Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 66/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản. Một số đóng góp quan trọng của Liên minh Khoáng sản(*) đã được ghi nhận trong Thông tư.
Cụ thể, như góp ý của Liên minh Khoáng, thay vì tính phí BVMT theo mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản và số lượng quặng nguyên khai khai thác được trong kỳ, phí được tính theo số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số lượng quặng nguyên khai khai thác trong kỳ nộp phí, mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản, mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra và hệ số tính phí theo phương pháp khai thác.
Cách tính phí này như vậy đã có sự thay đổi theo hướng chi tiết hơn so với cách tính phí hiện hành được quy định trong Thông tư số 158/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
Các góp ý khác về quản lý, sử dụng và công khai minh bạch thông tin phí BVMT cũng đã được ghi nhận trong Thông tư. Theo đó, 100 % phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than) sẽ do ngân sách địa phương thụ hưởng và phục vụ hỗ trợ công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Các nội dung chi cụ thể gồm: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Thông tư cũng quy định, trước ngày 31/3 hàng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm thông tin công khai số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí BVMT đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.
Trích lược một số nội dung liên quan đến đóng góp của Liên minh Khoáng sản Điều 5. Quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản 1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là Khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước Nơi có hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại Điều này là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện. Điều 6. Công khai số nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản Chậm nhất là trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm thông tin công khai: số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo địa phương, đài phát thanh địa phương, đài truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết. Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan địa phương 1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh a) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. b) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục thuế địa phương để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. c) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan thuế công khai tình hình thu, nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn |
(*) Liên minh Khoáng sản là một mạng lưới gồm 7 tổ chức có mối quan tâm chung về quản trị hiệu quả tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội của ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam. Liên minh Khoáng sản gồm các thành viên: Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Giới, Gia đình và Môi trường vì Phát triển (CGFED) và Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ). Hiện nay hoạt động của Liên minh Khoáng sản do Trung tâm Con người và Thiên nhiên giữ vai trò điều phối.
Nhật Anh