Hôm 8/9, tại hội thảo góp ý về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng gay gắt với các mức thuế tăng lên gần mức trần với nhiều khoáng sản (trung bình tăng 2-3%), và cho rằng, đó là chính sách tận thu cho ngân sách.
Tăng nhanh qua các năm
Theo đề xuất của Bộ Tài chính và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các mức thuế áp dụng từ ngày 1/1/2016 với một số khoáng sản kim loại tăng thêm 2% như: đồng (từ 13 lên 15%); bạc, thiếc (từ 10-12%)…
Măng gan tăng 3% (từ 11-14%). Các khoáng sản khác tăng từ 10-15% như chì, kẽm.
Các khoáng sản không phải kim loại cũng tăng mạnh: cát tăng từ 11 lên 15%; grannit, đất làm gạch đều tăng từ 10-15%; đá hoa trắng tăng từ 9-15%; than tăng từ 7 lên 10% với than antraxit hầm lò, khai tác và tăng từ 9-12% với than antraxit lộ thiên, than nâu, than mỡ.
Thuế suất với nhóm nước thiên nhiên như cho sản xuất điện tăng từ 4% lên 5%; nước khoáng thiên nhiên, nước lọc đóng chai, hộp… tăng từ 8-10%. Còn từ 1/1/2017, thuế suất với các loại khoáng sản chủ yếu tăng thêm 2% nữa: sắt, titan, vàng, vonfram, antimoan…
Số thu thuế tài nguyên đã tăng nhanh qua các năm: năm 2011, tổng số thuế tài nguyên thu được đã đạt 39.299 tỉ đồng; năm 2012 đạt 41.312 tỉ đồng; năm 2013 giảm còn 37.875 tỉ đồng; năm 2014 đạt 38.048 tỉ đồng (chiếm 4,4% tổng thu ngân sách Nhà nước).
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, việc tăng thuế tài nguyên nhằm tăng cường quản lý khoáng sản, cân bằng số thu ngân sách do thuế xuất nhập khẩu khoáng sản ngày càng giảm.
“Việt Nam đã và đang ký kết 10 hiệp định thương mại tự do như hiệp định với ASEAN sẽ giảm 98% dòng thuế và 0% năm 2018, nên phải tăng thuế nội địa thay cho thuế xuất nhập khẩu”, ông Thi nói rõ.
Thuộc diện “cao nhất thế giới”
Tuy nhiên, những dự kiến thay đổi mức thuế suất trên cũng đã gây phản ứng mạnh từ khối doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, việc tăng thuế đợt này chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác hợp pháp, và kích thích khai thác trái phép.
Ông Evan Spenser, Tổng giám đốc Công ty TNHH mỏ Niken Bản Phúc cho biết công ty này đã đầu tư 130 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2007, năm 2014 đã bắt đầu khai thác, ra lò nhưng đến nay đã lỗ 35 triệu USD do giá khoáng sản giảm mạnh và chính sách thuế, phí của Việt Nam vào khoáng sản tăng quá nhanh.
“Từ năm 2007, khi bắt đầu đầu tư và đến nay thì thuế của Việt Nam với khoáng sản đã tăng 230%. Các loại chi phí như: tiền điện, phí bảo vệ môi trường…đều tăng, tác động mạnh dến chúng tôi. Đề nghị Bộ Tài chính xem lại mức thuế suất. Chứ tăng mãi thế này thì đó lại là “hình phạt” cho công ty đứng đắn, bảo vệ cho các hoạt động khai thác lậu”, ông này nói.
Theo ông Evan Spenser, nhiều đối tác, nhà đầu tư khai thác mỏ quen biết với ông đã tới Việt Nam nhưng nhìn thấy chính sách thuế, phí… đã sợ và rút lui. “Khai thác, chế biến khoáng sản đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, những thay đổi thuế như ở Việt Nam là cực lớn, khiến nhà đầu tư không có vốn vận hành không thể mở rộng mỏ, phát triển chế biến sâu”, ông này nói.
Ông Nguyễn Cảnh Nam, đại diện Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, chính sách thuế, phí với khoáng sản ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ở mức thuộc diện “cao nhất thế giới”.
