Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Việc đề xuất tăng thuế suất tài nguyên 2 – 5% từ năm 2016 của Bộ Tài chính đang tạo làn sóng phản ứng trái chiều từ các doanh nghiệp khai khoáng. Ai cũng có cái lý của mình. Chuyện lãng phí tài nguyên lại được đặt lên bàn cân. Tăng thuế mới chỉ là phần ngọn, muốn tránh hao hụt khoáng sản phải giải quyết từ phần gốc!

Theo số liệu mới đây của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng 2015 của nhóm hàng khoáng sản, nhiên liệu ước đạt 3,5 tỷ USD, đã giảm tới 46,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Quặng và khoáng sản khác là mặt hàng duy nhất trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ (tăng 15%).

Xuất thô giá bèo, vì đâu?

Bộ Công Thương cho rằng giá xuất khẩu giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu dầu thô và xăng dầu giảm, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm do lượng xuất khẩu giảm 74,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng năm nay, lượng xuất khẩu nhóm khoáng sản, nhiên liệu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 231 triệu USD, trong khi giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch cả nhóm đến gần 2,9 tỷ USD.

Những con số về kim ngạch xuất khẩu đã phần nào phản ánh sự tổn thương cho công nghiệp khai khoáng nói riêng và nền kinh tế nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Xuất khẩu dầu thô là điển hình lớn nhất, vốn đem lại nguồn ngân sách lớn cho quốc gia nhưng giá dầu thô thế giới đang tụt dốc thảm hại (hiện ở ngưỡng khoảng 45 USD/thùng, tính đến tháng 8/2015 Việt Nam đã giảm thu từ xuất khẩu dầu thô gần 2,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái).

Liệu có ai hiểu khi kể công đóng góp của ngành dầu khí đã tận thu giá rẻ để giúp số liệu tăng trưởng GDP luôn được sáng sủa trong thời gian qua mà không “tính sổ” nguồn tài nguyên dầu thô trong nước đang dần mất đi?

Các lĩnh vực khai khoáng khác như than đá, khoáng sản kim loại và không kim loại cũng chẳng khá hơn gì, đóng góp cho ngân sách là một lẽ, hao hụt khoáng sản là một chuyện, nhưng chỉ mải miết khai thác để xuất thô dù thực tế giá có giảm sâu thì để làm gì? Trách nhiệm này thuộc về ai?

20152309_tainguyen2

Cần phải nhắc lại, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2014, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản vẫn chiếm tới 44,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Khai thác và xuất khẩu dầu thô nói chung, thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô nói riêng vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc khai thác, xuất khẩu tài nguyên để phục vụ cho tăng trưởng là không bền vững do nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ có hạn. Do đó, cần giảm tỷ trọng của nhóm khoáng sản thô, sơ chế trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu là việc nên làm vào lúc này.

Thực tế tình hình xuất khẩu khoáng sản thời gian qua cho thấy dù đã có lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô từ sau khi sửa đổi luật Khoáng sản (năm 2011) nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi nhiều.

Theo thống kê, Việt Nam đang có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Tình trạng khai thác mỏ nhỏ, khai thác tận thu, hàng loạt bằng phương pháp thủ công ngày càng mọc lên như nấm. Còn công nghệ luyện kim và chế biến sâu thì đến giờ vẫn lạc hậu, năng suất và hệ số thu hồi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Tư vấn Phát triển (CODE) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng chứng minh rằng, mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế khai thác xuất khẩu sản phẩm thô, song hầu hết các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam hiện nay muốn thu lợi nhuận nhanh nên chỉ chú trọng khai thác xuất khẩu ở mức quặng và tinh quặng.

Điều đáng bàn ở đây là sự ưu ái trong cấp phép của cơ quan quản lý bị chi phối bởi nhóm lợi ích, dễ dãi trước công nghệ khai thác thô sơ lạc hậu, làm cho tài nguyên vừa bị thất thoát vừa ô nhiễm nặng nề.

Một chuyên gia kinh tế đã nhận định, chuyện khai thác tài nguyên để xuất khẩu thô vẫn là ngành kiếm được nhiều lợi nhuận. Nhưng cái lợi chỉ chảy vào túi một nhóm nhỏ doanh nghiệp.

Phải giải quyết phần gốc

Quay lại câu chuyện đề xuất tăng thuế suất tài nguyên của Bộ Tài chính lần này, lẽ đương nhiên vấn đề phản ứng của doanh nghiệp là giá khoáng sản trên thế giới đang giảm sâu, nhiều doanh nghiệp đang bị lỗ. Nếu tăng thuế, cộng thêm nhiều thuế phí khác nữa thì doanh nghiệp khai khoáng càng có nguy cơ phá sản. Cũng có ý kiến nêu việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tại thời điểm hiện nay là chưa đảm bảo tính ổn định của chính sách, từ đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Đáp trả thắc mắc trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định việc điều chỉnh là cần thiết để tránh lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước khi xóa bỏ thuế xuất khẩu.

Doanh nghiệp khai khoáng phản ứng cũng có cái lý vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của họ. Nhưng biết làm sao được khi chuyện lãng phí tài nguyên, nguồn thu ngân sách đang được đặt lên bàn cân và phần áp lực phải giải quyết có thể đang nghiêng về phía Nhà nước.

Giá giảm khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm khoáng sản, nhiên liệu đã giảm gần 2,9 tỷ USD.
Giá giảm khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm khoáng sản, nhiên liệu đã giảm gần 2,9 tỷ USD.

Thực ra, chuyện đề xuất tăng thuế tài nguyên của Bộ Tài chính cũng mới chỉ là giải pháp một chiều để cứu vãn nạn “chảy máu” tài nguyên khoáng sản trong thời gian dài.

Trước hết, cần nhìn nhận lại phần lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước đã “làm lơ” cho các doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô trong thời gian dài. Lẽ ra, ngay từ đầu, nếu nguồn khoáng sản thu hút được các ngành công nghiệp chế biến và khuyến khích khoa học công nghệ chế biến khoáng sản phát triển thì không có cái hậu khó lường như hôm nay.

_Không những vậy, theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam cũng có tác động tiêu cực ít nhiều đến đời sống kinh tế – xã hội. Đó là công nghiệp khai khoáng không có tính ổn định và bền vững. Hoạt động này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên không tái tạo, có nghĩa là hoạt động này sẽ chấm dứt và công nhân sẽ mất việc làm khi mỏ cạn kiệt.

Đó là còn chưa kể đến sự hạn chế về trình độ và kỹ năng lao động, người nghèo sẽ ít có cơ hội hưởng lợi từ hoạt động này. Hơn nữa, ngành khai khoáng có tác động rất lớn khiến cho môi trường sống đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Trong Chiến lược phát triển khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg vào năm 2011 có nhấn mạnh quan điểm phát triển là “Khoáng sản Việt Nam là tài nguyên không tái tạo, có trữ lượng hạn chế, vì vậy, phải được điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ tốt môi trường sinh thái… Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản với công nghệ hiện đại, phù hợp điều kiện của Việt Nam, nâng cao hệ số thu hồi khoáng sản và mức độ chế biến sâu khoáng sản”.

Tất nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh câu chuyện tăng thuế tài nguyên thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm giải quyết từ phần gốc của vấn đề nếu không muốn trả giá chuyện “chảy máu tài nguyên” trong tương lai gần. Điều đó yêu cầu sự tăng cường hiệu lực các cơ quan quản lý và thiết lập một hành lang pháp lý, chế tài thực sự đủ mạnh.

Ts. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
——————————-
Ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm bất cập. Vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Nguồn: Thời báo Kinh doanh

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia