Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), giáo dục, đào tạo, y tế và các dịch vụ công cộng khác, huy động rộng rãi mọi nguồn trong nước và quốc tế, phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế – xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) luôn quan tâm phát triển các tổ chức KH&CN trực thuộc, hoạt động theo mô hình tự chủ, tự hạch toán.
Theo báo cáo của Liên hiệp Hội Việt Nam, tính đến tháng 5/2015 đã có 402 tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam. Để làm rõ vai trò của các tổ chức KH&CN hiện nay trong mối quan hệ với Liên hiệp Hội Việt Nam, nhóm phóng viên www.vusta.vn đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với bà Bùi Kim Tuyến, Phó trưởng ban Tổ chức – cán bộ Liên hiệp Hội Việt Nam, một trong những người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết trong công tác quản lý và phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian qua. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
Phóng viên (PV): Thưa bà, được biết trong giai đoạn 2010 -2015, số lượng các tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước. Bà đánh giá như thế nào về việc phát triển các tổ chức KH&CN ngoài công lập do Liên hiệp Hội Việt Nam đang quản lý qua những số liệu thực tế này?
Bà Bùi Kim Tuyến : Các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN. Đây là các tổ chức KH&CN có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ. Tại thời điểm đại hội Liên hiệp hội Việt Nam lần thứ VI diễn ra vào tháng 4/2010, số tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam là 245 tổ chức. Đến nay, trước thềm đại hội lần thứ VII của Liên hiệp Hội Việt Nam, con số này là 402 tổ chức. Như vậy, tính bình quân trong cả nhiệm kỳ vừa qua, mỗi năm số tổ chức KH&CN tăng lên khoảng 30 tổ chức.
Mặc dù các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là các tổ chức ngoài công lập, phải tự bươn trải, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm về tài chính và hoạt động, nhưng với sự tăng lên đều đặn của các tổ chức KH&CN trong nhiệm kỳ vừa qua đã chứng tỏ nhu cầu rất lớn của cộng đồng, xã hội đối với sự có mặt của các tổ chức KH&CN trong hàng ngàn chương trình, dự án, khẳng định vai trò của các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đời sống. Mặt khác, cơ chế, thủ tục hành chính của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng đổi mới, tạo điều kiện tối đa cho các nhóm trí thức đủ điều kiện tham gia thành lập và phát triển các tổ chức KH&CN. Có thể khẳng định sự phát triển của mạng lưới các tổ chức KH&CN ngoài công lập nhiều năm qua là một trong những thành tựu quan trọng, ghi dấu ấn của Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng và sự nghiệp quản lý, phát triển KH&CN ở nước ta nói chung.
PV: Theo đánh giá của bà trong giai đoan 2010 -2015, hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã bọc lộ những mặt mạnh và hạn chế nào? Đâu là những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai hoạt động của các tổ chức, thưa bà?
Bà Bùi Kim Tuyến: Theo cơ chế hoạt động tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm, do vậy, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam ngay từ khi thành lập đã phải xác định tinh thần chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và vận động nguồn kinh phí.
Hoạt động của các tổ chức KH&CN thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều sáng kiến, dự án được triển khai đa dạng, áp dụng vào nhiều cộng đồng, địa phương từ nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học & công nghệ vào sản xuất và đời sống đến các chương trình cụ thể như xoá đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phổ biến kiến thức. Hoạt động của các tổ chức KH&CN gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể và đã đạt được những kết quả đáng kể, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Tôi có thể nêu một vài ví dụ như : Trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền đã thực hiện các nghiên cứu đầy đủ và toàn diện tần số của các gen đa hình ở người Việt làm cơ sở cho việc xác định huyết thống. Không chỉ xác định huyết thống theo nhu cầu của xã hội mà Trung tâm còn tham gia vào việc giám định AND miễn phí để tìm những người thất lạc trong chiến tranh cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (Life) có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, đặc biệt lên quan đến vấn đề vận động bình đẳng giới và phòng chống HIV/AIDS. Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã cùng một số tổ chức KH&CN xây dựng mạng lưới ứng phó biến đổi khí hậu với hoạt động chủ yếu tập trung vào mảng truyền thông và phổ biến kiến thức cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tiến hành nhiều hoạt động tại hiện trường nhằm cung cấp các giải pháp, mô hình thực tiễn, khoa học trong lĩnh vực quản trị tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững. Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hóa sinh đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, các tổ chức KH&CN đã góp phần đáng kể vào việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người lao động, thu hút và sử dụng hiệu quả được nguồn kinh phí từ các tổ chức tài trợ trong nước và quốc tế.
