Tọa đàm “Vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam dưới sức ép phát triển” do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức diễn ra ngày 2-3 tại Hà Nội.
Kỷ cương và luật pháp chưa nghiêm cùng với lợi ích cục bộ của một số người, nhóm người hoặc lợi ích cục bộ của ngành tác động tiêu cực đến môi trường rừng là điều các đại biểu luôn nhắc tới với hai dẫn chứng: xà xẻo rừng bán đảo Sơn Trà và xây resort ở Vườn quốc gia Ba Vì.
Xà xẻo rừng, lấn đất sống của voọc chà vá
TS Vũ Ngọc Thành – ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho biết khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà có một loài đặc hữu của Đông Dương, đó là voọc chà vá, chiếm đến 50% số lượng của cả thế giới.
Nhưng theo ông, môi trường sống của loài này đang bị đe dọa bởi dự án xây dựng resort ở bán đảo này.
Ông dẫn ra những số liệu đáng lưu ý: trước đây quy hoạch của khu bảo tồn thiên nhiên tại bán đảo Sơn Trà là 4.000ha, sau đó vì lý do này lý do khác mà cắt đi hết, hiện nay khu bảo tồn chỉ còn 2.000ha, trong đó chỉ 1.000ha là còn rừng.
Nhưng 1.000ha rừng này cũng không được yên. Theo ông Thành, hiện đã có một công ty đang “chuẩn bị chiếm 142ha rừng”.
Ông bức xúc: “Điều nguy hiểm là dự án này đã được ký cấp phép cách đây hơn 10 năm mà không hề có đánh giá tác động môi trường, vậy mà cứ cắt đất cho làm”.
Việc công ty này xẻo đất rừng làm đường dẫn vô khu 142ha này gây nên những sự việc lùm xùm và đã có một số cán bộ kiểm lâm bị đình chỉ công tác liên quan đến trách nhiệm cá nhân. Rừng còn ít lại bị xà xẻo, ông Thành lo lắng cho số phận bảy đàn voọc chà vá đang trú ngụ ở đây.
Nêu câu chuyện xây dựng trái phép resort trong Vườn quốc gia Ba Vì đang rất “nóng”, GS Nguyễn Ngọc Lung – viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng – cho biết mấy ngày qua ông được hỏi rất nhiều về việc Vườn quốc gia Ba Vì sai đúng ra sao.
“Cái sai ai cũng thấy là chưa được phê duyệt mà đã xây dựng” – GS Lung nói. Ông cũng bày tỏ băn khoăn về việc lợi ích kinh tế cục bộ đang đe dọa rừng.
Luật chưa nghiêm, kỷ cương lơi lỏng
“Chúng tôi đi xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn cho các nơi, nhưng có viết bao nhiêu đi nữa có lẽ cũng chỉ có giá trị trên giấy thôi” – TS Nguyễn Cử, chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên, người tham gia xây dựng kế hoạch quản lý nhiều khu bảo tồn, nói.
Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, việc sử dụng môi trường tự nhiên của rừng để làm du lịch sinh thái, biến giá trị thiên nhiên của rừng thành phúc lợi xã hội cho mọi người thì ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, ông Lung cho rằng vì luật chưa nghiêm nên mới có việc biến tướng từ du lịch sinh thái chuyển thành “kinh doanh” bất động sản trong rừng.
“Năm 1972, pháp lệnh về việc bảo vệ rừng đã quy định rõ về thưởng phạt, trong đó ai xâm phạm hoặc lơi lỏng quản lý để rừng bị xâm hại hoặc thu lợi bất chính từ rừng là bị phạt tù. Vậy nên phải nghiêm từ luật” – ông Lung đòi hỏi.
Ông cũng chỉ ra sự chồng chéo: Bộ NN&PTNT thì có Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, còn Bộ Tài nguyên – môi trường lại có Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường.
TS Nguyễn Cử cũng cho rằng ngoài luật chưa chặt chẽ, việc thực thi pháp luật trong quản lý rừng cũng chưa nghiêm, kỷ cương buông lỏng: “Thực thi luật không nghiêm nên người ta lờn. Không nghiêm nên ở ngay cạnh thủ đô mà họ vẫn làm liều xây resort khi chưa được phép”.
TS Vũ Ngọc Thành cảnh báo: “Xã hội hóa và cho thuê môi trường rừng là chủ trương đúng thu hút nguồn lực nhưng phải rất thận trọng vì rừng dễ bị tổn thương và không phải thực hiện bằng mọi giá”.
