạt tù tới ba năm.
Sự quản lý nhà nước cũng cần được “bài bản” ngay từ hệ thống, đó là phải có cơ quan chuyên môn đủ hiệu lực. Về điều này thì chúng ta nên học hỏi Australia – khi họ có riêng một tổ chức chuyên chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị, tên gọi là “Community Tree Watch” (CTW). Với CTW này, ngoài việc chăm sóc cây, các thành viên còn sử dụng để thông tin – tổ giác những người vi phạm – làm hại cây xanh như: chặt phá, không chăm sóc cây trước cổng nhà mình….
Vậy đó – với tư tưởng “cây cũng như con người”, việc chăm sóc theo phương châm “giữa lâu dài và thường xuyên”, “giữa nhà nước và nhân dân cùng làm”, “giữa phát huy những tình cảm to lớn của con người Việt Nam với cây xanh với những cách làm tiên tiến ở các nước bạn”…, chúng ta tin tưởng tuyệt đối rằng: Hà nội sẽ là niềm tự hào về “xanh – sạch – đẹp” trong nay mai.
Trần Văn Việt, Chuyên viên Ban Kinh tế Trung ương
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả