Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả canh tác lúa theo hướng bền vững, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thí điểm mô hình canh tác lúa cải tiến SRI tại một số địa phương trên địa bàn, trong đó có bản Huổi Hán, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Qua thực hiện và đánh giá mô hình tại Huổi Hán, nhóm cán bộ Hội nhận thấy mô hình đã mang lại hiệu quả thực sự, vừa góp phần cải thiện môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cho người dân.

Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI tại Lai Châu nằm trong Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam (CEMI). Đây là mô hình canh tác rất phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu. Canh tác theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI không chỉ giúp giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu mà còn giảm lượng nước tưới ngập bề mặt ruộng, do đó, góp phần giảm thiểu các chất gây hại phát thải vào môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng ít nước tưới trong canh tác lúa cũng giúp các địa phương thích ứng tốt hơn với tình hình khô hạn ngày càng kéo dài tại khu vực Tây Bắc. 

Với những lợi ích của phương thức canh tác SRI, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã phối hợp với Hội Nông dân Lai Châu giới thiệu, triển khai mô hình tại 7 xã, thị trấn thuộc huyện Phong Thổ, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Riêng tại bản Huổi Hán, tổng diện tích được trồng thử nghiệm khoảng 2.000m2, do 12 thành viên thuộc nhóm nông dân sở thích tham gia thực hiện dưới sự hướng dẫn của tập huấn viên tại bản. Mô hình tiến hành gieo cấy giống lúa Nghi hương 2308 theo đúng kỹ thuật canh tác SRI. Trong quá trình triển khai, người dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón, kỹ thuật.

Các đại biểu thăm và kiểm tra mô hình canh tác lúa cải tiến SRI bản Huổi Hán, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ (Ảnh: Vương Trang)
Các đại biểu thăm và kiểm tra mô hình canh tác lúa cải tiến SRI bản Huổi Hán, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ (Ảnh: Vương Trang)

Tại buổi Hội thảo đầu bờ tổ chức tại Huổi Hán ngày 7/10, chúng tôi được mục sở thị cánh đồng lúa chín vàng, nặng trĩu bông. Bà Phạm Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch HND tỉnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Biến đổi khí hậu và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam tại Lai Châu giai đoạn 2014 – 2017 cho biết: “Để đánh giá được đúng hiệu quả của mô hình, các hộ tham gia đã trồng thêm diện tích lúa đối chứng trên cùng một diện tích và lượng giống, phân bón. Kết quả cho thấy, so với mô hình canh tác cũ, các ruộng lúa canh tác theo SRI năng suất bình quân tăng từ 2 – 4 tấn/ha, đồng thời tiết kiệm được lượng giống, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20 – 25% lượng phân bón, giảm được lượng nước tưới và công lao động. Vì vậy, thời gian tới mong các cấp, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ để người dân tiếp tục áp dụng cách canh tác SRI vào sản xuất để đạt hiệu quả cao”.

Ông Vàng Văn Thắng, đại diện các hộ tham gia mô hình SRI tại bản Huổi Hán chia sẻ: “Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI đem lại hiệu quả cao so với hình thức canh tác cũ, điều đó được minh chứng cụ thể qua năng suất lúa thu hoạch. Yêu cầu kỹ thuật của SRI cũng không khó nhưng người làm phải tuân đủ các nguyên tắc mà tập huấn viên Dự án đã hướng dẫn và thường xuyên thăm đồng để dọn cỏ, khơi thông rãnh thì cây lúa sẽ sinh trưởng tốt, đẻ nhánh hiệu quả gấp 2 – 3 lần so với phương thức cũ. Các vụ tiếp theo, chúng tôi sẽ áp dụng mô hình trên toàn bộ diện tích gieo cấy lúa của gia đình, đồng thời hướng dẫn cho bà con trong bản cùng làm theo để có một vụ mùa thật năng suất”.

Điều đáng chú ý là không chỉ hỗ trợ đơn thuần bà con về giống, phân bón, Dự án còn tiến hành lựa chọn và cử các tập huấn viên – vốn là những nông dân hoặc cán bộ Hội tâm huyết tại xã – đi đào tạo dài ngày tại Đại học Tây Bắc để họ về hướng dẫn bà con thực hành mô hình từ đầu tới cuối.

Chia sẻ về việc tập huấn cho bà con, anh Nguyễn Ngọc Trản, cán bộ Hội chữ thập đỏ xã Mường So, huyện Phong Thổ kiêm tập huấn viên tại bản cho biết: “Để các hộ nắm được kỹ thuật của SRI, tôi đã cùng xuống đồng cùng làm việc với bà con, hướng dẫn bà con cách làm đất, bón lót và gieo mạ theo đúng nguyên tắc: gieo cấy đúng thời điểm để điều hòa lượng nước, trước khi cấy rút cạn nước, chỉ giữ đủ độ ẩm chứ không để ruộng ngập nước lâu ngày; cấy mạ non, cấy thưa vuông mắt sàng, cấy một dảnh và nông tay, mật độ thưa tùy theo chất lượng đất trồng; bón phân thúc theo đúng khung thời vụ, thúc lần 1 từ 5 – 7 ngày sau cấy, thúc lần 2 từ 48 – 52 ngày sau cấy (tùy từng giống); làm cỏ sục bùn bằng tay, làm rãnh thoát nước và điều tiết nước hợp lý. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nhắc nhở người dân vệ sinh và theo dõi đồng áng để tránh trường hợp lúa bị dịch bệnh, chuột ăn lúa”.

Với những lợi ích mà mô hình đem lại cùng phương thức tập huấn, truyền đạt hiệu quả, hy vọng các vụ lúa tiếp theo, Lai Châu sẽ nhân rộng và áp dụng đại trà mô hình canh tác lúa cải tiến SRI nhằm vừa mang lại lợi ích kinh tế cho bà con, vừa góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Vương Trang

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia