Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2006-2014, đã có 386.290 ha rừng các loại bị chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, như xây dựng thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cao su, sản xuất nông nghiệp… Ngoài các dự án trồng cao su hay sản xuất nông nghiệp không phải thực hiện trồng thay thế, đến nay tổng diện tích cần phải trồng thay thế sau khi rà soát là khoảng 68.209 ha. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, cả nước chỉ có 23/50 địa phương có kế hoạch triển khai trồng rừng thay thế với diện tích 15.935ha, đạt 23% diện tích phải trồng. Sau một loạt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện từ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, diện tích trồng rừng thay thế toàn quốc mới tăng lên 30.164 ha, tương đương 44% diện tích phải trồng, tính đến tháng 7/2016.
Tại sao diện tích trồng rừng thay thế (TRTT) chỉ đạt được con số khiêm tốn như vậy? Khó khăn, thách thức và nguyên nhân cũng như giải pháp cho câu chuyện trồng rừng thay thế đã được mổ xẻ, phân tích tại Hội thảo “Thực thi chính sách trồng rừng thay thế từ thực tiễn địa phương: Một số đánh giá và khuyến nghị” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam tổ chức ngày 29/7 tại Hà Nội.
Khó khăn và hạn chế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp, khẳng định, TRTT là chủ chương rất quan trọng với nhiều chính sách đã được ban hành để thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, hiện vẫn còn tình trạng nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án TRTT cũng như thực hiện nộp ngân sách TRTT; hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí vốn để TRTT; một số dự án đã nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng (BVPTR) của tỉnh nhưng Quỹ còn để vốn tồn đọng, chưa chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý, điều phối tiền thu từ các chủ dự án để triển khai kế hoạch TRTT; một số dự án tiến hành chuyển mục đích sử dụng rừng đã lâu, dự án đã hoàn thành và chuyển giao cho đơn vị khác tiếp quản, thậm chí nhiều ban quản lý dự án đã giải thể, song do không dự toán kinh phí để TRTT nên gặp khó khăn trong việc đôn đốc triển khai TRTT.
Những nhận định này cũng được đại diện của các địa phương có mặt tại Hội thảo đồng tình. Đơn cử, ông Lê Văn Quang, Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Đắk Nông, cho biết mặc dù Tỉnh đã chỉ đạo ráo riết để thực hiện chủ trương này với việc thành lập cả Ban chỉ đạo trồng rừng thay thế do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, song cũng gặp nhiều vướng mắc trong triển khai. Thứ nhất, đối với công tác thu, mặc dù tỉnh đã ban hành quyết định đối với từng nhà máy thủy điện theo giai đoạn đầu tư song do số tiền phải nộp khá lớn trong khi các chủ đầu tư không xây dựng dự toán cho TRTT trong thiết kế dự án ban đầu nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí nộp vào Quỹ BVPTR. Thứ hai, với công tác chi, hiện chưa có văn bản hướng dẫn về việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí TRTT gây khó khăn cho tỉnh trong việc quản lý; giải ngân, thanh toán quyết toán nguồn vốn. Ngoài ra, việc triển khai trồng cũng rất khó khăn do khả năng đảm bảo quỹ đất lâm nghiệp cho TRTT tại các địa phương khá thấp, đặc biệt là sau khi Bộ NNPTNT có yêu cầu ưu tiên trồng rừng thay thế trên diện tích đất trống quy hoạch rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng (Thông tư 26/2015/TT-BNNPTNT). Trong khi đó, diện tích đất được quy hoạch là “đất trống” thì phần lớn đã được người dân lấn chiếm, sử dụng canh tác lâu năm, nếu thu hồi sẽ có khả năng xảy ra tranh chấp.
Cùng chung các khó khăn với Đắk Nông về công tác thu, truy thu và chi kinh phí TRTT, ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển Rừng tỉnh Nghệ An còn chia sẻ thêm vướng mắc về xây dựng kế hoạch và quản lý rừng trồng thay thế sau đầu tư. Theo đó, hiện công tác xây dựng kế hoạch TRTT còn bị động đối với cả cơ quan quản lý, Quỹ BVPTR và các đơn vị thực hiện. Trong khi trồng rừng là hoạt động có tính thời vụ cao, công việc cần nhiều thời gian chuẩn bị, việc kế hoạch giao muộn dẫn đến đơn vị bị động và chậm trễ trong phê duyệt hồ sơ kỹ thuật và khó đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý rừng sau đầu tư, cơ chế hưởng lợi từ diện tích rừng trồng khi thành thục cũng là một vướng mắc khác cần được giải quyết.
