Từ ngày 9-12/3/2016, đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tham dự lớp tập huấn đồng ruộng (FFS) và tham quan mô hình trồng lúa cải tiến (SRI) tại một số thôn thuộc các xã Sam Mứn, Nà Nhạn, Nà Tấu thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên… Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án Biến đổi khí hậu và đồng bào dân tộc thiểu số được PanNature hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với địa phương thực hiện tại Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.
Về hoạt động tập huấn FFS, giảng viên đứng lớp là những cán bộ Hội nông dân ở các xã sở tại được cử đi đào tạo dài ngày theo chương trình do Dự án thiết kế, còn học viên là nhóm nông dân có cùng quan tâm về mô hình lúa SRI, mỗi thôn có 10 học viên.
Trong vụ xuân hè năm nay, Dự án triển khai 10 mô hình lúa SRI tại 10 thôn bản thuộc 9 xã của huyện Điện Biên. Việc tập huấn được thực hiện bằng cách kết hợp giữa những bài trao đổi lý thuyết về cách trồng lúa SRI với thực hành theo từng công đoạn kỹ thuật của quá trình canh tác lúa tại đồng ruộng.
Phương thức “nông dân tập huấn cho nông dân” kết hợp thực hành trên chính mảnh ruộng của mình hứa hẹn đem lại hiệu quả tập huấn tốt và dễ thuyết phục đối với những người dân trong vùng khi áp dụng biện pháp canh tác mới.
Trong mô hình lúa SRI, thay vì cấy mạ, các học viên và giảng viên thực hành phương pháp gieo sạ trực tiếp trên ruộng đã được làm đất theo quy trình riêng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu vào (giống, nhân công), tiết kiệm nước tưới mà còn góp phần hạn chế sâu bệnh trên cây lúa, đặc biệt năng suất lúa vẫn được đảm bảo như cách cấy thông thường.
Theo đánh giá của nhóm cán bộ Dự án, so với các ruộng lúa không thuộc mô hình, ruộng lúa SRI có mật độ cây thưa hơn, xong cây mạ lại chắc, khỏe và mập hơn rất nhiều. Việc áp dụng biện pháp canh tác mới đối với cây lúa được kỳ vọng sẽ tạo khả năng thích ứng tốt hơn cho người dân đối với những biến đổi khôn lường của thời tiết và khí hậu, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thâm canh cây trồng tại địa phương.
Phan Văn Thăng