Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 14/9, một chuyên gia ngành điện cho biết, một thời gian ngắn trước khi sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra, một số tổ chức gồm Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Phát triển Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu và Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước đã có kiến nghị gửi Quốc hội về vấn đề quy hoạch và quản lý các dự án thủy điện của Việt Nam.
Dẫn nhiều sự cố trong xây dựng các công trình thủy điện những năm gần đây, các tổ chức này cho rằng cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đối với tất cả các dự án thủy điện đang vận hành. Các cơ quan quản lý cần khẩn trương, nghiêm túc đánh giá toàn diện quy trình vận hành của các công trình thủy điện đơn lẻ cũng như các công trình bậc thang, vấn đề an toàn đập, an toàn hạ lưu. Cùng đó cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bên (chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, chính quyền các cấp) trong quá trình quản lý và giám sát sự vận hành của nhà máy, đặc biệt trong khi tích nước và xả nước.
“Các tổ chức này đã kiến nghị Chính phủ cần xem xét đình chỉ việc xây dựng các dự án trong quy hoạch chưa có đánh giá đầy đủ về an toàn đập và chi phí môi trường – xã hội. Ngoài ra, các thiệt hại từ các sự cố liên quan đến thủy điện cần tính toán và lượng hóa một cách cụ thể để tạo cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường và đảm bảo quyền lợi, sinh kế của cộng đồng dân cư bị tái định cư và bị ảnh hưởng”, vị này cho biết.
Cũng theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hồi đầu năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo về công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, nước và khí tượng thủy văn đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo này, Quảng Nam có tổng cộng 42 dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch thủy điện tỉnh (10 dự án thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn và 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ), với tổng công suất 1.583 MW. Việc phát triển nhiều dự án thủy điện kéo theo việc phá rừng đầu nguồn, trong đó có cả những khu bảo tồn để xây các công trình của nhà máy thủy điện đã làm mất rất nhiều diện tích rừng, mất đi tính đa dạng sinh học trong khu vực. Trong khi đó, việc trồng bù rừng lại không được thực hiện đầy đủ vì hầu hết các công trình đã không bố trí được hoặc bố trí không đủ quỹ đất trồng rừng nhằm bù lại diện tích rừng đã mất.
* Theo tài liệu mà phóng viên có được, ngày 25/4, EVN có báo cáo bổ sung về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2 gửi hội đồng thành viên. Khu vực xây dựng có địa chất phức tạp, khi mở móng địa chất nền móng xấu, phải xử lý như: chân đập, hố móng…
Đặc biệt báo cáo này cũng nêu rõ: “Dự án được thực hiện theo cơ chế 797 – 400 của Chính phủ nhưng theo mô hình không có tổng thầu, BQL dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong đó có một số nhà thầu yếu về năng lực (trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư phải bổ sung, thay thế nhà thầu thi công đào hầm). Năng lực quản lý của BQL dự án thủy điện Sông Bung 2 còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý từ khâu tổ chức khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều hành thi công xây dựng. Cty CP TVXD điện 3 lần đầu tiên làm tư vấn chính cho dự án có quy mô như thủy điện Sông Bung 2”.