Khai thác tài nguyên là một ngành công nghiệp phức tạp, đòi hỏi mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình cao. Thế giới đã xây dựng nhiều sáng kiến để hỗ trợ công tác quản trị bền vững ngành công nghiệp này. Trong đó, sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (Extractive Industry Transparency Initiative – EITI) được đánh giá là hiệu quả và đã được áp dụng tương đối phổ biến ở các quốc gia có hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Về bản chất, EITI tập trung chủ yếu vào hoạt động theo dõi và giám sát nguồn thu của ngành công nghiệp khai thác. Các thông tin được công bố rộng rãi tạo nền tảng cho sự tham gia một cách đầy đủ, có ý nghĩa của các bên liên quan để từ đó đưa ra được những giải pháp, lựa chọn tốt nhất nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách lâu dài, đảm bảo phúc lợi xã hội và phát triển bền vững quốc gia. Đặc biệt, EITI còn được nhấn mạnh sẽ giúp tránh “các tác động kinh tế và xã hội tiêu cực” khi “ngành công nghiệp khai khoáng không được quản lý đúng cách” (trích Nguyên tắc EITI).
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng. Trong 3 thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng về mặt quy mô. Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề như cấp phép tràn lan, đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả, thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác, khai thác trái phép, xuất khẩu trái phép, và gây ra các hệ lụy môi trường và xã hội.
Chính phủ Việt Nam cũng đã tiếp cận và xem xét tham gia sáng kiến EITI từ năm 2007. Tuy nhiên, trong bối cảnh của ngành công nghiệp khai thác, hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về lợi ích cũng như rào cản, rủi ro nếu Việt Nam chính thức khẳng định tham gia vào EITI. Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020, đề án thực thi EITI đã được đưa vào kế hoạch thực hiện cho năm 2016. Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 5 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phải báo cáo về việc thực thi EITI trong tháng 8/2016.
Trong bối cảnh trên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và các tổ chức thành viên thuộc Liên minh Khoáng sản phối hợp tổ chức Tọa đàm “Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch trong Công nghiệp khai thác (EITI): Cơ hội hay rào cản?” nhằm: (i) Cung cấp các thông tin và đưa ra một số nhận định ban đầu những cơ hội, thách thức và rào cản khi tham gia EITI tới ngành công nghiệp khai thác, hiệu quả quản trị và nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (ii) Thảo luận và đưa ra một số khuyến nghị giúp Bộ Công thương và Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra quyết định chính thức về sự tham gia của Việt Nam vào sáng kiến này trong thời gian tới. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, tổ chức, cơ quan nhà nước cũng như cơ quan báo chí, truyền thông.
Tài liệu Tọa đàm:
Công văn VCCI gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
EITI: Kinh nghiệm quốc tế và kết quả thực hiện
Bà Trần Thanh Thủy, Đại diện Liên minh Khoáng sản
Thực thi EITI tại Việt Nam – Các cơ hội và thách thức
Ông Đậu Anh Tuấn, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)