Không chỉ là xã nghèo ở biên giới với địa hình đồi núi đá dốc chiếm trên 354 ha, xã Bản Lang thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu còn là nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải hứng chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu. Do đó, trong nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu luôn là chủ đề được cấp ủy, chính quyền và nhiều đơn vị địa phương quan tâm và tìm giải pháp thích ứng, giảm thiểu.
Trận lũ quét ám ảnh
Hơn hai năm đã trôi qua nhưng trận lũ quét, sạt lở diễn ra vào tháng 9/2014 tại xã Bản Lang vẫn là nỗi ám ảnh với người dân trong xã bởi không chỉ nhiều tài sản, hoa màu… bị cuốn trôi mà một số người trong bản cũng bị lũ cuốn hoặc bị đất đá vùi lấp. Tháng 6/2015, mưa lớn ở Bản Lang tiếp tục khiến tuyến đường tỉnh lộ thuộc địa phận xã bị sụt lún, trượt lở làm giao thông ách tắc, chia cắt. Thường vào thời điểm mùa mưa và mùa đông là hay xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở, sương muối nhất.
Trước thực trạng thiên tai, biến đổi khí hậu tại địa phương, các cấp chính quyền xã đã nỗ lực thực hiện các kế hoạch phòng chống, ứng phó hàng năm. Chị Lừu Thị Thực, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Bản Lang cho biết: Thiên tai xảy ra tại xã hầu hết do khí hậu bất thường, địa hình khúc khuỷu. Để khắc phục điều này, cán bộ chuyên môn đã chú trọng khảo sát kỹ trong cộng đồng dân cư trước khi lên kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm. Cụ thể: thời điểm đầu năm thì phòng ngừa gió lốc, mưa đá; tháng 6 đến tháng 9 thì ứng phó với lũ quét, lũ ống, lở đất. Tháng 10 thì tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, thời điểm mùa đông phải tăng cường phòng chống rét cho vật nuôi, có phương án để rét đậm, rét hại không gây ảnh hưởng nặng nề đến trồng trọt, chăn nuôi. Hiện xã có 518 hộ xây dựng được chuồng trại kiên cố để nuôi gia súc trong mùa rét. Thống kê cho thấy năm 2015, xã có 50 con trâu, bò, lợn, dê bị chết rét, 18 ha lúa, ngô vụ đông xuân bị thiệt hại. Ngoài ra, với những thiệt hại chưa dự tính được thì sẽ được đưa vào chương trình ứng phó của năm sau. Mặc khác, xã cũng phối hợp với những người có uy tín như già làng, trưởng bản để cùng tuyên truyền cho người dân hiểu và quan tâm hơn đến phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
… và nỗ lực ứng phó
Với những thách thức về thiên tai, biến đổi khí hậu kể trên, Bản Lang là một trong 7 xã ở Lai Châu được lựa chọn tham gia Dự án biến đổi khí hậu và đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam do Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch (ADDA), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp Hội Nông dân Lai Châu thực hiện, thời gian từ 01/7/2014 – 30/6/2017. Cụ thể: Dự án hỗ trợ nhóm nông dân sở thích tại bản áp dụng mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc theo phương pháp trồng xen (đậu tương, bơ, lạc, cỏ voi…) nhằm giảm xói mòn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Nguyễn Ngọc Trản – Tập huấn viên dự án biến đổi khí hậu chia sẻ: “Tôi được phân công phụ trách hướng dẫn 12 nông dân ở bản Hợp 2, xã Bản Lang tham gia mô hình trồng giống ngô CP333. Tôi hướng dẫn bà con cách trồng ngô xen canh với đỗ tương, lạc; kỹ thuật che phủ bằng vật liệu hữu cơ tàn dư cây trồng; tạo tiểu bậc thang trồng ngô trên đất dốc. Nhờ đó, giữ ẩm cho đất, giảm công làm cỏ dại, chống sâu bệnh, ngăn cản dòng chảy, hạn chế xói mòn và giúp bà con tăng thêm thu nhập”.
Về vấn đề lồng ghép BĐKH vào chính sách phát triển nông nghiệp cấp xã, ông Nguyễn Văn Tuân – Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Hàng năm, xã đều xây dựng hướng dẫn phòng chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai theo chỉ đạo của các cấp. Đối với việc phát triển nông nghiệp địa phương, khi được huyện giao chỉ tiêu, chúng tôi đều căn cứ vào diện tích, điều kiện tự nhiên cũng như đặc thù mỗi bản để phân tích, đánh giá, thu thập thông tin ban đầu, lập chỉ tiêu chính xác, chú ý đến vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu”.
Có thể nói ứng phó với biến đổi khí hậu là một bài toán khó, nhất là đối với các địa phương vùng núi như Bản Lang. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Dự án biến đổi khí hậu và các dân tộc miền núi phía bắc Việt Nam, các hoạt động, mô hình ứng phó biến đổi khí hậu đã dần được gợi mở và hy vọng với những nỗ lực hiện tại, các mô hình này sẽ ngày càng được thúc đẩy, nhân rộng bởi những chính sách phát triển bền vững tại địa phương, nhất là chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh, thân thiện với môi trường.
Được biết, ngoài Lai Châu, Dự án biến đổi khí hậu và các dân tộc miền núi phía bắc Việt Nam cũng được triển khai đồng thời tại Sơn La và Điện Biên nhằm hướng đến mục tiêu giới thiệu, hỗ trợ các mô hình nông nghiệp ứng phó BĐKH, qua đó thúc đẩy lồng ghép BĐKH trong chính sách phát triển tại địa phương, đặc biệt là chính sách phát triển nông nghiệp. Bên cạnh việc giới thiệu các mô hình canh tác nông nghiệp bền vững, Dự án còn chú trọng nâng cao năng lực và nhận thức cho nhiều nhóm đối tượng ở địa phương về tác động, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Hải Yến