Mặt thuận lợi của tổ chức KH&CN ngoài công lập là bộ máy tổ chức thường gọn nhẹ, linh hoạt, mô hình quản lý dựa trên tiêu chí hiệu quả công việc là chính chứ ít khi bị ràng buộc theo mô hình quản lý hành chính, đội ngũ cán bộ cơ hữu và cộng tác viên có trình độ cao, nhiệt tình công tác, ban lãnh đạo các tổ chức thường là các nhà khoa học có trình độ, uy tín, tâm huyết với ngành, nghề… Ngoài ra, từ phía khách quan có thể thấy chính sách và cam kết của chính phủ về phát triển bền vững ngày càng mạnh mẽ và đi vào thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức KH&CN ngoài công lập có điều kiện hoạt động và vận động tài trợ, đặc biệt có thể chủ động tiếp cận với các dự án viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam ở trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam gặp không ít khó khăn, trong đó, khó khăn chính liên quan đến kinh phí hoạt động. Cũng do kinh phí hạn chế, các tổ chức khó duy trì nguồn nhân lực thường xuyên, ổn định khi luôn phải đối mặt với các vấn đề trả lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc và cuộc sống cho cán bộ. Bên cạnh đó còn có khá nhiều khó khăn, rào cản khi Các tổ chức KH&CN khi tiếp cận và nhận được các nguồn kinh phí trong nước như: ngân sách địa phương, ngân sách các bộ, ngành, các quỹ phát triển KH&CN. Thị trường KH&CN ở Việt Nam chưa phát triển nên việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Thực tế hoạt động của tổ chức KH&CN và doanh nghiệp còn chưa tìm được nhiều tiếng nói chung để doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Cơ sở vật chất còn hạn chế nên nhiều tổ chức phải thuê hoặc mượn trụ sở và thường xuyên phải thay đổi trụ sở gây nhiều khó khăn trong giao dịch và tổ chức hoạt động. Ngoài ra, phải kể đến một số chủ trương, chính sách hiện tại của Nhà nước chưa thực sự tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động tốt, đặc biệt là chính sách về đăng ký dự án, quản lý viện trợ còn khá phức tạp, còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà về quy trình thực hiện.
PV: Với những khó khăn đã nêu cộng thêm với việc thời gian qua các nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm khá nhiều khi Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình vậy theo bà, hướng đi sắp tới của các tổ chức KH&CN ngoài công lập là gì?
Bà Bùi Kim Tuyến: Từ trước tới nay, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động dựa trên các nguồn tài chính đa dạng, đó là vận động tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài, kinh phí thông qua đấu thầu, đề xuất các nhiệm vụ với cơ quan nhà nước, phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ như tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ…
Nhiều năm qua viện trợ nước ngoài là một trong những nguồn kinh phí khá quan trọng đối với các tổ chức KH&CN ngoài công lập. Trong 5 năm qua, có trên 70 tổ chức KH&CN huy động được viện trợ nước ngoài với tổng tài trợ lên đến vài chục triệu USD. Một số tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động khá hiệu quả, có uy tín và trở thành đối tác tin cậy của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức PCP nước ngoài, có thể kể đến như: ISDS, Life, COHED, SRD, COHED, PHAD, RTCCD, CCIHP… Các tổ chức này nhận tài trợ nước ngoài để thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục, dân chủ ở cơ sở, nâng cao năng lực và phát triển sinh kế cho nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghẻo, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người nhiễm HIV, xây dựng và nhân rộng các mô hình làng sinh thái, mô hình phát triển sinh kế…
Việc các nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các tổ chức KH&CN thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam (khoảng 20% số tổ chức KH&CN). Bản thân các tổ chức KH&CN đang nhận viện trợ sẽ phải xây dựng chiến lược để có thể hoạt động trong thời gian tới, khi mà viện trợ quốc tế bị cắt giảm ngày càng nhiều hơn đặc biệt là xây dựng chương trình, kế hoạch huy động các nguồn tài chính trong nước và tham gia dịch vụ KH&CN. Về phía Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tích cực đóng vai trò đầu mối làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điểu kiện cho các tổ chức KH&CN được tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước, tham gia thực hiện các dịch vụ công do nhà nước đặt hàng, xây dựng cơ chế chính sách đối với các tổ chức KH&CN và phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam. Nhà nước cũng cần mở rộng hơn cơ hội và tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập tiếp cận với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.
