Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Đặc biệt doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các DN xả thải vượt quy chuẩn.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Thương mại tự do: dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam do Trung tâm Thiên nhiên con người (PanNature) tổ chức ngày 27/5/2016, tại Hà Nội.

Những con số đáng lưu tâm

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu hoàn thành việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 57 nền kinh tế trên thế giới. Vị thế đó sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thêm việc làm và tăng trưởng GDP, song song với đó cũng tạo ra những thách thức không nhỏ với môi trường.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam thời gian qua cho thấy việc cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã được phân cấp mạnh về các tỉnh và không ít tỉnh đã chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP cao và chấp nhận các dự án FDI khai thác tài nguyên giá rẻ, với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị người dân phản ứng mạnh mẽ.

Vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải, Công ty Tung Kuang xả thải ra môi trường, rồi Công ty TNHH Pangrim Neotex, Công ty Xi măng Chinfon (Hải Phòng) với hành vi tương tự không phải là những trường hợp cá biệt.

Đặc biệt, dư luận đang xôn xao với nghi vấn Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây chết cá hàng loạt dọc các tỉnh ven biển miền Trung.

“Sai lầm nghiêm trọng đối với Formosa là cho phép xả thải thẳng ra biển không có kiểm soát độc lập của bộ máy nhà nước, giải đáp và trả lời quá chậm. Việc tự ý cho Formosa được tự đo chất lượng nước thải và cung cấp 1 tháng 1 lần cho Sở TN&MT Hà Tĩnh là hành động ‘giao trứng cho ác'”, TS Doanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam các tỉnh chạy theo thành tích tăng trưởng GDP, công nghiệp hóa nên dễ dãi trong thu hút FDI, ưu đãi với giá đất, nước, tài nguyên rất thấp, thậm chí hạ thấp tiêu chuẩn môi trường đối với nhuộm, luyện kim…, xuất khẩu ô nhiễm vào Việt Nam.

Hiện nay 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị thấp. Tính trung bình trên cả nước, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tham gia vào sản xuất công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin và truyền thông.

“Thậm chí, để thu hút đầu tư nước ngoài, cạnh tranh với các tỉnh khác kéo đầu tư nước ngoài vào, các tỉnh đua nhau miễn tiền thuê đất, chi phí tài nguyên rừng thấp, thậm chí có doanh nghiệp đầu tư bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn xuống”, TS. Doanh dẫn chứng.

“Các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu ô nhiễm vào Việt Nam, đưa sang Việt Nam công nghiệp luyện kim, xi măng, dệt nhuộm. Trong khi, Đài Loan không có nhà máy xi măng hoặc núi vẫn còn y nguyên, núi tại Việt Nam không những bị cạo trọc, lâu lâu còn biến mất do khai thác đá, sản xuất xi măng”, ông Doanh cho biết thêm.

Theo bà Trần Thanh Thủy, Phòng nghiên cứu Chính sách, PanNature, một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Đặc biệt DN FDI chiếm 60% tổng số các DN xả thải vượt quy chuẩn. 20% doanh nghiệp cho rằng tiết kiệm được chi phí môi trường dưới 10% so với đầu tư ở nước mẹ; 68% cho rằng sẽ tiết kiệm được chi phí từ 10 – 15% và 12% cho rằng sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí.

Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh Tọa đàm

Nhiều lỗ hổng bảo vệ môi trường

“Thực tế các doanh nghiệp gây ô nhiễm đã rõ, trong khi đó các dự án có tần số quan trắc môi trường ít nhất 4 lần/năm, do DN chủ động thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Hệ thống quan trắc tự động chỉ đo được những thông số đơn giản. Trong khi đó các hoạt động thanh tra kiểm tra nhìn chung đều theo chương trình đã được thống nhất và báo trước. Việc xử lý vi phạm cũng vô cùng khó khăn, nếu có phạt tiền doanh nghiệp theo quy định không đáng kể so với chi phí xử lý chất thải”, bà Thủy cho hay.

GS. Đỗ Thanh Bái, Viện Hóa học Việt Nam cho biết,  trước đây tiêu chuẩn quá dễ dàng trải thảm đỏ cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ như vậy chúng ta chưa nhìn nhận hết khả năng ô nhiễm, tiếp nhận chất thải trong công nghiệp, chúng ta tiếp tục đầu tư nhưng năng lực tiếp nhận của môi trường đã chạm mức trần.

“Bên cạnh đó, vấn đề tiếp nhận công nghệ ở một số doanh nghiệp còn hạn chế, chuyển giao nhưng không được như chúng ta mong muốn, hệ quả nhận chuyển giao công nghệ nhưng chưa làm chủ công nghệ dẫn tới lượng chất thải nhiều, rủi ro lớn. Ngoài ra việc đánh giá môi trường chiến lược vô cùng quan trọng, nhưng năng lực đánh giá hạn chế dẫn tới những thách thức liên vùng không giải quyết được”, ông Bái nhận xét

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi thu hút đầu tư, ông Doanh kiến nghị, cần thay đổi cách chạy theo tăng trưởng GDP bằng một hệ thống tiêu chí, dùng chỉ tiêu GNI thay vì GDP, có tiêu chí xã hội môi trường để tăng trưởng bền vững. Cụ thể, GNI= GDP + lợi nhuận từ nước ngoài chuyển về – lợi nhuận FDI chuyển về nước họ.

“Bên cạnh đó phải có chế tài và khung rõ ràng, chấm dứt ưu đãi tài nguyên giá rẻ. Tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI về tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường khói bụi, nước thải, tiếng ồn ngay từ khâu thiết kế và lựa chọn công nghệ đến thi công vận hành. Nhà nước phải áp đặt kiểm soát ô nhiễm không thể để doanh nghiệp sung sướng bằng lợi nhuận, còn ô nhiễm môi trường cả xã hội phải chấp nhận”, ông Doanh cho hay.

Hồng Quyên

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia