Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR)khoảng 1.000 – 1.300 tỷ đồng/năm, dành riêng cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; từ đó giảm áp lực chi của ngân sách cho đầu tư lâm nghiệp hằng năm từ 22-25%.
Ngày 20/11/2015, tại Hà Nội, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp) và Liên hiệp các Hiệp hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương”.
Nâng cao thu nhập và tạo sinh kế cho người dân
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, chi trả DVMTR đang góp phần giảm áp lực lên ngân sách của tỉnh đối với công tác quản lý và bảo vệ rừng (QLBVR), đồng thời nâng cao thu nhập của người dân
Bà Nguyễn Hải Vân, đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên cung cấp một ví dụ điển hình tại tỉnh Quảng Nam, trước khi có chính sách chi trả DVMTR, nguồn ngân sách chi cho hoạt động QLBVR chỉ chiếm 7,3%. Tuy nhiên từ khi có DVMTR, diện tích rừng được đầu tư chi trả đã tăng lên 72% trong tổng diện tích rừng cần quản lý bảo vệ tại tỉnh Quảng Nam thuộc nguồn ngân sách Trung ương.
Bà Vân cho biết thêm, “con số này còn ấn tượng hơn đối với tỉnh KonTum, trước khi chi trả DVMTR, toàn bộ nguồn đầu tư cho hoạt động này chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương với khoảng 40 tỷ đồng/năm, nhưng khi có chi trả DVMTR, trong cơ cấu đầu tư BVQLR hiện tại của KonTum có 90% nguồn tài chính từ qũy chi trả DVMTR”.
Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp), nguồn thu từ chi trả DVMTR từng bước trở thành nguồn tài chính ổn định, khoảng 1.000 – 1.300 tỷ đồng/năm, dành riêng cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; từ đó giảm áp lực chi của ngân sách cho đầu tư lâm nghiệp hằng năm từ 22-25%.
Bên cạnh đó, chi trả DVMTR còn mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo sinh kế cho người dân, “với mức chi trả trung bình 250.000 đồng/ha, chính sách này đã bổ sung thêm thu nhập trung bình từ 1,8 – 2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349.000 hộ gia đình cùng hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc”, ông Lượng nhấn mạnh.
Các đại biểu cho rằng, hiệu quả chi trả DVMTR và sự tham gia của các địa phương đạt kết quả tốt là do dựa vào 3 tiêu chí tính công bằng, minh bạch và bền vững trong quá trình thực hiện.
Tăng nguồn thu bằng xã hội hóa đầu tư
Theo nhận định của bà Nguyễn Hải Vân, trong thời gian tới, chi trả DVMTR còn đóng góp nguồn thu ổn định, bền vững đối với các tỉnh, chiếm tỷ trọng rất quan trọng trong cơ cấu ngân sách của tỉnh về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.
“Nguồn thu từ chi trả DVMTR có thể đảm bảo 34,9% so với nhu cầu vốn phát triển và quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lào Cai và chiếm 88,5% trong tỷ trọng vốn đầu tư và bảo vệ rừng của tỉnh Quảng Nam…”, bà Vân nói.
Ví vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn thu này trong thời gian tới, bà Vân cho rằng “chúng ta nên đầu tư vào các lợi ích cộng đồng hay đầu tư vào quỹ sinh kế của xã, thôn để đảm bảo nguồn thu DVMTR hiệu quả hơn”.
Cùng với đó, nhằm bảo vệ và tăng nguồn thu từ chi trả DVMTR, TS. Ngô Anh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất, “cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư bảo vệ và phát triển rừng theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Theo đó, “đẩy nhanh các nghiên cứu về mức chi trả và xác định số tiền chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản…Có lộ trình từng bước đề xuất tăng mức tiền chi trả DVMTR đối với thủy điện và nước sạch lên đúng bằng giá trị DVMTR do bảo vệ rừng tạo ra (khoảng 1 triệu đồng/ha)”, ông Tuấn kiến nghị.
Bên cạnh đó, để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục trở thành nguồn thu lớn và ổn định, góp phần hỗ trợ hoạt động QLBVR, tăng thu nhập cho người dân trong giai đoạn tới, theo ông Nguyễn Hồng Lượng, “Tổng cục Lâm nghiệp sẽ triển khai chương trình thí điểm chính sách liên quan tới cơ sở công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát phục vụ chi trả DVMTR”.
Chính thức triển khai tại Việt Nam từ đầu năm 2011 ngay sau khi Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ có hiệu lực, chi trả DVMTRR đã trở thành một trong những chính sách lâm nghiệp nổi bật giai đoạn 2010 – 2015 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. |
Nguồn: Thời báo Tài chính