PV: Hiện nay Liên hiệp Hội Việt Nam đang thực hiện vai trò quản lý, hỗ trợ các tổ chức KH&CN như thế nào? Theo bà đánh giá, công tác quản lý các đơn vịtổ chức KH&CN của Liên hiệp Hội Việt Nam đang có những thuận lợi và khó khăn, thách thức gì và hướng khắc phục như thế nào?
Bà Bùi Kim Tuyến: Trong nhiều năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã hỗ trợ các nhà khoa học trong việc thành lập các tổ chức KH&CN với mục tiêu: tập hợp, phát huy tài năng và tri thức của các nhà khoa học thực hiện xã hội hoá hoạt động KH&CN, tạo việc làm và nguồn thu nhập hợp pháp cho các nhà khoa học thông và thực hiện vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào quần chúng tiến hành các hoạt động KH&CN, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Để quản lý và hỗ trợ các tổ chức KH&CN ngày càng hiệu quả, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thường xuyên cập nhật và ban hành các văn bản hướng dẫn việc thành lập, quản lý các tổ chức KH&CN. Liên hiệp Hội Việt Nam thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn chia sẻ thông tin với các tổ chức KH&CN, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức, cung cấp cho tổ chức KH&CN chế độ, chính sách hiện hành của Đảng và nhà nước về tài chính, kế toán, bảo hiểm, quyết toán thuế, bảo hiểm xã hội, công tác văn thư lưu trữ, công tác thông tin, phổ biến kiến thức, kỹ năng viết, đề xuất dự án… và tạo điều kiện để các tổ chức KH&CN được tham gia các hoạt động chung của Liên hiệp Hội Việt Nam trong các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.
Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN thường xuyên tổ chức tìm hiểu, đánh giá, kiểm tra hoạt động của các tổ chức KH&CN cùng tháo gỡ khó khăn hoặc kịp thời chấn chỉnh các hoạt động sai phạm. Hàng năm các tổ chức và cá nhân có thành tích cao trong hoạt động cũng được xem xét khen thưởng. Một số tổ chức đã đề xuất và thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN do Liên hiệp Hội Việt Nam đặt hàng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Một thực tế trong quá trình quản lý là số tổ chức KH&CN ngày càng đông và luôn có biến động về nhân sự, trụ sở, chức năng nhiệm vụ trong khi số cán bộ cơ hữu của Liên hiệp Hội Việt Nam không nhiều do vậy, đôi khi việc cập nhật thông tin của các tổ chức bị bị hạn chế và việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức không được đều đặn và duy trì đúng định kỳ. Hiện nay Ban Tổ chức cán bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá về thực tế hoạt động của các tổ chức trực thuộc sẽ đề xuất với lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam làm thủ tục giải thể một số tổ chức hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, hoạt động yếu kém, không đem lại hiệu quả thực tiễn, đồng thời xây dựng cơ chế tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức hoạt động hiệu quả đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
Việc quản lý các tổ chức KH&CN ngày càng đúng quy định, theo quy trình và được văn bản hóa, tạo thuận lợi cho cả Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức KH&CN trong thời gian tới.
PV: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Liên hiệp Hội Việt Nam sắp diễn ra, vậy Liên hiệp Hội Việt Nam đã chuẩn bị những định hướng cơ bản nào cho việc quản lý, phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trong nhiệm kỳ tới thưa bà?
Bà Bùi Kim Tuyến: Với chức năng đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước, việc phát triển và hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Liên hiệp Hội Việt Nam. Liên hiệp Hội Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN hoạt động ngày càng tích cực hơn căn cứ vào nhu cầu của các tổ chức và xã hội, mở rộng hoạt động liên kết, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế có liên quan, tranh thủ sự ủng hộ về các nguồn lực của các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế, thúc đẩy việc nâng cao năng lực, tăng cường tính chuyên nghiệp của các tổ chức KH&CN. Tôi tin rằng lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục vận động chính sách, đồng hành với sự phát triển của các tổ chức KH&CN ngoài công lập, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế cho các tổ chức KH&CN hoạt động hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi