Tọa đàm được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 20/7/2016 với sự tham dự của gần 60 chuyên gia và nhà báo.
Đầu năm 2016, Thái Lan khởi động việc bơm nước tại các tỉnh Nong Khai và Loei. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các trạm bơm nhỏ bên cạnh nhiều kế hoạch chuyển nước quy mô lớn hơn rất nhiều dự kiến được triển khai trong thời gian tới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang khởi động lại việc xem xét các dự án quy mô lớn chuyển nước sông Mê Kông sang lưu vực khác. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Campuchia cũng đang ráo riết đầu tư vào các dự án tưới tiêu theo hướng lấy nước hoặc giữ nước từ sông Mê Kông nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mê Kông, ĐBSCL của Việt Nam trong mùa khô 2015 – 2016 đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua. Ngoài tác động của El Nino cực đoan thì những tác động tích lũy ban đầu của các dự án phát triển (thủy điện, chuyển nước, lấy nước) ở vùng thượng lưu sông Mê Kông cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ khu vực ĐBSCL.
Nhằm tìm hiểu thêm về nhu cầu sử dụng nước và tham vọng chuyển nước phục vụ tưới tiêu ở một số quốc gia hạ lưu Mê Kông, tháng 5/2016, PanNature tổ chức chuyến khảo sát tại Campuchia và một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan, trong đó tập trung chính vào dự án tưới Vaico ở Campuchia và một số dự án chuyển nước trong lưu vực ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Thông tin sau chuyến đi đã được nhóm khảo sát tập hợp, chia sẻ tại Tọa đàm và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tham dự.
Tài liệu tọa đàm