Hội nghị toàn cầu Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) lần thứ 7 đang diễn ra tại Lima, thủ đô của Peru (24 -25/2/2015) với sự tham gia của hơn 400 đại biểu của các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức NGO từ hơn 100 quốc gia.
Đến nay có 51 quốc gia tham gia thực hiện EITI với các báo cáo đã xuất bản công bố thông tin về gần 1,9 nghìn tỉ USD nguồn thu và lượng dữ liệu về ngành công nghiệp này trong vòng 282 năm.
Chương trình Hội nghị toàn cầu lần này cùng các sự kiện và triển lãm bên lề là cơ hội để các quốc gia chia sẻ những bài học trong quá trình thực thi EITI như giám sát việc cấp phép, khai thác và thương mại, cải cách chính sách về quản lý và sử dụng nguồn thu, khuyến nghị từ tiến trình báo cáo và cải thiện quản trị v.v…
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội EITI quốc tế đã trao giải thưởng cho bốn quốc gia thành viên: Cộng hòa dân chủ Congo vì đi đầu trong công bố thông tin về chủ sở hữu lợi ích; Ghana vì sử dụng các khuyến nghị trong báo cáo EITI để tiến hành cải cách chính sách hiệu quả; Mông Cổ vì những nỗ lực cải thiện công khai rộng rãi dữ liệu EITI; và Philippines vì tác động tích cực từ tiến trình EITI.
Hiệp hội EITI quốc tế cũng đã công bố bản cập nhật Bộ Tiêu chuẩn EITI phiên bản 2016 với nhiều cải tiến, đặc biệt là yêu cầu về lộ trình công khai thông tin chủ sở hữu lợi ích trong các hợp đồng, dự án công nghiệp khai thác. Chủ sở hữu lợi ích, theo định nghĩa trong bộ tiêu chuẩn mới, là một cá nhân cụ thể trực tiếp hay gián tiếp sở hữu hoặc kiểm soát doanh nghiệp.
Trong đại hội thành viên tổ chức trước thềm hội nghị, Ông Fredrik Reinfeldt, cựu Thủ tướng Thụy Điển, đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hiệp hội EITI quốc tế thay cho bà Clare Shot.
Năm nay, Việt Nam có ba thành viên tham dự hội nghị này gồm lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Công nghiệp nặng (thuộc Bộ Công thương) và đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature).
Mục tiêu của EITI nhằm đảm bảo thông tin được cung cấp đầy đủ cho người dân, phục vụ tiến trình hoạch định, thực hiện chính sách quản lý, sử dụng nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên. Thông qua thực hiện EITI, một lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ về ngành công nghiệp khai thác đã được công bố rộng rãi ở các quốc gia thực thi. Công dân ở các quốc gia này được tiếp cận đến những thông tin chi tiết về quá trình cấp phép, nguồn thu chính phủ các cấp nhận được, phương thức hoạt động của các tập đoàn trong lĩnh vực khai khoáng và dầu mỏ, v.v. Tuy nhiên, bản thân tiến trình EITI và hệ thống tiêu chuẩn vẫn đang được dần hoàn thiện. Việc thực hiện EITI phụ thuộc vào quyết định và tiến trình do mỗi quốc gia tự xây dựng với mục đích cao nhất là phục vụ cải cách chính sách, cải thiện quản trị tốt tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ từng quốc gia. |