Tất cả những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và bất cập trong nội dung chính sách và triển khai trồng rừng thay thế như: xây dựng kế hoạch, hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí, thể chế và tổ chức thực hiện, cho đến nghiệm thu, giám sát… cũng đã được PanNature nhận diện trong một nghiên cứu mới. Theo bà Nguyễn Hồng Huế, cán bộ nghiên cứu của PanNature, đây chính là những rào cản cần tiếp tục phải tháo gỡ và cần phải có các can thiệp chính sách kịp thời để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu trồng rừng thay thế mà Chính phủ đặt ra.
Giải pháp đề xuất
Chia sẻ khó khăn với các địa phương, tại Hội thảo, đại diện cho Tổng cục Lâm nghiệp, ông Phạm Hồng Lượng cũng đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt công tác TRTT trong thời gian tới. Trong số các giải pháp được đề xuất, đáng chú ý là việc kiến nghị kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những chủ dự án không thực hiện TRTT với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong TRTT, cơ chế giải ngân số tiền nộp về Quỹ BVPTR các tỉnh cũng được đề xuất.
Đối với các Quỹ BV&PTR ở địa phương, kiến nghị chung là nhà nước cần ban hành một hướng dẫn cụ thể hơn về tính chất nguồn vốn (phân biệt giữa nguồn chi ngân sách và ủy thác), quản lý sử dụng, trình tự thủ tục giải ngân, quyết toán nguồn tiền TRTT, đồng thời quy định rõ hơn về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của Quỹ BVPTR đối với TRTT. Ngoài ra, cần có quy định về chế tài xử lý đối với chủ dự án cố tình chây ỳ việc nộp tiền khi không có điều kiện TRTT; có hướng dẫn về trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng trồng và cơ chế hưởng lợi cũng như chia sẻ lợi ích với diện tích RTTT khi đến độ tuổi khai thác.
Từ nghiên cứu của mình, PanNature cũng khuyến nghị rà soát, đánh giá hiệu quả các phương thức tổ chức TRTT; xây dựng các hướng dẫn, quy định để thống nhất tổ chức thực hiện TRTT nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan triển khai TRTT. Ngoài ra, cần bổ sung các chế tài và chính sách trong việc truy thu đối với các dự án có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng trong giai đoạn 2006-2014, trước khi có thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT quy định về TRTT khi chuyển mục đích sử dụng và sau khi Nghị định 23/2006/NĐ-TTg về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng được ban hành. Việc chia sẻ thông tin TRTT cho chính quyền địa phương (cụ thể là UBND các xã) để tăng cường sự tham gia, giám sát TRTT cũng cần được tính đến.
Bên cạnh đó, PanNature cho rằng, khái niệm TRTT cũng nên được mở rộng. Không chỉ tập trung hoặc quy định bắt buộc phải trồng rừng mới, kinh phí TRTT nên được sử dụng để thuê khoán cộng đồng, hộ gia đình quản lý, bảo vệ các khu vực rừng tái sinh, trồng dặm, tăng cường phục hồi diện tích rừng tự nhiên. Nói cách khác, TRTT cần được xác định như một trong các hoạt động lâm nghiệp quan trọng tại các địa phương, được lồng ghép vào các Kế hoạch BVPTR đến 2020, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện chất lượng rừng, và đặc biệt, bổ sung thêm kinh phí, bên cạnh đầu tư ngân sách hiện tại cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên toàn quốc.
Các kiến nghị tại Hội thảo đã được TS. Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ghi nhận và khẳng định rằng cùng với phản ánh từ thực tế của địa phương, các chính sách hiện hành sẽ được rà soát để điều chỉnh và bổ sung đầy đủ hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Source: ThienNhien.Net