Từ những năm 1990, thực hiện đường lối phát triển mới, Việt Nam đã tích cực tham gia các tiến trình quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán 16 FTA. Gần đây nhất, vào tháng 10/2015, Việt Nam cùng 11 quốc gia khác đã tuyên bố đạt được các thỏa thuận trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau hơn 5 năm đàm phán.
Theo cam kết trong các FTA, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ nhằm tăng cường tự do lưu chuyển hàng hóa và dòng vốn đầu tư. Theo cơ chế này, các quốc gia thành viên sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau. Nói cách khác, FTA sẽ giúp các quốc gia chuyên môn hóa lĩnh vực sản xuất. Đối với mỗi quốc gia, những lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao sẽ có xu hướng tăng trưởng nhanh trong khi những lĩnh vực sản xuất khác có thể bị thu hẹp.
Căn cứ trên số liệu về kim ngạch xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, dệt may, da dày, thủy sản và đồ gỗ có thể được coi là những ngành thế mạnh của Việt Nam. Do đó, việc dỡ bỏ thuế quan sẽ tạo động lực lớn để thu hút vốn đầu tư vào những ngành sản xuất này.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam đối với các ngành dệt nhuộm, thuộc da, đồ nội thất vào Việt Nam, vốn là những ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm gây ô nhiễm cao. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có nhiều bài học về tiếp nhận và quản lý vốn đầu tư. Trên thực tế, nhiều dự án FDI hiệu quả thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường đã được chấp nhận triển khai ở Việt Nam.
Tình hình trên đặt ra nhiều câu hỏi về tính đáp ứng của hệ thống chính sách quản lý môi trường của Việt Nam. Việt Nam cần phải cải thiện hệ thống chính sách như thế nào để giảm thiểu các rủi ro môi trường và pháp lý trong bối cảnh tự do hóa thương mại và dòng vốn đầu tư? Để thảo luận về các vấn đề liên quan xung quan FTA và hội nhập kinh tế trong giai đoạn phát triển mới, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức Tọa đàm “Thương mại tự do: Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam”.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Tài liệu Tọa đàm:
Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam – Ông Nick Thorpe, PanNature
Hiệp định Thương Mại Tự Do (FTA), Đầu tư nước ngoài (FDI) và môi trường ở Việt Nam – TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Một số vấn đè về môi trường trong công nghiệp – Ông Đỗ Thanh Bái, Hội hóa học Việt Nam
Tiếp nhận và quản lý dự án đầu tư: Các lổ hổng và rủi ro môi trường – Bà Trần Thanh Thủy, PanNature