Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Các tổ chức xã hội dân sự trên toàn cầu mới đây đã đưa ra bản tuyên ngôn kêu gọi loại bỏ thủy điện lớn ra khỏi các Sáng kiến Khí hậu toàn cầu.

Các dự án thủy điện lớn thường được các thể chế tài chính quốc tế, các chính phủ và các nhà đầu tư truyền bá như một nguồn năng lượng “xanh và sạch”. Các dự án này thường được hưởng nhiều ưu đãi từ các công cụ ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm tín dụng carbon thuộc Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), tín dụng từ các Quỹ Đầu tư Khí hậu của Ngân hàng Thế giới, và các kỳ hạn tài chính đặc biệt từ các tổ chức tín dụng xuất khẩu, cùng cổ phiếu xanh. Ngành công nghiệp thủy điện cũng vận động tài trợ cho các dự án thủy điện lớn từ Quỹ Khí hậu Xanh; và trên thực tế nhiều chính phủ đã thúc đẩy các công trình này như một hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các sáng kiến quốc gia. Chẳng hạn, ít nhất 12 chính phủ có ngành thủy điện phát triển lớn mạnh đã liệt kê hoạt động phát triển thủy điện trong Báo cáo quốc gia Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) – một cam kết của quốc gia với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Nguồn hỗ trợ từ các sáng kiến khí hậu là một trong những lí do giúp hơn 3.700 đập thủy điện đang hoặc chuẩn bị được xây dựng. Thế nhưng các dự án thủy điện lớn chỉ là một giải pháp sai lầm cho biến đổi khí hậu và vì vậy cần được loại bỏ trong các sáng kiến khí hậu quốc gia và quốc tế.

Một thủy điện ở Trung Quốc xả lũ ( Ảnh: theenergycollective.com)
Một thủy điện ở Trung Quốc xả lũ ( Ảnh: theenergycollective.com)

10 lý do đã được bản tuyên ngôn của các tổ chức xã hội dân sự đưa ra để lý giải cho nhận định này, bao gồm:

Hồ chứa thủy điện thải ra một khối lượng lớn khí nhà kính, đặc biệt là ở các khu vực nhiệt đới. Theo một nghiên cứu khoa học, khí metan từ các hồ chứa chiếm hơn 4% các yếu tố gây nên biến đổi khí hậu do hoạt động của con người – tương đương với tác động từ ngành hàng không. Trong một số trường hợp, các dự án thủy điện thậm chí còn phát thải ra nhiều hơn các nhà máy nhiệt điện đốt than với cùng một sản lượng điện.

Các dòng sông lưu trữ khoảng 200 triệu tấn carbon từ bầu khí quyển mỗi năm. Thêm vào đó, phù sa mà những con sông như Amazon, Congo, Ganges và Mê Công mang ra biển để nuôi sống các sinh vật phù du cũng hấp thụ phần lớn lượng carbon. Các dự án đập thủy điện và các loại đập khác làm gián đoạn vận chuyển phù sa và chất dinh dưỡng, gây suy yếu vai trò bể chứa carbon toàn cầu của các dòng sông.

Đập thủy điện khiến hệ thống nguồn nước và năng lượng dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu. Những trận lũ lụt bất thường đang đe dọa sự an toàn của các con đập. Riêng tại Mỹ, lũ lụt đã khiến 100 con đập dừng hoạt động kể từ năm 2010. Việc xây dựng đập càng khiến trầm trọng hóa thiên tai lũ lụt tại một số vùng núi vốn dễ bị tổn thương như Uttarakhand, Ấn Độ. Đồng thời, hạn hán trầm trọng hơn khiến rủi ro kinh tế đối với thủy điện gia tăng, gây ảnh hưởng nặng nề tới các quốc gia từ châu Phi cho đến Brazil, những nơi điện lưới phụ thuộc hầu hết vào thủy điện.

