Với dày dặn kinh nghiệm hỗ trợ phát triển đập, Ngân hàng Thế giới (WB) từng hứa hẹn rằng Đập thủy điện Nam Theun 2 tại Lào sẽ là một hình mẫu mới về thủy điện bền vững khi phê duyệt dự án vào năm 2005. Từ đó, WB luôn viện dẫn thành công đầy tham vọng của dự án để biện minh cho việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án thủy điện lớn trên toàn cầu. 10 năm đã trôi qua, những luận điệu về câu chuyện thành công của Nam Theun 2 liệu có còn thuyết phục? Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) vừa qua đã công bố ấn phẩm “Rũ bỏ ảo tưởng Nam Theun 2” với những lí luận sâu sắc về những biện hộ mà Ngân hàng Thế giới dành cho công trình thủy điện này.
Kể từ khi Nam Theun 2 bắt đầu phát điện vào năm 2010, WB đã quảng bá dự án như một thành công vang dội, giúp giảm đói nghèo, đầu tư hiện đại mang đến cho người dân tái định cư một cuộc sống tốt hơn, và quản lý hiệu quả các tác động đối với các cộng đồng hạ nguồn. IR khẳng định trong ấn phẩm, rằng những luận điệu này không hề phản ánh đúng thực tế tại địa phương và vì vậy dự án ngày càng hứng chịu nhiều chỉ trích kể từ khi vận hành.
Theo ấn phẩm, WB cũng phải thừa nhận rằng chưa đến một nửa doanh thu – được hứa hẹn sử dụng cho mục đích giảm đói nghèo – được giải trình đầy đủ, và thực tế là cổ phần của Nam Theun 2 đang sụt giảm. Không những thế, báo cáo tài chính hay kiểm toán chưa hề được Chính phủ Lào công bố trong khi người dân Lào không có cơ hội yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình do những hạn chế về tự do dân sự và chính trị.
Một ảo tưởng mà IR nhấn mạnh là “điểm sáng” của Nam Theun 2 trong quy trình tái định cư và phục hồi sinh kế cho gần 6.300 người dân di cư khỏi khu vực xây dựng hồ chứa. IR đã dẫn chứng ngược lại với thành công mà WB quảng bá, rằng trong nhiều năm kể từ khi bị di dời, các cộng đồng tái định cư vẫn phải vật lộn với việc mất đi sinh kế truyền thống, giảm sút nguồn lợi thủy sản và không hề được đảm bảo cho cơ sở hạ tầng bền vững trong tương lai. Khoản đầu tư 40 triệu USD cùng với lượng nhân lực khổng lồ cho việc thiết kế và thực hiện kế hoạch tái định cư của WB không hề mang lại kết quả như mong đợi.
Rủi ro mà người dân và môi trường phía hạ nguồn phải gánh chịu cũng không hề được giảm thiểu, được dẫn chứng từ việc coi nhẹ tác động đến sông Xe Bang Fai, con sông thay đổi hoàn toàn do nhận nước chuyển từ sông Theun. Chương trình Hạ lưu được lập ra nhằm giảm thiểu tác động của những thay đổi trên chỉ hoạt động chưa đầy 3 năm và chấm dứt ngay sau khi nguồn hỗ trợ sớm “đứt gánh”. Như vậy, “mức độ ảnh hưởng tới hạ nguồn tương đương hoặc ít hơn những gì đã được dự đoán” chỉ là một ảo tưởng mà WB vẽ ra cho Nam Theun 2.
Nhiều ảo tưởng khác của WB được IR liệt kê và bác bỏ như mô hình năng lượng xanh, hình mẫu tham vấn cộng đồng hay lựa chọn tối ưu hiện có. Những sai lầm này được IR tiếp tục chỉ ra trong dự án thủy điện sau đó như đập Inga 3 tại Congo, đập Kandadjo tại Niger hay đập Fomi tại Guinea.
Bản dịch Tiếng Việt do PanNature thực hiện. Tải ấn phẩm tại đây: Tiếng Việt (2.89Mb); Tiếng Anh (179 Kb)