Ngày 05/8/2016, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã cử đại diện tham dự Tọa đàm “Cơ hội và Thách thức cho đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Oxfam với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện từ các tổ chức xã hội & nghề nghiệp, doanh nghiệp liên quan đến đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia.
Theo thông tin của Ban Tổ chức Tọa đàm, Lào và Campuchia là hai quốc gia được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất với 258 dự án ở Lào (tổng vốn đăng ký là 4,9 tỷ đô la Mỹ) và 183 dự án ở Campuchia (tổng vốn đăng ký là 2,9 tỷ đô la Mỹ). Trong đó, đầu tư Việt Nam tập trung nhiều tại các tỉnh Nam Lào và Đông Campuchia thuộc Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) do những chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng cho khu vực này. Lĩnh vực nông lâm nghiệp được coi là thế mạnh của Tam giác phát triển CLV do phát huy được lợi thế so sánh của khu vực này trong mối quan hệ với nền kinh tế ba nước và khu vực. Bên cạnh những thành tựu như giúp xóa đói giảm nghèo hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến các tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.
Mục tiêu chính của Tọa đàm là cập nhật chính sách mới về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam theo Luật Đầu tư 2014; tổng hợp góp ý cho việc sửa đổi Quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, bài học giữa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp; thảo luận xây dựng hướng dẫn giảm thiểu rủi ro cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp.
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Chinh phát biểu những thành tựu và tồn tại của chiến lược phát triển cây cao su tại Lào và Campuchia. Ông cho biết Bộ Nông nghiệp đã công nhận cây cao su là cây đa mục tiêu, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn chuyển khoảng 400.000 ha rừng nghèo kiệt thành rừng cao su có độ che phủ đất và trữ lượng gỗ khá cao. Tuy nhiên, tình trạng chiếm lấn rừng trái phép lấy đất làm nông nghiệp và trồng cao su đã xảy ra một số nơi. Ông đề nghị để phát triển cao su bền vững, thời kỳ tới, không mở rộng diện tích cao su; tập trung thâm canh diện tích cao su đã có; tuyệt đối không phát triển cao su trên đất rừng tự nhiên ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Báo cáo kết quả nghiên cứu Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia, đại diện Oxfam cho biết các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội và thuận lợi nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam (Nghị định 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015, Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 20/02/2009…); chủ trương mở cửa thu hút đầu tư của nước sở tại; quỹ đất rộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nông nghiệp… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những bất cập, khó khăn từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chấp thuận dự án, giải phóng đền bù, thực hiện dự án đến khi kết thúc hoặc chuyển giao dự án. Do vậy, Oxfam đã đề ra những kiến nghị cho doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan chức năng của cả Việt Nam, Lào, Campuchia cần áp dụng các quy định về trách nhiệm xã hội và giảm thiểu tác động môi trường; tăng cường sự tham gia của người dân vào các dự án; xây dựng khung pháp lý nhất quán và hữu hiệu; có lộ trình hợp lý về sử dụng người lao động địa phương; thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ các hướng dẫn tự nguyện về quản trị đất đai của Ủy ban An ninh lương thực của Liên Hiệp Quốc và các hướng dẫn khác về đầu tư có trách nhiệm.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng – Phòng Nghiên cứu Chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên – đã giới thiệu Khung Hướng dẫn tự nguyện về giảm thiểu rủi ro cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Bà cho biết mục tiêu của Hướng dẫn tự nguyện là để giảm thiểu rủi ro đến từ các vấn đề môi trường và xã hội phát sinh từ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam; bảo vệ hình ảnh và uy tín của quốc gia Việt Nam nói chung và các nhà đầu tư Việt Nam nói riêng trên thế giới; hỗ trợ thực hiện mục tiêu Chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Khung Hướng dẫn tự nguyện sẽ bao gồm các nội dung từ giai đoạn chuẩn bị như xây dựng kế hoạch, đánh giá tác động môi trường và xã hội; thu hồi và bồi thường đất đai, tài sản đến thực hiện dự án và chấm dứt hoặc chuyển nhượng dự án. Hướng dẫn này phải hữu ích và khả thi, gồm các đề xuất nên thực hiện, cách thức thực hiện và tài liệu tham khảo, bà Phượng cho biết thêm.
Sau phần trình bày của các diễn giả, các khách mời tham dự đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề trong quá trình đầu tư sang Lào và Campuchia trên các lĩnh vực nông nghiệp. Các cá nhân, tổ chức đại diện có hoạt động đầu tư, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, mía đường đã đề cập những vướng mắc khi đầu tư tại nước bạn. Ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – chia sẻ những khó khăn về cơ chế, chính sách của nước sở tại như quy định về thời gian đầu tư, sử dụng nguồn nhân lực địa phương, lãi suất vốn vay cao. Bà Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng Ban tư vấn phát triển ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam – cho biết, phát triển kinh tế cần phải gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện xã hội. Cây cao su có thể thực hiện vai trò này vì hiện là nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, đồng thời, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho vùng nông thôn và góp phần phủ xanh đất, là nguồn thu hút khí thải và giúp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Các tổ chức quốc tế đang xem xét, đánh giá lại vai trò, chức năng của cây cao su để định hướng phát triển bền vững cho ngành cao su thiên nhiên và sẽ là kinh nghiệm cần thiết cho ngành cao su Việt Nam.
Kết thúc buổi Tọa đàm, tất cả các khách mời đều nhất trí với việc xây dựng một tài liệu Hướng dẫn tự nguyện rõ ràng, cụ thể về giảm thiểu rủi ro cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật Việt Nam và nước sở tại, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, kế thừa các bài học kinh nghiệm của thế giới để vận dụng.