Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản với hơn 5000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau. Công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam được hình thành từ cuối thế kỷ XIX do Pháp khởi xướng. Từ 1955, Việt Nam bắt đầu tiếp quản, duy trì và phát triển ngành công nghiệp này. Các doanh nghiệp khai khoáng nhà nước dần được thành lập, phát triển, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh trong giai đoạn từ 1981 đến 1991. Sau những năm 1989, các doanh nghiệp nhà nước dần được cấu trúc lại. Khi đó, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò quan trọng dần được thay thế bằng mô hình tổng công ty và gần đây là các mô hình tập đoàn.
Đối với Việt Nam, DNNN nói chung và DNNN khoáng sản nói riêng “giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, là công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 170 DNNN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, các hoạt động khoáng sản chủ yếu tập trung vào nhóm 05 tập đoàn và tổng công ty lớn.
Đầu tư của nhà nước chiếm một tỷ trọng lớn trong đầu tư khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, tính hiệu quả của đầu tư nhà nước trong các dự án phát triển nói chung và khai thác khoáng sản nói riêng cần được đánh giá một cách tổng thể và nghiêm túc. Tính đến hết năm tài chính 2014, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty đã lên tới 1.567.000 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Đặc biệt, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho DNNN là 124.104 tỉ đồng, tăng khoảng 2.000 tỉ. Nợ DNNN chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng số vốn của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng. Mặc dù nhà nước đã dành nhiều nỗ lực để tái cơ cấu các DNNN, quá trình này vẫn diễn ra hết sức chậm chạp.
Trên thế giới hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong khai thác tài nguyên. Tại một số quốc gia, khai thác tài nguyên chủ yếu cho nhà nước chi phối thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Tại một số quốc gia khác, nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân. Các quốc gia còn lại đã kết hợp cả hai mô hình với sự tham gia đồng thời của cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam nên tiếp tục duy trì mô hình nhà nước đầu tư khai thác khoáng sản hay thúc cải thiện môi trường pháp lý để thu hút đầu tư tư nhân.
Trong bối cảnh trên, sáng 29/7, tại Hà Nội, LMKS (PanNature là tổ chức điều phối) cùng các bên liên quan tổ chức Hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị” nhằm tạo diễn đàn thảo luận về thực trạng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và vấn đề quản lý vốn đầu tư nhà nước và đề xuất các khuyến nghị để thúc đẩy đầu tư bền vững trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực khai khoáng và nhiều cơ quan báo chí.
Tài liệu Hội thảo
Sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước trong khai thác tài nguyên
TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Vai trò của tổ chức tín dụng trong khai thác tài nguyên: Các rủi ro môi trường và xã hội
Bà Trần Thanh Thủy – Liên minh Khoáng sản
Đầu tư trong khai thác tài nguyên ở Myanmar: Thực trạng và các thách thức
Ông Min Zar Ni – Ủy ban EITI Mynamar
Minh bạch thông tin về khoáng sản: Khoảng các từ pháp lý đến thực tiễn và các tác động đối với đầu tư tư nhân
Ông Nguyễn Minh Đức – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Tiến trình chuẩn bị, tổ chức và một số kết quả ban đầu từ thực thi EITI tại Myanmar
Bà Kay Thi – Ủy ban EITI Myanmar