“Kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu; giám sát chặt chẽ, thường xuyên hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là hạng mục bảo vệ môi trường” là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau sự cố Formosa Hà Tĩnh. Tuy vậy, từ chủ trương tới thực thi là hành trình không đơn giản.
Mặt trái của tấm huy chương
Tại Mục 7, Điều 2 Nghị quyết 113/2015/QH13, QH yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương: cương quyết không để xảy ra cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới; bảo đảm hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tại tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới trước khi đi vào hoạt động; bảo đảm môi trường dòng sông, nguồn nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt. |
UBND tỉnh Hưng Yên vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Hanesbrands Bắc Hưng Yên (100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên gia công sản phẩm may mặc) về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, với mức phạt 150 triệu đồng. Dẫu vậy, người dân sinh sống quanh địa bàn xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu vẫn chưa yên lòng. Bởi phạt tiền không giải quyết được hệ lụy khi nước xả thải vượt quy chuẩn đã làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản. Tại tỉnh kế bên là Hải Dương, người dân Thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn vừa gửi đơn kêu cứu vì môi trường bị ô nhiễm nặng nề từ 2 công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc. Ở phía Nam, mới đây, đoàn công tác liên ngành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã niêm phong xưởng nhuộm của Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam. Công ty này đã tự ý xây dựng phân xưởng nhuộm công suất 1.100 tấn/năm; khai thác trái phép mỗi ngày hơn 2.700m3nước ngầm và xả thải trái phép.
Mặt trái của tấm huy chương FDI cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Một nghiên cứu mới đây cho thấy: 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5 – 12 lần, doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn. Và thật chua xót khi bà Trần Thanh Thủy, Phòng nghiên cứu Chính sách của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết: 20% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cho rằng tiết kiệm được chi phí môi trường dưới 10% so với đầu tư ở nước mẹ; 68% cho rằng sẽ tiết kiệm được chi phí từ 10 – 15% và 12% cho rằng sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí.
“Qua một thời gian vận hành, những tác động tiêu cực tới môi trường đã hiển hiện. Vấn đề không phải chính quyền tỉnh nào cũng đủ trình độ năng lực thẩm định và giám sát dự án FDI”, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ nói. Ông cũng bày tỏ lo lắng là không ít địa phương đã chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP cao để chấp nhận các dự án FDI khai thác tài nguyên giá rẻ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Rất nhiều chuyên gia trong cuộc hội thảo mới đây tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, việc đánh giá tác động môi trường để cấp phép cho một dự án FDI rất quan trọng và cần có sự tham gia của các bên liên quan. Thực tế, nhiều địa phương đang bỏ qua việc tham vấn rộng rãi ý kiến của các chuyên gia, tri thức trên phạm vi rộng.
“Điều đáng nói là các dự án cần có tần số quan trắc môi trường ít nhất 4 lần/năm, nhưng hầu hết đều do doanh nghiệp chủ động thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Hoạt động thanh tra, kiểm tra lại đều theo chương trình đã được báo trước. Việc xử lý vi phạm cũng vô cùng khó khăn, nếu có phạt tiền doanh nghiệp theo quy định không đáng kể so với chi phí xử lý chất thải”, bà Thủy cho hay.
Tăng thanh tra, giám sát
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.6, cả nước đã có 1.145 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015. Một con số đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo. Bởi đã đến lúc chúng ta không chỉ mong chờ vào năng lực thẩm định, thanh lọc và cấp của các địa phương mà nhất thiết phải có những quy định rất cụ thể. Ví dụ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi thu hút đầu tư, ông Lê Đăng Doanh kiến nghị, cần thay đổi cách chạy theo tăng trưởng GDP bằng việc dùng chỉ tiêu thu nhập quốc dân (GNI) thay vì chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nghĩa là, cần có tiêu chí xã hội môi trường để tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó phải tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù cơ chế trong quản lý đầu tư nước ngoài đã phân cấp cho các địa phương, nhưng các dự án có tầm lan tỏa và nguy cơ ô nhiễm cao cần được thống nhất quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế là chủ trương và quyết tâm của QH, Chính phủ nhưng việc thu hút FDI vẫn quan trọng và cần thiết. Vấn đề là chúng ta phải giám sát các dự án như thế nào? Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp FDI, tăng số lần thanh tra định kỳ, tích cực tổ chức thanh tra đột xuất; phát triển lực lượng cán bộ quản lý môi trường về chất lượng và số lượng. Đồng thời phải minh bạch những sai phạm để không làm ảnh hưởng đến những dự án FDI đang tuân thủ tốt những quy định về môi trường, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Ba việc cần làm ngay sau sự cố Formosa
Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển của Formosa Hà Tĩnh, cần đánh giá, rút kinh nghiệm, trong đó có 3 vấn đề chính cần phải làm ngay. Một là, thu hút đầu tư phải có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hai là, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghiệp quy mô lớn, ở ven biển và các khu dân cư. Ba là,kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên hoạt động của dự án trong quá trình lập thiết kế cơ sở, xây dựng nhà xưởng, các hạng mục dự án, đặc biệt là hạng mục bảo vệ môi trường, để bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về xây dựng, môi trường.
Cần quán triệt quan điểm không đánh đổi dự án đầu tư lấy những thiệt hại, tác động tiêu cực đến môi trường. Kiên quyết xử lý các dự án đầu tư không tuân thủ và vi phạm pháp luật về môi trường, kể cả việc quyết định ngừng hoạt động của dự án để khắc phục vi phạm môi trường hoặc cao hơn hơn có thể là chấm dứt hoạt động của dự án.
Nguồn: Đại biểu Nhân dân