“Trong các thuế, phí, có những khoản thực chất là trùng lắp như tiền cấp quyền khai thác, cũng lên đến 2% tổng doanh thu nhưng nó không khác gì thuế tài nguyên do mục đích, tính chất thu giống nhau nên việc tăng thuế tài nguyên lần này, càng khiến mức thuế nên chót vót, khó doanh nghiệp nào chịu được”, ông Nam nói.
Theo ông này, việc tăng thuế tài nguyên chỉ giúp tăng thu trước mắt còn về lâu dài, thu ngân sách sẽ giảm vì doanh nghiệp thua lỗ, sẽ không có thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp còn tồn tại sẽ chỉ khai thác phần có giá trị cao, thuận lợi chứ không khuyến khích họ khai thác tối đa tài nguyên vì ngày nay, khai thác mỏ ngày càng khó khăn”, ông Nam cảnh báo.
Bà Vũ Hương, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, về lâu dài, có thể cần phải tăng thuế, nhưng Bộ Tài chính cần phải điều chỉnh theo từng bước để không gây bất ổn môi trường đầu tư.
“Theo tôi, ngành thuế cần có lộ trình dài hạn hơn. Tăng như hiện tại là quá nhanh, thể hiện chính sách không ổn định”, bà Hương nói.
Bà Trần Thị Như Trang, đại diện cho Công ty Cổ phần Khoáng sản An Thông nói rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng khó khăn, việc tăng thêm thuế tài nguyên lần này sẽ như “giọt nước tràn ly”.
“Chúng tôi có một mỏ, 3 nhà máy, thì hiện nay chỉ còn một nhà máy hoạt động, có 900 công nhân thì 450 công nhân đã phải cho nghỉ việc và gia đình họ đang sống rất khó khăn. Đề nghị nếu có tăng thuế cũng nên có lộ trình ít nhất 5 năm, chúng tôi còn biết trước”, bà Trang nói.
Cần cái nhìn toàn cục
Một số chuyên gia quốc tế tại hội thảo cũng cho rằng, Bộ Tài chính nên thận trọng hơn với đề xuất điều chỉnh thuế lần này.
Bà Clare ALain, Trưởng ban Hợp tác phát triển quốc tế, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam nói: “Tôi hiểu là Việt Nam đang chịu những gánh nặng ngày càng lớn hơn về ngân sách khi tham gia ký FTA với EU, Hàn Quốc… sắp tới là TPP. Nhưng cũng cần nhìn bối cảnh toàn diện hơn, rà soát lại chi tiêu công để tính toán kỹ hơn, trước khi quyết định tăng thuế”.
Ông Taylor Robbie, Phó đại sứ Newzeland tại Việt Nam nói, những chính sách thuế tăng đột ngột như vậy có thể khiến môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên rủi ro, không dự báo được.
Bà Trần Thanh Thủy, đại diện cho PanNature cho biết, tổ chức này đã nghiên cứu, so sánh chính sách thuế khoáng sản của Việt Nam với 12 quốc gia, và đánh giá Việt Nam là nước có nhiều khoản thu nhất và thuế suất cao nhất.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy, hiệu quả thu ngân sách ở Việt Nam rất hạn chế. Nhiều địa phương có hàng trăm giấy phép còn hiệu lực nhưng một năm chỉ thu được vài tỉ đồng. Thay vì tăng thuế suất, Bộ Tài chính nên đánh giá lại để đưa ra chính sách phù hợp”, bà nói.
Trả lời các ý kiến trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, ngành khai khoáng là ngành đầu tư cao, lợi nhuận lớn nên rủi ro cũng lớn. Chính sách thuế với ngành khai khoáng, theo ông vẫn là ổn định vì chưa vượt quá khung thuế do Quốc hội đã thông qua.
“Khi xây dựng phương án thuế tài nguyên, Quốc hội đã có sự cân đối rồi và giao cho Thường vụ xây dựng mức điều hành. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để về tổng hợp, phân tích, đưa ra quy định hài hòa lợi ích cho các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Thi nhấn mạnh.