Nhằm tăng cường nhận thức và năng lực thực hiện đồng quản lý rừng cho cán bộ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ ngày 7-9/7/2015, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt xanh (GreenViet), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tổ chức Khóa tập huấn “Đồng quản lý rừng: Phương thức đảm bảo quản lý rừng bền vững và chia sẻ công bằng lợi ích tài nguyên rừng”. Khoá tập huấn được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của tổ chức Oxfam.
Khóa tập huấn diễn ra tại thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang với sự tham dự của 29 học viên đến từ Ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ của tỉnh Gia Lai; Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang; lãnh đạo chính quyền và cán bộ lâm nghiệp 04 xã giáp ranh với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cùng cán bộ dự án Hội động vật Franfurt tại Gia Lai.
Trong thời gian 03 ngày, các học viên được dẫn dắt trao đổi, thảo luận về (i) khái niệm đồng quản lý rừng và cơ sở chính sách thực hiện đồng quản lý rừng ở Việt Nam; (ii) phân tích vai trò các bên liên quan và tính công bằng trong việc chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi trong quản lý rừng; (iii) phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực; (iv) đánh giá sơ bộ nhu cầu tăng cường năng lực thúc đẩy cộng đồng tham gia đồng quản lý rừng. Các nội dung này được thiết kế dựa trên kinh nghiệm hoạt động nhiều năm của PanNature, GreenViệt và các bên liên quan trong việc thúc đẩy thí điểm xây dựng các mô hình đồng quản lý rừng ở Việt Nam.
Chia sẻ cảm nhận khi tham dự Khóa tập huấn, ông Đinh Tấn Thành – Chủ tịch UBND xã Hà Ra cho hay: “Tham gia tập huấn, chúng tôi biết được các vấn đề quản lý rừng trên địa bàn một cách hệ thống hơn. Các vấn đề thảo luận tuy không mới, nhưng không phải ai cũng có cơ hội để bày tỏ ý kiến với các bên liên quan. Chúng tôi rất muốn có những cơ hội tương tự như thế này”.
“Tôi cũng theo học đại học và tham dự nhiều khóa tập huấn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia khóa tập huấn có không khí thảo luận sôi nổi về các vấn đề quản lý rừng ở địa phương một cách cởi mở và hữu ích” – bà Nguyễn Thị Hiền, Cán bộ lâm nghiệp xã Ayun tâm sự.
Trong hơn một thập kỷ vừa qua, phương thức đồng quản lý rừng đã và đang được Nhà nước khuyến khích, chỉ đạo thực hiện và dần được luật hóa. Tuy nhiên, việc áp dụng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với các tỉnh Tây Nguyên – nơi chịu nhiều sức ép từ các hoạt động phát triển “nóng” về kinh tế khiến rừng bị mất ngày càng nhiều. Thừa nhận điều này, trong bài phát biểu tham dự Khóa tập huấn, ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng cho hay: “Chúng tôi cũng đã và đang thực hiện các hoạt động đồng quản lý rừng nhưng gặp rất nhiều khó khăn về kỹ năng làm việc, kỹ năng thúc đẩy cộng đồng tham gia một cách hiệu quả, đặc biệt là quá trình thúc đẩy cơ chế chia sẻ lợi ích có sự tham gia của người dân. Tôi kỳ vọng Khóa tập huấn sẽ giúp trang bị những kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ chúng tôi giải quyết vấn đề này”.
Dự kiến, sau Khóa tập huấn tại Gia Lai, PanNature và GreenViet sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị địa phương trên địa bàn Tây Nguyên tổ chức các khóa tập huấn tương tự với kỳ vọng các mô hình đồng quản lý rừng sẽ giúp giảm gánh nặng quản lý cho các chủ rừng, đồng thời giúp người dân địa phương đảm bảo quyền lợi và sinh kế thông qua quá trình bàn thảo, xác định chức năng, trách nhiệm, nghĩa vụ và mức độ hưởng lợi giữa người dân, chủ rừng và chính quyền địa phương.
Ảnh: PanNature/GreenViet