Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Sau tám năm tiếp cận Sáng kiến Minh bạch Ngành Công nghiệp Khai khoáng (EITI), đến nay, Việt Nam (Việt Nam) vẫn chưa đưa ra được tuyên bố rõ ràng về việc có tham gia EITI hay không trong khi Myanmar đã thành ứng viên chỉ sau hai năm chuẩn bị.

Sông Năng thành sông chết vì khai khoáng.
Sông Năng thành sông chết vì khai khoáng.

Thông tin trên được đưa ra trong thông cáo báo chí về cuộc toạ đàm lần đầu tiên dành cho các đại biểu quốc hội về EITI diễn ra ngày 30/5 tại Tỉnh Vĩnh Phúc.

Nigeria thu thêm một tỷ USD/năm nhờ EITI

EITI là sáng kiến nhằm tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và qua đó nâng cao hiệu quả của công nghiệp khai thác, theo bà Trần Thị Thanh Thuỷ, chuyên gia EITI thuộc Trung tâm Con người & Thiên nhiên (PanNature).

Nguyên tắc chung của EITI là chính phủ và doanh nghiệp cùng công khai một số thông tin cơ bản liên quan đến hoạt động khai thác như giấy phép, sản lượng và các khoản thu ngân sách dưới sự giám sát của hội đồng các bên liên quan.

Tuy được giới thiệu bởi cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vào năm 2002, sáng kiến này có khởi nguồn từ doanh nghiệp. Trước năm 2002, nhiều doanh nghiệp khai khoáng trên thế giới đã tự nguyện công khai thông tin nhằm nâng cao uy tín, hình ảnh và vị thế.

Tháng 2/2001, một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới là BP đã công khai khoản hoa hồng 111 triệu dollar Mỹ (USD) đã trả cho Chính phủ Angola để nhận được giấy phép khai thác. Vai trò của EITI trong việc thúc đẩy quản trị tốt, chống tham nhũng và thất thu ngân sách đã được chứng minh ở nhiều quốc gia.

Thông qua báo cáo EITI 2005, Nigeria đã phát hiện được những lỗ hổng trong hệ thống thu ngân sách. Nhờ đó, Nigeria truy thu được 560 triệu USD từ công nghiệp khai khoáng, tương đương khoảng 50% tổng chi phí dành cho giáo dục phổ thông của Anh Quốc, quê hương của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người đầu tiên giới thiệu EITI nhằm giúp các nước nghèo tránh được “lời nguyền tài nguyên”. Theo đánh giá, Nigeria đã tránh thất thoát khoảng một tỷ USD thu ngân sách hằng năm từ công nghiệp khai khoáng nhờ giải quyết những lỗ hổng này.

 Tám năm, Việt Nam vẫn chưa cam kết rõ ràng

Hơn 10 năm qua, EITI đã được coi là một công cụ hữu ích để quản trị công nghiệp khai thác. Số lượng quốc gia tham gia EITI ngày càng tăng. Tính đến thời điểm hiện tại,  có 48 quốc gia đang thực thi EITI gồm nhiều quốc gia phát triển như Nauy, Anh và Mỹ. Khu vực Đông Nam Á có bốn quốc gia đã cam kết thực thi EITI gồm Indonesia, Phillipines, Đông Timor và Myanmar.

Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2007 và Bộ Công thương được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI. Tuy nhiên sau tám năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa có cam kết rõ ràng về việc thực thi EITI trong khi Myanmar đã trở thành ứng viên EITI chỉ sau hai năm chuẩn bị, ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động Chính sách thuộc Oxfarm, cho hay.

Công nghiệp khai khoáng của Việt Nam, bao gồm cả than đá và dầu khí, đóng góp cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 11% và ngân sách nhà nước 25%, theo Bộ Tài nguyên & Môi trường. Riêng năm 2014, đóng góp của ngành khai khoáng tăng 2,5% trong mức tăng chung cả năm 2014 của toàn ngành công nghiệp trong GDP.

Thu không đủ chi cho quản lý

Ngành khai khoáng vẫn bị cho là lãng phí  tài nguyên, hiệu quả đóng góp kinh tế thấp, gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội, theo đánh giá của PanNature, một trong những đơn vị tổ chức toạ đàm với sự tham gia của 11 đại biểu quốc hội sáng 30/5.  

Với nhiều đặc thù phức tạp, khai thác khoáng sản còn được coi là một trong những ngành công nghiệp có nguy cơ tham nhũng và thất thu ngân sách lớn nhất, theo Trung tâm Hội nhập & Phát triển (CDI), đơn vị đồng tổ chức toạ đàm lần đầu tiên dành riêng cho đại biểu quốc hội về đề tài này.

Ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh, ở Việt Nam, nguy cơ thất thoát ngân sách từ khai thác khoáng sản  rất lớn, đặc biệt khi những nguồn thu quan trọng như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu hay phí bảo vệ môi trường được thu dựa trên số liệu khai báo của doanh nghiệp.

Nhiều địa phương có tới 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng số thu từ thuế tài nguyên không đạt bốn tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản, Bộ Tài nguyên & Môi trường, phát biểu. Số thu này thậm chí không đủ chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai khoáng tại địa phương.

