Nộp phí bảo vệ môi trường (BVMT) được hiểu là doanh nghiệp gián tiếp đầu tư cho các giải pháp môi trường ở địa phương như một hình thức “đền bù” cho những tổn hại do hoạt động sản xuất gây ra. Tuy nhiên việc phân bổ cụ thể nguồn thu từ phí BVMT này hiện nay không đưa ra quy định về việc phân bổ nguồn thu từ cấp tỉnh, huyện, đến cấp xã và đang tạo ra những sự không đồng bộ.
Mù mờ cấp xã
Trong khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường (BVMT) được thu để khắc phục do một số tác động môi trường mà doanh nghiệp không thể xử lý được. Nói cách khác, thông qua việc nộp phí BVMT, doanh nghiệp gián tiếp đầu tư cho các giải pháp môi trường ở địa phương như một hình thức “đền bù” cho những tổn hại do hoạt động sản xuất gây ra. Như vậy, xét về bản chất, toàn bộ nguồn thu từ phí BVMT phải được đầu tư ngược trở lại để cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực bị ảnh hưởng.
Theo khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, 30 xã có hoạt động khai thác khoáng sản được khảo sát, đều cho thấy không có một quy định nhất quán về tỷ lệ hưởng, cách sử dụng về phí BVMT. Sở dĩ có bất cập này là theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã không phải là cơ quan có thẩm quyền trong việc thu phí BVMT và thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác khoáng sản ở địa bàn. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trực tiếp khai báo và nộp phí tại chi cục thuế cấp huyện hoặc tỉnh. Nguồn thu này sau đó sẽ được đưa vào ngân sách chung của tỉnh hoặc huyện tùy theo quy định của từng địa phương.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật ở các địa phương ít đề cập đến tỷ lệ phân bổ cụ thể nguồn thu phí BVMT từ cấp tỉnh xuống huyện và xã. Ví dụ như với hai tỉnh được khảo sát là Yên Bái và Long An trong thời gian trước thì việc phân bổ nguồn thu này đã có những quy định khác nhau. Đối với Yên Bái, phí BVMT về khai thác khoáng sản là một khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, số phí thu được nộp 100% và được phân chia cho từng cấp ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 27/2012 của HĐND tỉnh Yên Bái.
Theo quy định thì này của Yên Bái thì cấp tỉnh được hưởng 20% để bổ sung Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh, cấp huyện hưởng 50%, cấp xã hưởng 30% nhưng mức trích tối đa không quá 1 tỷ đồng/xã/năm, số còn lại sẽ được điều tiết về ngân sách huyện tỷ lệ phân bổ cho ngân sách tỉnh là 35%, ngân sách huyện là 25% và ngân sách xã là 40%. Tuy nhiên đối với tỉnh Long An, tỷ lệ phân bổ đối với ngân sách tỉnh là 40%, ngân sách huyện là 60%, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách xã không được quy định. Hiện nay có một thực tế là hầu hết các tỉnh đều không có quy định cụ thể về cơ chế quản lý và sử dụng phí BVMT.
Cũng theo khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, theo hệ thống tài chính hiện hành của Việt Nam, hàng năm UBND cấp xã được nhận các khoản phân bổ ngân sách phục vụ chi thường xuyên và các hoạt động chung ở địa bàn. Theo các kết quả khảo sát từ 30 xã có hoạt động khai thác mỏ, chỉ có 6 xã cho biết có nhận được các khoản phân bổ tài chính từ khai thác khoáng sản; 12 xã cho biết không nhận được phân bổ tài chính từ hoạt động khai thác khoáng sản; và 12 xã còn lại không biết có nhận được hay không do hàng năm chỉ nhận được 1 khoản phân bổ ngân sách chung và không rõ nguồn gốc. Có xã cho biết được phân bổ nguồn thu từ phí BVMT, tuy nhiên, nguồn thu này cũng chỉ được sử dụng để chi trả lương cán bộ và các hoạt động khác của UBND xã. Việc sử dụng các khoản phân bổ ngân sách của UBND cấp xã do UBND cấp huyện hướng dẫn và kiểm tra.
Theo ông Đinh Hồng Mỹ, Chủ tịch UBND xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, thực hiện như vậy không phù hợp bởi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Mông Sơn khá nhiều, khối lượng khai thác rất lớn đã gây ra tác hại về môi trường, đời sống người dân gặp không ít khó khăn, đường giao thông bị tàn phá. Kinh phí 1 tỷ đồng chỉ như muối bỏ bể cho bảo vệ môi trường ở xã. Năm 2013, theo như phân bổ phí BVMT 30% cấp xã thì xã Mông Sơn được hưởng hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì xã chỉ được cấp là 1 tỷ đồng.
Cần chấn chỉnh
Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam cho biết: Hiện nay, vấn đề quản lý, giám sát phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng đang tồn tại nhiều bất cập. Luật Ngân sách đã quy định chi tiết về khoản kinh phí dành cho vấn đề bảo vệ môi trường nhưng hiện ở các địa phương đã có không ít khoản chi sai mục tiêu đề ra. Ông Đặng Văn Thanh cho rằng, cần tăng cường lực lượng giám sát thu và chi phí BVMT đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, cộng đồng đối với vấn đề này.
Bà Trần Thanh Thủy – điều phối viên Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho biết, khảo sát của Liên minh Khoáng sản Việt Nam tại các xã có hoạt động khai thác mỏ (2009 – 2012) có nhiều thứ rất mập mờ. 6 xã được khảo sát cho biết hàng năm có nhận được khoản thu từ khai thác khoáng sản nhưng không rõ có phải là phí BVMT hay không, 12 xã không nhận được phân bổ từ khai thác khoáng sản, 12 xã không biết được phân bổ hay không; 21 xã chưa từng được đầu tư các công trình hay dự án cải tạo môi trường.
Theo các chuyên gia khoáng sản, cần có cơ chế giám sát độc lập để giám sát thu, chi phí BVMT trong khai thác khoáng sản. Bởi, nếu khoản tiền này không được công khai minh bạch thì việc sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy định của khoản phí này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.