Tam Đảo, ngày 30 tháng 5 năm 2015 – Hơn 40 đại biểu đến từ Quốc hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, viện nghiên cứu và các cơ quan truyền thông đã tham dự tọa đàm chính sách “Thực thi Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả thu ngân sách”.
Sự kiện do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập, Liên minh Khoáng sản tổ chức.
Tọa đàm đi sâu vào phân tích các khía cạnh của Sáng kiến Minh bạch trong Công nghiệp Khai thác (EITI), nhất là vai trò của EITI trong nâng cao hiệu quả thu ngân sách, đồng thời thảo luận về việc Việt Nam có cần đẩy nhanh tiến trình xem xét thực thi EITI hay không?
Các chuyên gia nhận định rằng, ngành khai thác khoáng sản và dầu khí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên,vì nhiều lý do đặc thù, đây cũng là ngành có nguy cơ tham nhũng và thất thu ngân sách lớn nhất. Nhiều khoản đóng góp được thu căn cứ theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp trong khi cơ quan nhà nước chưa có cơ chế kiểm chứng một cách hiệu quả các khai báo này. Bên cạnh đó, cách tính thuế, phí dựa trên sản lượng khai thác như hiện tại dễ khiến doanh nghiệp chỉ chú trọng phần tài nguyên có chất lượng cao, dễ khai thác, gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Việc giám sát và đảm bảo tính ổn định, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ khoáng sản sẽ còn tồn tại thách thức khi không thể đánh giá tách bạch trong hệ thống quản lý chung.
Các ý kiến tại toàn đàm cho biết thu ngân sách của Việt Nam đang gặp khó khăn lớn do suy thoái kinh tế toàn cầu, do phải dỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan theo cam kết trong các tiến trình hội nhập và tự do thương mại. Để bù đắp cho nguồn thu mất đi này mà không cần tăng các loại thuế, phí trong nước khác – vốn sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế – thì bài toán đặt ra là cần hạn chế thất thu và nâng cao hiệu quả thu ngân sách, đặc biệt đối với lĩnh vực có đóng góp ngân sách lớn như khoáng sản và dầu khí.
Cũng theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả đóng góp từ lĩnh vực khai thác tài nguyên và giải quyết những hệ lụy tới môi trường, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng những giải pháp quản trị mang tính tổng thể hơn hướng tới minh bạch ngành khai khoáng. Trong đó việc gia nhập EITI được xem như một giải pháp tối ưu.
EITI được Cựu thủ tướng Anh Tony Blair giới thiệu lần đầu tiên và năm 2002. Nguyên tắc của EITI là công khai các thông tin về hoạt động khai khoáng như hợp đồng, giấy phép, sản lượng khai thác cũng như các khoản đóng góp với sự giám sát của cơ quan độc lập. Tính đến thời điểm hiện tại, có 48 quốc gia đang thực thi EITI gồm nhiều quốc gia phát triển như Nauy, Anh và Mỹ. Khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia đã cam kết thực thi EITI gồm Indonesia, Phillipine, Đông Timor và Myanmar. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2007 và Bộ Công thương được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI. Tuy nhiên sau 8 năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa có cam kết rõ ràng về việc thực thi EITI trong khi Myanmar đã trở thành ứng viên EITI chỉ sau 2 năm chuẩn bị.
Để có thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Dương Văn Thọ
Phòng Truyền thông, Trung tâm Con người và Thiên nhiên
ĐT: (04) 3556-4001, máy lẻ 113
Email: thodv@nature.org.vn
Thông tin về đơn vị tổ chức: Liên minh Khoáng sản là một mạng lưới gồm các cơ quan/tổ chức có mối quan tâm chung về quản trị hiệu quả tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội của công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam. Các tổ chức tham gia hoạt động của Liên minh bao gồm Cục kiểm soát Hoạt động khoáng sản miền Bắc (Bộ TNMT), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Giới, Gia đình và Môi trường vì Phát triển (CGFED), và Diễn đàn các Nhà báo Môi trường (VFEJ). Website: www.eiti.vn Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường. Website: www.nature.org.vn Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam, cam kết các đóng góp cho sự phát triển công bằng của xã hội và xoá bỏ đói nghèo. CDI hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quản trị nhà nước tốt tại các cấp để tạo dựng một xã hội công bằng cho các nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ , trẻ em, nghèo để đảm bảo họ được tôn trọng và đối xử tốt nhất trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng của hội nhập kinh tế ở Việt Nam và châu Á. Website: http://www.cdivietnam.org/ |