Xây resort khi chưa được phê duyệt Liên quan đến vụ xây resort tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-3, phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Cao Chí Công cho biết: – Hôm 1-3, chúng tôi đã kiểm tra, quan sát ở hiện trường theo chỉ đạo của bộ trưởng yêu cầu Vườn quốc gia Ba Vì đình chỉ mọi hoạt động xây dựng tại dự án khu nghỉ dưỡng. Đồng thời đã niêm phong các khu nhà trong khu nghỉ dưỡng, yêu cầu dừng các hoạt động đưa đón khách; yêu cầu Vườn quốc gia Ba Vì cung cấp các tài liệu liên quan tới dự án. Chắc đến ngày 4-3, sau khi báo cáo bộ trưởng và bộ có chỉ đạo chính thức thì chúng tôi sẽ công bố rộng rãi kết quả kiểm tra này. * Sau kiểm tra ban đầu, ông thấy có những vi phạm nào trong xây dựng khu nghỉ dưỡng này? – Hiện các nhà xây đều theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, chủ yếu là trên các nền tàn tích cũ, không có hiện tượng chặt cây. Tuy nhiên sai sót là dự án đầu tư khi chưa được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt. * Thưa ông, phía công ty nói đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường từ tháng 5-2015, hồ sơ dự án cũng đã trình tám năm qua, lý do gì vẫn chưa được phê duyệt? – Chủ đầu tư chưa trình báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng có thể có rồi nhưng còn thiếu trong hồ sơ. Ngoài ra cũng phải thận trọng, phải xem xét như bản vẽ trong dự án nói là dự án xây dựng trên phế tích cũ, vì vậy phải cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố liên quan nên việc phê duyệt mới chậm. * Từ tháng 10-2015, phía Vườn quốc gia Ba Vì đã có chỉ đạo dừng việc xây dựng, nhưng gần đây dự án vẫn quảng cáo đón khách rầm rộ. Lãnh đạo vườn cũng thừa nhận không kiên quyết trong ngăn chặn, vậy có xem xét trách nhiệm của lãnh đạo vườn, thưa ông? – Vườn quốc gia Ba Vì báo cáo đã có văn bản đình chỉ các hoạt động xây dựng và tập kết vật liệu. Còn việc đón khách chúng tôi cũng phải kiểm tra xem đó là khách nội bộ của công ty hay khách ở ngoài có thu tiền, khi đó mới kết luận, còn giờ thì chưa thể nói gì. * Sau đợt thanh tra này, việc xử lý theo ông sẽ thực hiện như thế nào? – Như tôi đã nói, dự án đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật rồi, tức là xây dựng trong khu vực phân khu hành chính dịch vụ, có quy hoạch chi tiết, có đánh giá tác động môi trường, không chặt cây cối trong vườn, như vậy những vấn đề về hồ sơ thủ tục là gần đạt rồi. Còn bây giờ thiếu thủ tục Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt dự án thì chúng tôi phải áp vào các văn bản, quy định của pháp luật. Phải xem theo quy định của pháp luật xử lý thế nào để làm đúng. * Gần đây có các vụ việc như xây biệt phủ ở đèo Hải Vân (Đà Nẵng), xây resort trái phép ở Ba Vì. Tổng cục Lâm nghiệp có nghĩ tới một cuộc tổng kiểm tra trên diện rộng? – Việc ở Ba Vì và ở Đà Nẵng là khác nhau. Ở Đà Nẵng là xây dựng trái phép, không có quy hoạch. Còn việc xây dựng ở Ba Vì như tôi đã nói có cái đúng, có cái còn thiếu. Sau khi kiểm tra xong chúng tôi mới khái quát để báo cáo bộ trưởng. Trên cơ sở sau kiểm tra xem còn hạn chế gì cần chấn chỉnh thì chúng tôi mới đề xuất tiếp. Nếu có việc gì sai, tôi khẳng định sẽ xử lý nghiêm. L.ANH – X.LONG thực hiện |
Chủ đầu tư thừa nhận sai sót Đề cập câu chuyện xây dựng resort trái phép tại Vườn quốc gia Ba Vì, ông Hứa Đức Nhị – nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT – khẳng định “việc chưa được bộ phê duyệt mà đã xây dựng là sai rồi”. Trong khi đó, trong chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam tối qua, trả lời phóng viên VTV về việc xây dựng resort khi chưa có giấy phép, ông Lương Ngọc Anh – giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD), chủ đầu tư dự án Le Mont Bavi Resort & Spa – thừa nhận: việc xây dựng khi chưa được cấp giấy phép là sai sót. Ông giải thích thêm: đó là do nôn nóng bởi dự án đã trình rất lâu nhưng chưa được phê duyệt dù đã có chủ trương chấp thuận. |