Vùng Tây Nguyên (bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên là 54.474 km2 chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước) là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của Việt Nam và là nơi sinh sống của gần 6 triệu người bao gồm nhiều dân tộc anh em. Tây Nguyên có các lưu vực sông chính là sông Ba, sông Đồng Nai, Sê San và Sêrêpốk. Trong đó, lưu vực Sê San và Sêrêpốk chiếm diện tích tự nhiên lên tới 29.884 km2 và cũng là hai phụ lưu quan trọng, đóng góp lượng nước lên tới 18% cho lưu vực sông Mê Công.
Dưới áp lực phát triển trong những thập niên vừa qua, hệ sinh thái cảnh quan của vùng Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng thiếu bền vững. Theo số liệu của Tổng cục Lâm Nghiệp từ năm 2008-2014, độ rừng che phủ tại Tây Nguyên đã mất đi hơn 358.700 ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.200 ha rừng. Việc phát triển thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh của Sê San và Sêrêpốk đã và đang tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, nguồn lợi thủy sản tự nhiên, sinh kế người dân. Ngoài ra, thiếu quy hoạch thống nhất trong phát triển thủy điện cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút. Quá trình mở rộng diện tích cây công nghiệp như cà phê, cao su, hạt tiêu, điều tại khu vực Tây Nguyên dẫn đến khai phá đất rừng diễn ra mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Nguồn nước ngầm tại khu vực này đang trong tình trạng kiệt quệ.
Năm nay, Tây Nguyên hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm qua. Hệ thống sông, suối, hồ chứa… đang cạn kiệt nước. Mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chưa kể tưới cho cây nông-công nghiệp. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho đến đầu tháng 4/2016, có đến hơn 160.000 hecta diện tích cây trồng thiếu nước. Hàng ngàn hecta cà phê, tiêu… mất trắng. Thiệt hại ước tính ở mỗi tỉnh không dưới 100 tỉ đồng. Rõ ràng, Tây Nguyên đang đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước.
Bên cạnh yếu tố khách quan từ ảnh hưởng của đợt El Nino kéo dài bất thường trên phạm vi toàn cầu năm nay, cũng cần nhìn nhận lại các yếu tố khác dẫn đến sự thiếu bền vững về an ninh nguồn nước Tây Nguyên. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra ngày càng mãnh liệt với tần suất liên tục hơn. Do đó, cần thiết phải có những đánh giá về thực trạng, thay đổi tư duy, xây dựng các giải pháp ứng phó về dài hạn để giúp Tây Nguyên đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Ngày 22/7, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hội thảo: “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên” nhằm trao đổi, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về thực trạng, mối quan hệ giữa an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Nguyên. Qua đó, các đại biểu đã thảo luận và kiến nghị các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, ý tưởng phát triển nhằm giúp các tỉnh Tây Nguyên ứng phó với thách thức về nguồn nước về dài hạn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu từ Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND, các sở TNMT, NN&PTNT, Công thương, KH-ĐT các tỉnh Tây Nguyên; các trường đại học trên địa bàn Tây Nguyên, các công ty thủy điện, cao su, cà phê trong khu vực; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật các tỉnh Tây Nguyên; Các cơ quan nghiên cứu ở Tây Nguyên; các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế và nhiều cơ quan báo chí.
Các bài trình bày trong Hội thảo
Tổng quan về điều kiện tự nhiên, thực trạng và những thách thức trong việc quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại Tây Nguyên
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Ban Tư Vấn VRN
Tình hình khô hạn năm 2015-2016 tại Tây Nguyên: Bối cảnh khô hạn, thiếu nước ở địa bàn Gia Lai
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai
Tài nguyên nước mặt trên địa bàn Tây Nguyên: Bài toán cân đối trong khai thác sử dụng nước
TS. Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội
Tài nguyên nước ngầm trên địa bàn Tây Nguyên: Trữ lượng, tiềm năng, sự phân bố và khả năng cấp nước
TS. Hồ Minh Thọ, Phó liên đoàn trưởng, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước miền Trung.
Biến động thảm rừng và nguồn sinh thủy trên địa bàn Tây Nguyên
TS. Nguyễn Huy Dũng, Phó Viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng.
Phát triển đập thủy điện: Cơ hội và những thách thức trong phát triển sử dụng bền vững tài nguyên nước Tây Nguyên
TS. Đào Trọng Tứ, Ban Tư vấn VRN
Tác động của các công trình thủy điện tới nguồn lợi thủy sản trên sông Sêrêpốk
Th.S Phan Thị Lệ Anh, Viện Nuôi trồng Thủy sản 3
Nhu cầu nước để duy trì dòng chảy Môi trường lưu vực sông Sêrêpốk trước bối cảnh biến đổi khí hậu
PGS-TS Huỳnh Phú, ĐH Tài Nguyên Môi Trường Hà Nội
Tìm kiếm giải pháp trữ nước cho Tây Nguyên
GS. Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam
Bổ cập nước ngầm bằng phương pháp nhân tạo
PGS. Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất thủy văn
Phát triển kinh tế Tây Nguyên: lựa chọn tập đoàn cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên nước của khu vực
TS. Bùi Thị Ngọc Dung, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
*Các bài tham luận tại hội thảo sẽ được chúng tôi biên tập và xuất bản thành kỷ yếu sau Hội thảo.