Tiếp theo chương trình triển khai hoạt động khoa học và công nghệ, ngày 23.9.2015 tại thành phố Hà Giang, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức Hội nghị hội thảo khoa học với chủ đề “Tham vấn thúc đẩy thí điểm khu bảo tồn cộng đồng tại Xín Mần, tỉnh Hà Giang”. Tham dự Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số sở/ngành thuộc tỉnh như: Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hóa Thông tin, Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Xín Mần và một số nhà khoa học đến từ trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Vụ bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP), tổ chức Con người, Tài nguyên và Môi trường (PRCF), Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế (FFI), Quỹ Đối tác các hệ sinh thái nguy cấp (CEPF).
Hội thảo lần này với mục đích giới thiệu kết quả triển khai hoạt động “Nghiên cứu tính khả thi thành lập Khu bảo tồn cộng đồng tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang” đã được nhóm nghiên cứu tổ chức PanNature phối hợp với chuyên gia Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Đồng thời tham vấn, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để thống nhất đưa ra các giải pháp phù hợp làm cơ sở lập kế hoạch thí điểm thúc đẩy mô hình khu bảo tồn cộng đồng trên địa bàn nghiên cứu trong tương lai. Kết quả đạt được của nghiên cứu tập trung các vấn đề như: nghiên cứu, thu thập, đánh giá nhanh về thực trạng nguồn tài nguyên, sự đa dạng sinh học (động, thực vật…), nhận thức và hình thức sử dụng tài nguyên của cộng đồng, kỳ vọng của các bên liên quan đối với việc quản lý và khai thác tài nguyên rừng tại khu vực rừng Thác Tiên- Đèo Gió, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Hội thảo đã thảo luận và đánh giá: Đây là sáng kiến mới của nhóm nghiên cứu, có thể là giải pháp giải quyết hài hòa những mâu thuẫn về lợi ích giữa bảo tồn và phát triển trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, cộng đồng dân cư sống gần rừng được thừa nhận và trao quyền tự tổ chức quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng. Nhà nước và các bên liên quan đóng vai trò giám sát và hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo cho mọi hoạt động của cộng đồng và người dân tuân thủ mọi quy định và chính sách của Nhà nước. Hình thức quản lý này sẽ giảm tải được sự đầu tư của Nhà nước cho công tác quản lý rừng, đồng thời đảm bảo cho người dân và cộng đồng có được quyền lợi chính đáng trong việc tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của họ. Bên cạnh đó, hội thảo cũng chỉ ra những thách thức cần làm rõ như: tính phù hợp với các văn bản quy định hiện hành, hình thức quản lý vừa đảm bảo phát triển bền vững hệ sinh thái rừng và giải quyết hài hòa lợi ích của người dân, quy mô cộng đồng…
Hy vọng rằng với sự tiếp tục vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức liên quan, mô hình sẽ sớm được thực thi, góp phần từng bước xã hội hóa, thúc đẩy nhanh sự tham gia của của cộng đồng trong cộng tác quản lý bảo vệ bền vững tài nguyên rừng, một nội dung Nhà nước đang quan tâm triển khai thực hiện.