Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) là một sáng kiến quốc tế tập trung vào vai trò của rừng như một giải pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích khác như quản lý bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế cộng đồng. Là quốc gia được lựa chọn thực hiện sáng kiến này, Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động quốc gia về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng” giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định 799/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo chương trình này, UBND các tỉnh liên quan có trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động về REDD+ cấp tỉnh.

Là một sáng kiến mới và chưa có tiền lệ, nhiều nghiên cứu và thảo luận đã chỉ ra rằng ngoài các lợi ích, REDD+ có thể đưa đến những rủi ro do những thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất, quyền tiếp cận tài nguyên, từ đó tác động lớn đến sinh kế của cộng đồng địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. Chính vì vậy, bên cạnh những dữ liệu nền về tình trạng mất rừng, suy thoái rừng hay phát thải carbon, thì bối cảnh môi trường, văn hóa, xã hội hay sinh kế người dân cũng cần được chú ý, xem xét ngay từ giai đoạn đầu xây dựng và thiết kế hoạt động REDD+. Điều này đặc biệt quan trọng khi các nhà đầu tư (Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ hay khối tư nhân) tiến hành khảo sát và tìm kiếm những địa điểm tối ưu để triển khai các hoạt động REDD+, cũng như thực hiện lồng ghép các biện pháp đảm bảo an toàn để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện.

Một số các nguyên tắc, tiêu chí đảm bảo an toàn môi trường – xã hội cho REDD+ với mục tiêu tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro của REDD+ đã được công bố như: các nguyên tắc đảm bảo an toàn Cancun (UNFCCC), tiêu chuẩn môi trường và xã hội cho REDD+ (SES –Social and Environmental Standards), tiêu chuẩn xã hội – môi trường của chương trình UN- REDD, hay các chính sách đảm bảo an toàn cho các dự án của Quỹ đối tác carbon (FCPF) của Ngân hàng thế giới. Dù tương đối đầy đủ về nội dung nhưng các nguyên tắc, công cụ này chỉ tập trung so sánh, đánh giá không gian phân bố của các khu vực rừng giàu carbon, cũng như các rủi ro về kinh tế và xã hội chung ở cấp quốc gia. Vẫn còn một khoảng trống cho những đánh giá liên quan đến tác động và rủi ro môi trường – xã hội ở cấp độ địa phương và hộ gia đình, nơi những hoạt động REDD+ đang thực sự diễn ra.

Hình ảnh tại Hội thảo/ (Ảnh: PanNature)
Hình ảnh tại Hội thảo/ (Ảnh: PanNature)

Với những lí do kể trên, trong thời gian 3 năm (2012 – 2015), Bộ chỉ số đánh giá môi trường – xã hội cho REDD+ cấp tỉnh, gọi tắt là RESI, được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổ chức Tropenbos Việt Nam cùng sự hỗ trợ kỹ thuật từ TS. Pamela McElwee, ĐH Rutgers (Hoa Kỳ) nghiên cứu xây dựng và phát triển. Đây cũng là một phần kết quả của dự án Nghiên cứu và tăng cường năng lực về REDD+, sinh kế và tính dễ tổn thương ở Việt Nam: Xây dựng các công cụ cho phân tích xã hội và quy hoạch phát triển (PEER, 2012-2015). Về bản chất, RESI là một công cụ đảm bảo an toàn trong REDD+ với mục đích đánh giá nền tảng thể chế – chính sách – môi trường – xã hội cấp tỉnh; từ đó phản ánh những lợi thế và rủi ro khi triển khai, thực hiện REDD+ trong bối cảnh cụ thể của từng địa phương. Nói cách khác, RESI sẽ giúp đo lường mức độ sẵn sàng của các tỉnh khi bắt đầu triển khai thực hiện các hoạt động REDD+. Nhóm nghiên cứu cho rằng RESI là công cụ hữu ích, cung cấp thông tin đầu vào cho quá trình xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh, đồng thời có thể được các nhà đầu tư tham chiếu so sánh ưu thế giữa các địa phương khi lựa chọn địa bàn thực hiện REDD+.

Bộ chỉ số RESI đã được thử nghiệm tại Lâm Đồng năm 2013 và thí điểm đánh giá tại 04 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Kon Tum và Kiên Giang trong năm 2014. Nhằm giới thiệu bộ chỉ số RESI và chia sẻ kết quả đánh giá, PanNature phối hợp với các đối tác tổ chức hội thảo tham vấn Phát triển chỉ số môi trường – xã hội cho xây dựng và giám sát kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh với các mục tiêu cụ thể như sau:

  • Giới thiệu nội dung bộ công cụ xây dựng chỉ số môi trường – xã hội cho REDD+ cấp tỉnh;
  • Chia sẻ kết quả đánh giá thí điểm chỉ số môi trường – xã hội cho REDD+ tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Kon Tum và Kiên Giang; và
  • Thảo luận về bộ chỉ số RESI và khả năng áp dụng chỉ số này trong quá trình xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) giai đoạn 2016-2020 cũng như các chương trình, dự án REDD+ khác tại Việt Nam.

Thời gian và địa điểm hội thảo:

Địa điểm: Khách sạn La Thành, 218 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian: từ 8:00 – 17:00 ngày 09 tháng 9 năm 2015

Tài liệu hội thảo:

Ch­ương trình Hội thảo

Tiếp cận, tiến trình và kết quả xây dựng hướng dẫn thực hiện kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) và lồng ghép yêu cầu đảm bảo an toàn môi trường-xã hội
Ban quản lý Chương trình UN-REDD (pha 2) Việt Nam

Kinh nghiệm xác định và lồng ghép các nguyên tắc đảm bảo an toàn môi trường – xã hội trong xây dựng kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP): Trường hợp tỉnh Lâm Đồng
Đại diện Dự án LEAF (SNV)

Giới thiệu nội dung bộ chỉ số môi trường – xã hội cho REDD+ cấp tỉnh (RESI)
Th.S Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Chia sẻ kết quả đánh giá thử nghiệm bộ chỉ số RESI cấp tỉnh tại Sơn La, Điện Biên, Kon Tum và Kiên Giang
Th.S Nguyễn Hải Vân, Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Bảng tóm tắt các chỉ số môi trường – xã hội cho REDD+ cấp tỉnh

Tài liệu tham khảo: Các chỉ số môi trường – xã hội cho REDD+ cấp tỉnh

Biểu mẫu thu thập thông tin đánh giá chỉ số môi trường – xã hội cho REDD+ (RESI)

 

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia