Để giảm bớt những bất cập trong khai thác khoáng sản, giới chuyên gia cho rằng cần tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) đang được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đã tiếp cận sáng kiến này từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chần chừ, chưa tham gia.
Đó là nội dung của Hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: các bất cập và khuyến nghị” do Liên minh Khoáng sản, Hội Địa chất kinh tế Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 29-7.
Thực tế cho thấy, trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh với nhiều loại khoáng sản được khai thác ở quy mô lớn. Tuy nhiên, thu ngân sách không tương xứng với mức độ khai thác, cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường…
Việt Nam hiện có hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau với khoảng 170 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này song sản lượng chủ yếu lại tập trung vào 5 tập đoàn, tổng công ty lớn.
Tại hội thảo, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, độc quyền trong khai thác khoáng sản. Có các tập đoàn được độc quyền khai thác dầu khí, than khoáng sản, hóa chất (apatit)…
Ông Doanh phân tích: “Trong khai thác, tỷ lệ thu hồi khoáng sản của các doanh nghiệp chưa cao. Chất thải khoáng sản của Việt Nam được Nhật thu mua với giá rất rẻ nhưng họ khai thác và tận thu được những nguyên tố rất quý. Việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được coi trọng. Mặc dù Chính phủ đã cấm nhưng vẫn có tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô. Công khai, minh bạch trong khai thác khoáng sản còn thấp (mỏ giá trị bao nhiêu, khai thác như thế nào, trách nhiệm giải trình chưa được thực hiện) gây ra tham nhũng, lãng phí lớn. Ngoài ra, tình trạng xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc rất nghiêm trọng”.
Theo ông Doanh, đối chiếu số liệu thống kê mà Việt Nam và Trung Quốc công bố cho thấy, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ít hơn con số Trung Quốc công bố 5 tỉ đô la Mỹ. Và phía Trung Quốc cũng cho biết phần lớn trong số 5 tỉ đô la Mỹ đó là khoáng sản, than…
Bình luận về con số trên, ông Nguyễn Thành Sơn, người từng có nhiều năm làm việc tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (nay đã nghỉ hưu), cho rằng số liệu mà Trung Quốc cung cấp là chính xác. Bởi vì đơn vị nhập khẩu khoáng sản của quốc gia này được bù giá, được khuyến khích nên họ khai thật. Ta xuất lậu nên không khai.
Tại hội thảo, tiến sĩ Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, cho rằng Chính phủ cần xem xét tính hiệu quả trong khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Lê Đăng Doanh, nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo, điện gió hoặc năng lượng mặt trời ngày càng tăng, vì thế nhu cầu sử dụng than, xăng dầu giảm làm cho giá khoáng sản ngày càng giảm. Nếu Việt Nam dựa vào than để có nguồn thu nhập, theo ông Doanh là cần phải tính toán lại. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết với quốc tế về việc giảm sử dụng than cho sản xuất điện. Do đó, ông Doanh cho rằng các tập đoàn khoáng sản cần nhanh chóng chuyển hướng đầu tư vào năng lượng sạch để phù hợp với yêu cầu và sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng như xu hướng bảo vệ môi trường trên thế giới.
Được biết, do những đặc thù phức tạp của công nghiệp khai thác khoáng sản, thế giới đã phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ công tác quản trị. Trong đó, Sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được coi là một trong những sáng kiến quản trị hiệu quả nhất. Tài liệu do VCCI phối hợp với Liên minh Khoáng sản, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện được cung cấp tại hội thảo cho thấy, Nigieria đã tránh thất thu 1 tỉ đô la Mỹ hàng năm trong lĩnh vực khai khoáng nhờ thực hiện sáng kiến này. Ngoài ra, EITI còn hỗ trợ cải cách lĩnh vực khai khoáng tại rất nhiều quốc gia như Philippines…
Thông tin từ tài liệu trên cho biết, Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận EITI từ năm 2005. Tuy nhiên, sau gần 10 năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa đưa ra những tuyên bố rõ ràng về việc tham gia EITI mặc dù nhu cầu cải cách, đổi mới đối với ngành công nghiệp khai thác hiện nay rất lớn. Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm tham gia EITI để giảm bất cập trong khai thác khoáng sản.