Trong bối cảnh Hiệp định đối tác tự nguyện FLEGT VPA được ký kết và thực thi, cơ hội nâng cao giá trị và tính bền vững của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cho các nước sản xuất vào thị trường Châu Âu được mở ra, thông qua một hệ thống cấp phép đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm của gỗ trong tất cả mọi khâu từ trồng, khai thác, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu. Một trong những biện pháp cần được thúc đẩy là thiết lập và tăng cường liên kết giữa những người trồng rừng và các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ trong nước một cách chặt chẽ, nhằm đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của cộng đồng. Theo đó, cần thiết tăng cường thông tin và năng lực tiếp cận thị trường cho các nhóm cộng đồng và các doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức khoá tập huấn “Phát thanh viên cơ sở” nhằm tăng cường hiểu biết, năng lực phát thanh hiệu quả cho cán bộ cơ sở tại các địa phương liên quan đến các vấn đề Lâm Nghiệp nói chung và VPA/FLEGT nói riêng.
Khóa tập huấn được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 11-14/10/2016 với sự hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia/ nhà báo Nguyễn Ngọc Năm từ đài phát thanh VOV Việt Nam, cùng sự tham gia của 24 phát thanh viên, đại điện ban lâm nghiệp cộng đồng, cán bộ văn hóa xã và thúc đẩy viên của 7 xã mục tiêu thuộc 7 tỉnh Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Gia Lai, Quảng Trị, Quảng Nam.
Dự án “Hỗ trợ tiến trình đàm phán và thực thi VPA tại Việt Nam” là sáng kiến do do Uỷ ban Châu Âu (EC) và Quỹ Môi trường Thuỵ Điển (SIDA) tài trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên – Văn phòng Việt Nam (WWF-Việt Nam) với sự phối hợp thực hiện của Tổng cục Lâm nghiệp và và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature). Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đàm phán và thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT, góp phần đưa ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam phát triển bền vững và phù hợp với quy định quốc tế, mang lại lợi ích cho các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào rừng.