Trái với hầu hết các dự án điện gió, quang năng và thủy điện nhỏ, đập thủy điện gây ra những tổn hại nặng nề và thường không thể phục hồi đối với các hệ sinh thái trọng yếu. Chính do hoạt động xây dựng đập và các yếu tố khác, trung bình hệ sinh thái nước ngọt đã mất đi 76% các loài sinh vật kể từ năm 1970 – nhiều hơn tổng hệ sinh thái biển và trên cạn. Xây dựng thêm những con đập để bảo vệ hệ sinh thái khỏi biến đổi khí hậu chẳng khác nào việc hi sinh động mạnh của thế giới để bảo vệ lá phổi của nó.
Các dự án thủy điện lớn tác động nghiêm trọng tới cộng đồng bản địa và thường xâm phạm quyền sở hữu của người dân bản xứ đối với đất đai, lãnh thổ, tài nguyên, quyền quản trị, sự toàn vẹn văn hóa và sự đồng thuận một cách tự nguyện trên cơ sở được thông tin đầy đủ. Đến nay, để xây dựng thủy điện, ít nhất 40-80 triệu người dân đã bị di dời và và khoảng 472 triệu người dân hạ nguồn chịu tác động tiêu cực. Trong khi đó, sự kháng cự của những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đập thường bị đàn áp bởi những hành động xâm phạm quyền con người nghiêm trọng.

Những dự án thủy điện lớn không phải lúc nào cũng là một công cụ hữu hiệu để mở rộng tiếp cận năng lượng cho người nghèo. Ngược lại với điện gió, quang năng và thủy điện nhỏ, các đập thủy điện lớn dựa vào mạng lưới điện trung tâm, thường không phải là một công cụ hiệu quả về mặt chi phí để đến với những cộng đồng vùng sâu vùng xa, đặc biệt như ở vùng Cận Sahara, châu Phi và dãy Himalaya. Thực tế, các dự án thủy điện lớn thường được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của các dự án khai khoáng và công nghiệp mặc dù vẫn được biện minh bằng nhu cầu năng lượng của người nghèo.

Mặc dù có thể là một giải pháp hữu hiệu trong một số trường hợp, các dự án thủy điện lớn thường là một giải pháp biến đổi khí hậu tốn kém cả về tiền bạc và thời gian. Trung bình, các con đập vượt quá 96% chi phí và 44% thời gian dự kiến. Trong khi đó, với các dự án điện gió và quang năng thì việc xây dựng nhanh hơn rất nhiều và chi phí thực tế trung bình chỉ vượt không quá 10%.

Không giống các dự án điện gió và mặt trời, thủy điện không còn là một công nghệ sáng tạo, và không hề có bất cứ đột phá công nghệ lớn nào trong nhiều thập kỷ qua. Cũng không giống điện mặt trời, các tài trợ từ quỹ khí hậu cho các dự án thủy điện lớn sẽ không mang lại lợi thế kinh tế nhờ quy mô, và cũng không hề khuyến khích các quốc gia chuyển giao công nghệ mới sang các quốc gia ở Nam bán cầu.

Điện gió và năng lượng mặt trời đã trở nên ngày càng dễ tiếp cận và cạnh tranh về mặt tài chính, đến nay đã vượt qua các dự án thủy điện lớn về công suất. Khi lưới điện ngày càng trở nên thông minh hơn và chi phí tích trữ điện giảm, các dự án thủy điện mới sẽ dần không còn cần thiết để cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định.

Các dự án thủy điện hiện chiếm 26% trong tổng số các dự án đăng kí CDM và nhận được hỗ trợ khá lớn từ các sáng kiến khí hậu khác. Tài trợ khí hậu cho các dự án thủy điện lớn chiếm nguồn hỗ trợ đáng ra được dành cho các giải pháp thực sự hiệu quả như điện gió, quang năng và thủy điện nhỏ. Việc đưa thủy điện lớn vàocác sáng kiến khí hậu một cách mù quáng có lẽ sẽ triệt tiêu nhu cầu đối với các giải pháp khí hậu hiệu quả.

Đến nay đã có hơn 50 nhà tài trợ và các tổ chức xã hội dân sự trên toàn cầu ký tên trong bản tuyên ngôn trên để kêu gọi các chính phủ, các nhà tài trợ và các thể chế khác không đưa thủy điện lớn vào các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, kêu gọi tất cả các sáng kiến khí hậu và giải pháp về năng lượng tôn trọng quyền và sinh kế của người dân địa phương.

Bản tuyên ngôn dự kiến sẽ được công bố tại COP21 tới đây tại Paris và hiện vẫn đang kêu gọi thêm các chữ ký ủng hộ đến hết ngày 30-11-2015.


Bản tuyên ngôn được PanNature chuyển ngữ sang tiếng Việt và ký tên ủng hộ. 

 

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia