Theo KTS Hoàng Sừ, sau quyết định năm 2008 của UBND TP Đà Nẵng, diện tích bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng giảm 41%.
Sáng 28/4, tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet) và nhóm nghiên cứu-giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Sơn Trà đang bị tác động quá mức
Mở đầu hội thảo, TS Vũ Ngọc Long – Viện sinh thái học miền Nam ví Sơn Trà như tấm áo rừng khoác lên vai Đà Nẵng. Bên trái là rừng Hải Vân và bên phải là bán đảo Sơn Trà. Vì thế, nếu vai áo bị rách thì khó mà che chắn cho Đà Nẵng được.
Cũng theo TS. Long, từ năm 1977, Sơn Trà đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lập 10 khu rừng cấm của Việt Nam, trong đó có bán đảo Sơn Trà với diện tích 4.439ha vì nơi đây mang ý nghĩa đặc biệt về quân sự và môi trường.
Tuy nhiên, TS. Long rất tiếc vì vào cuối năm 2016, ¼ diện tích này đã quy hoạch là Khu du lịch quốc gia.
TS. Long cho rằng Sơn Trà không chỉ có rừng mà có sự liên hoàn hệ sinh thái với bờ biển, rạn san hô.
Theo TS. Long, hiện các tác động đến Sơn Trà đang ở mức độ quá mức, việc xây dựng các khu du lịch, khách sạn đã làm thay đổi hệ sinh thái.
“Chỉ chấp nhận cho xây dựng các công trình ven bờ sau khi có đánh giá cẩn thận, được thẩm định độc lập về báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng công khai” – TS. Long cho biết.
Ông Huỳnh Tấn Vinh – chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đặt ra câu chuyện là có nên đánh đổi Sơn Trà lấy du lịch.
“Tôi nghĩ là có đánh đổi nhưng giá phải trả và mức độ như thế nào, chứ không thể cấm làm du lịch” – ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, việc quy hoạch hình thành trung tâm du lịch sinh thái ở Sơn Trà đến năm 2030 có khoảng 1.600 phòng khách sạn. Trong khi hiện nay, Đà Nẵng đang có 22.000 phòng khách sạn tương đương với việc có thể đón 15 triệu khách. Tuy nhiên, lượng khách đến Đà Nẵng năm 2016 chỉ mới ở mức 5,5 triệu khách.
Ông Vinh cho rằng, nên định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Sơn Trà với nguồn quỹ bảo tồn lấy từ bán vé, thu phí khi đến Sơn Trà…
KTS. Hồ Duy Diệm cho rằng việc cho xây dựng công trình dưới cao độ 200m ở Sơn Trà là kẽ hở để lợi dụng xây dựng biệt thự, phục vụ lợi ích nhóm chứ không mang lại lợi ích cho số đông, cho Sơn Trà.
Sơn Trà mất 41% diện tích
Hội thảo nóng hơn khi KTS. Hoàng Sừ nói rằng: “Thật sự là Sơn Trà đang cần giải cứu trước sự xâm hại của con người”.
Theo ông Sừ, từ năm 1977, Thủ tướng có quyết định về rừng cấm Sơn Trà. Tiếp đó, năm 1992, Bộ Lâm nghiệp đổi tên thành Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với diện tích 4.439ha.
Hiện nay Đà Nẵng đã cấp phép cho 17 dự án với diện tích gần1.300ha trên Sơn Trà.
“Chúng tôi ngạc nhiên tại sao Đà Nẵng lại cấp phép cho dự án ở bán đảo Sơn Trà – rừng đặc dụng, chuyển đổi quyền sử dụng đất từ đất rừng đặc dụng sang đất khác phải là thẩm quyền của Thủ tướng” – ông Sừ nói.
Ông Sừ cũng cho rằng, theo Luật bảo vệ rừng năm 2004, việc chuyển đất rừng trong khu bảo tồn sang đất khác đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Vậy việc Đà Nẵng cấp phép đầu tư và giao đất rừng cho các doanh nghiệp tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thời gian này là không đúng thẩm quyền.
Ông Sừ còn dẫn ra văn bản của UBND TP Đà Nẵng năm 2008 về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn giai đoạn 2008-2020, chỉ ghi có một loại rừng duy nhất là rừng đặc dụng với diện tích 2.591,1 ha.
Cũng theo ông Sừ, với quyết định này đã cắt bỏ rừng Sơn Trà từ 4.439ha giảm mất hơn 1.840 ha (chiếm gần 41% tổng diện tích khu bảo tồn).
“Đây là một quyết định trái thẩm quyền vì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng sang loại khác là của Thủ tướng chứ không phải của UBND TP Đà Nẵng” – ông Sừ nói.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phượng – Trung tâm con người và thiên nhiên cho rằng đang có tình trạng loạn quy hoạch ở Sơn Trà.
Theo bà Phượng, từ quyết định đầu tiên của Chính phủ thì Sơn Trà có 4.439ha và sau đó với quyết định năm 2008 của UBND TP Đà Nẵng Sơn Trà chỉ còn 2.591,1ha.
Nguyên phó chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Bùi Công Dụng cũng cho rằng, quyết định số 6758 là một văn bản có thể nói đóng vai trò then chốt đưa đến việc cắt giảm diện tích rừng đặc dụng Sơn Trà.
Khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích cụ thể 4.439 ha với đủ các phân khu chức năng, thì với quyết định 6758, Sơn Trà bây giờ chỉ còn duy nhất một loại rừng là rừng đặc dụng với diện tích toàn bộ là 2.591,1 ha.
Trong quyết định này hoàn toàn không còn chứa đựng diện tích các phân khu phục hồi, phân khu đệm, phân khu hành chính.
“Quyết định 6758 đã bỏ ngoài sổ sách 1847,9 ha rừng, nói cách khác để mất gần 1.848 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã thừa nhận bằng văn bản là có diện tích 4.439 ha nhiều năm trước đây” – ông Dụng cho hay.
Đại diện Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Bộ NN&PTNT) cho rằng hoàn toàn có thể kiểm tra, rà soát lại tính pháp lý, các dự án đang triển khai tại Sơn Trà. Hiện liên ngành các bộ cũng sắp kiểm tra tại Sơn Trà.