KIẾN NGHỊ CỦA CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
GỬI ỦY HỘI SÔNG MÊ CÔNG QUỐC TẾ
V/v tham vấn quản lý, sử dụng nguồn nước dòng chính sông Mê Công
Luang Prabang, Ngày 22 tháng 02 năm 2017.
Trước thông tin Ủy hội Sông Mê Công Quốc tế tổ chức cuộc họp tham vấn cấp khu vực về việc xây dựng đập thủy điện Pak Beng tại CHDCND Lào và nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế về Phát triển và quản lý bền vững dòng sông Mê Công (Study on the Sustainable Development and Management of the Mekong River hay the Council Study – CS) tại Luang Prabang vào 22-23/2/2017, nhóm các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và các cá nhân quan tâm tới quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước có bản kiến nghị gửi tới Ủy ban Sông Mê Công Quốc tế. Nội dung bản kiến nghị như sau:
i. Là một báo cáo đa ngành nghiên cứu về tác động của phát triển tài nguyên nước, bao gồm phát triển thủy điện, thủy lợi, sử dụng đất, giao thông thủy lên con người, nền kinh tế và môi trường, CS là một trong những chỉ dẫn quan trọng cho việc quy hoạch và sử dụng nguồn nước bền vững lưu vực sông Mê Công. Tuy nhiên, hiện nay nghiên cứu CS mới chỉ đang ở giai đoạn tham vấn. Trong khi đó, chính Báo cáo Đánh giá tác động môi trường chiến lược của các thủy điện trên dòng chính sông Mê Công (SEA) của MRC (ICEM, 2010)[2] đã nhận định: các dự án thủy điện trên dòng chính thượng nguồn sông Mê Công “mang lại nhiều rủi ro nghiêm trọng và các yếu tố chưa chắc chắn đối với những vấn đề quan tâm có tính chiến lược về kinh tế, xã hội và môi trường đối với các nước lưu vực Mê Công và các cộng đồng, cũng như đối với phát triển bền vững toàn lưu vực”. Chính vì vậy, trước khi có các bằng chứng khoa học từ nghiên cứu quan trọng của MRC cùng những ghi nhận về tác động từ đập thủy điện Xayaburi và Don Sahong khi đưa vào vận hành, chính phủ Lào cần tham vấn thấu đáo việc nghiên cứu xây dựng thủy điện Pak Beng, đồng thời đưa ra các giải pháp giảm thiểu và phòng tránh các động tiêu cực do hai thủy điện Pak Beng và Xayaburi gây ra.
ii. Cách đánh giá tác động và quy trình thực hiện PNPCA theo từng dự án thủy điện riêng rẽ hiện nay cần phải xem xét lại vì chưa thể bao quát đầy đủ các tác động tổng thể, tích lũy của các dự án thủy điện trên dòng chính; trong khi chính SEA đã nhận định rằng những tác động lũy tích xuyên biên giới của các đập thủy điện trên dòng chính đối với đa dạng sinh học, thủy sản và nguồn sinh kế của người dân tại hạ nguồn sông Mê Công là không thể phục hồi. Do vậy, với bất cứ dự án nào triển khai trên dòng chính, tác động xuyên biên giới và tác động tích lũy cần được xem xét kỹ lưỡng.
iii. Quy trình PNPCA đối với hai dự án đập Xayaburi và Don Sahong đã kết thúc bất chấp các ý kiến quan ngại từ Việt Nam và Campuchia về tác động xuyên biên giới của hai dự án này. MRC cũng khép lại quá trình tham vấn mà không có bất cứ công bố chính thức nào về quyết định cuối cùng đối với cả hai dự án. Điều này cho thấy nếu tiếp tục thực hiện theo cách từng diễn ra, PNPCA không mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực nào. Do vậy, MRC cần phải đánh giá lại quy trình thực hiện PNPCA trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước trên dòng chính sông Mê Công cho việc phát triển thủy điện.
iv. Hiện nay các thông tin khái quát về dự án Pak Beng chỉ được công bố trên trang web của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế bằng tiếng Anh. Chúng tôi và công chúng nói chung chưa được tiếp cận thông tin về kế hoạch thực hiện tham vấn quốc gia đối với dự án này bằng tiếng Việt. Điều đó cho thấy việc công khai thông tin trong quá trình tham vấn quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế này cần được cải cách mạnh mẽ để thông qua truyền thông, công chúng, đặc biệt là các cộng đồng bị ảnh hưởng, có thể tiếp cận thông tin và có cơ hội đóng góp ý kiến và nguyện vọng của mình trong quá trình tham vấn.
Các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội của Việt Nam có tên dưới đây rất mong được chia sẻ thông tin từ các cơ quan hữu quan về quá trình tham vấn đối với dự án thủy điện Pak Beng, cũng như đối với nghiên cứu CS; và sẵn lòng hợp tác, tham gia hỗ trợ Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện tham vấn.
*Bản kiến nghị này được công bố tại cuộc họp tham vấn khu vực do Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức tại Luang Prabang (Lào) ngày 22-23/2/2017.
**Các tổ chức tham gia: Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (và các thành viên GreenID, WARECOD, CEWAREC, CSRD), LPSD, Trung tâm Con người và Thiên nhiên.