Các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang các mục đích không phải lâm nghiệp, bên cạnh việc phải thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, còn cần đảm bảo đầu tư trồng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi. Đây là quy định bắt buộc được ghi rõ trong Nghị định Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Nghị định 23/2006/NĐ-CP) nhằm mục tiêu bảo vệ, giữ vững vốn rừng cũng như cân bằng môi trường sinh thái. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT*, từ năm 2006, đã có 386.290 ha rừng các loại bị chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, như xây dựng thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cao su, sản xuất nông nghiệp,…Ngoài các dự án trồng cao su hay sản xuất nông nghiệp không phải thực hiện trồng thay thế, đến nay, tổng diện tích cần phải trồng thay thế sau khi rà soát khoảng 68.209 ha.
Để đạt được mục tiêu này, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban ngành cũng đã ban hành một loạt các quy định để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động như: Nghị quyết 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý, quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác công trình thủy điện; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 11/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác; hay các thông tư, quy định hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, công tác triển khai hoạt động này trong thực tế vẫn không đạt được các mục tiêu như mong đợi. Tính đến tháng 9/2015, cả nước có 23/50 địa phương có kế hoạch triển khai trồng rừng thay thế với diện tích 15.959 ha (đạt 23% diện tích phải trồng thay thế). Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả trồng rừng thay thế, tháng 10/2015, Bộ NN&PTNT chỉ ra, công tác chỉ đạo triển khai trồng rừng thay thế ở nhiều tỉnh chưa quyết liệt, thiếu sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố, chưa chủ động bố trí kinh phí thực hiện cũng như các chủ dự án không chủ động xây dựng phương án trồng rừng cũng như thực hiện nộp tiền để trồng rừng thay thế hay tình trạng tồn đọng vốn quá lâu trong các Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng,… là những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trồng rừng thay thế trên toàn quốc khiêm tốn như vậy.
Để đẩy nhanh kế hoạch trồng rừng thay thế, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của Thủ tướng và Quyết định số 829/QĐ-BNN-TCLN ngày 23 tháng 4 năm 2014, Bộ NN&PTNT chỉ ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế đối với Bộ, ngành và UBND các tỉnh, đồng thời ban hành Thông tư 05/VBHN-BNNPTNT ngày 25 tháng 4 năm 2016 về hợp nhất các quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác. Tính đến ngày 30/6/2016, diện tích đã trồng rừng thay thế tại các địa phương đã tăng lên 24.853 ha, đạt 36% tổng diện tích phải trồng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của PanNature tại một số địa phương vẫn còn rất nhiều vướng mắc, từ cơ chế chính sách, hướng dẫn tài chính, tổ chức thực hiện cho đến nghiệm thu – giám sát trong triển khai trồng rừng thay thế. Đây chính là những rào cản cần tiếp tục phải tháo gỡ và cần phải có các giải pháp can thiệp chính sách kịp thời để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cũng như đạt được mục tiêu trồng rừng thay thế mà Chính phủ đặt ra.
Nhằm xác định rõ hơn các tồn tại trong thực thi chính sách trồng rừng thay thế ở các địa phương và đề xuất các khuyến nghị nâng cao hiệu quả, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp cùng Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Kế hoạch – Tài chính và Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực thi chính sách trồng rừng thay thế từ thực tiễn địa phương: Một số đánh giá và khuyến nghị”, nhằm (1) nhận diện và đánh giá tổng quan về tình hình triển khai thực hiện chính sách trồng rừng thay thế tại các địa phương; (2) thảo luận về các kết quả đạt được, khó khăn và vướng mắc trong quá trình lập kế hoạch, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát tình hình thực hiện trồng rừng thay thế; (3) Thảo luận về sự cần thiết của hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí trồng rừng thay thế đối với các Quỹ BVPTR và (4) Xác định lộ trình triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực thi chính sách trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của TS. Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài Chính (TCLN) và gần 40 đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lãnh đạo các Sở NN-PTNT và Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng của 16 địa phương đang triển khai trồng rừng thay thế trên toàn quốc.
Tài liệu Hội thảo:
Tổng quan về chính sách và kết quả trồng rừng thay thế của các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện, quản lý và sử dụng kinh phí trồng rừng thay thế tại Đắk Nông
Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Đăk Nông
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện, quản lý và sử dụng kinh phí trồng rừng thay thế tại Nghệ An
Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Nghệ An
Tình hình tổ chức trồng rừng thay thế từ thực tiễn địa phương: Một số nhận định ban đầu
Bà Nguyễn Hồng Huế – Cán bộ Nghiên cứu Chính sách (PanNature)
*Đề án “Trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác” kèm theo quyết định số 829/QĐ-BNN-TCLN ngày 23 tháng 4 năm 2014 của Bộ NN&PTNT.