Đã thế, vẫn theo ông Thanh , thuế tài nguyên ở các địa phương được sử dụng không hợp lý, không công khai, không minh bạch. Tại Tỉnh Thái Nguyên, người ta chia nguồn thu được từ khai khoáng từ tỉnh xuống huyện rồi đến xã. Xã được hưởng ít nhất trong khi cộng đồng dân cư ở xã chịu tác động trực tiếp từ khai thác.

Doanh nghiệp bốc hơi

Khi những nguồn thu quan trọng (thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu hay phí bảo vệ môi trường) được thu dựa trên số liệu khai báo của doanh nghiệp, người ta nghi ngờ doanh nghiệp dùng nhiều chiêu trò để giảm mức đóng. “Có thể dẫn tới gian lận nguồn thu. Thậm chí, sau một thời gian khai thác, doanh nghiệp tư nhân tuyên bố phá sản hoặc lặng lẽ rút lui nhằm lảng tránh nghĩa vụ nộp thuế, phí”, TS. Lại Hồng Thanh, Cục Kiểm soát Hoạt động Khoáng sản Miền Bắc (Tổng cục Địa chất Khoáng sản, Bộ TN&MT), cho hay.

Việc doanh nghiệp trốn thuế hoặc bỗng dưng biến mất khó qua được con mắt của các nhà quản lý nhưng tại sao họ vẫn không hoặc ít bị ngăn chặn? Tại toạ đàm, ông Y Khút Niê, đại biểu quốc hội Đắk Lắk thắc mắc: “Nguyên nhân nào dẫn tới nạn tham nhũng trong khai khoáng”. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng tham nhũng trong khai khoáng do bộ máy quản lý của chúng ta không có kiểm soát và do chúng ta vẫn chưa tái cơ cấu ngân sách để thể hiện rõ quyền giám sát của Quốc hội.

Oằn mình các khoản chi ngầm

Theo chương trình khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế của (VCCI), nói, các doanh nghiệp khai khoáng đang phải đối mặt với hiện tượng chi trả chi phí không chính thức cao và phổ biến. Khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu của doanh nghiệp khai khoáng còn khó khăn, đặc biệt trong các loại văn bản về đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tiếp cận thông tin khó khăn như vậy buộc các doanh nghiệp phải nhờ cậy tới mối quan hệ với cán bộ các cơ quan nhà nước.

“Làm thế nào thực hiện đúng pháp luật, làm thế nào để VCCI vận động các doanh nghiệp đi theo con đường minh bạch?”, bà Nguyễn Kim Thúy, đại biểu quốc hội Thành phố Đà Nẵng, chất vấn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, các doanh nghiệp khai khoáng có kiến nghị nhà nước phải minh bạch các thông tin liên quan đến cấp phép, đấu giá, các khoản đóng góp ngân sách của doanh nghiệp, và vấn đề sử dụng; đăng tải công khai và kịp thời các quy định, quy hoạch, kế hoạch. Họ còn kiến nghị phải ổn định chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các thủ tục hành chính cần tăng cường thực hiện một cửa, cơ chế phối hợp phù hợp.

Không thể tăng thuế và phí mãi

Cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về thu ngân sách, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định. Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng nhiều vào tiến trình hội nhập và tự do thương mại như Cộng  đồng Kinh  tế Asean (AEC). Theo cam kết trong AEC cũng như trong nhiều hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam sẽ phải dỡ bỏ hầu hết các loại thuế nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, nguồn thu hải quan chiếm tới gần 20% ngân sách nhà nước. Để bù đắp ngân sách nhà nước, Việt Nam sẽ phải tăng nhiều loại thuế và phí  trong nước. Vẫn theo TS Lê Đăng Doanh, giải pháp này có nguy cơ để lại nhiều hệ lụy tiêu cực như ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân; giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư do các nghĩa vụ tài chính nặng nề khi đầu tư ở nước ta và qua đó ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Việc này có thể dẫn đến xu hướng giảm đầu tư, gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản cũng như tỷ lệ thất nghiệp.

Để có những giải pháp bền vững hơn, Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc hạn chế thất thu và nâng cao hiệu quả thu ngân sách, đặc biệt đối với lĩnh vực có đóng góp ngân sách lớn như khoáng sản và dầu khí, bà Trần Thị Thanh Thuỷ cho biết.

Nên chọn cơ quan đầu mối khác

Trước hàng loạt vấn đề chậm giải quyết trong khai khoáng, bà Phạm Thị Thu Hồng, đại biểu quốc hội Tỉnh Bình Định, băn khoăn: “Trong thời gian tới, trừ ngành khai thác dầu mỏ, Việt Nam có nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp khai khoáng?”.

Việt Nam tiếp cận EITI từ năm 2007, khi Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI. Khi tiến độ rất chậm, Việt Nam chưa có cam kết rõ ràng, có ý kiến cho rằng, do tính chất đặc thù, Bộ Công Thương không có động lực. Các chuyên gia đề nghị Chính Phủ nên giao EITI cho cơ quan khác như Bộ Tài nguyên & Môi trường hoặc Bộ Tài chính. Thậm chí, có thể chuyển cho một cơ quan chuyên trách của Quốc hội phụ trách để sớm đẩy nhanh tiến độ thực thi EITI.

Nguồn: Tri Thức Trẻ – Tiền Phong

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia