Thông cáo của Liên minh cứu sông Mê Kông
Cần hoãn Quy trình Tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pak Beng cho đến khi hoàn thiện Nghiên cứu Hội đồng và đánh giá tác động trên toàn lưu vực
Liên minh cứu sông Mê Kông gồm các thành viên thuộc các quốc gia thuộc Lưu vực sông Mê Kông. Chúng tôi hoạt động dựa trên nhận thức rằng sông Mê Kông là tài sản chung, mang lại nguồn tài nguyên nuôi sống hàng triệu người dân Đông Nam Á và đóng góp một cách bền vững cho sự phồn thịnh về kinh tế và xã hội của khu vực. Liên minh cứu sông Mê Kông và các thành viên đã và đang giám sát quá trình ra quyết định đối với các đập trên dòng chính Hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm cả việc tham gia các cuộc họp Tham vấn trước cấp quốc gia và khu vực đối với dự án thủy điện Xayaburi và Don Sahong. Trải nghiệm từ các cuộc tham vấn khiến chúng tôi càng thêm lo ngại cho tương lai của con sông Mê Kông và người dân lưu vực.
Việc ra quyết định về hai dự án thủy điện Xayaburi và Don Sahong đã bộc lộ sự chia rẽ trong hợp tác khu vực giữa các quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông cũng như sự thất bại của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) trong việc đưa ra một cơ chế có ý nghĩa cho việc tham vấn với đầy đủ thông tin và có sự tham gia.
Quá trình thực hiện Tham vấn trước đối với đập thủy điện Xayaburi và Don Sahong cho thấy các văn bản dự án và nghiên cứu được đưa ra có nhiều điểm chưa thỏa đáng, đồng thời, thời gian cũng như quy mô tham vấn cộng đồng một cách có ý nghĩa bị hạn chế, đặc biệt là những cộng đồng bị ảnh hưởng[1]. Cả hai dự án đều không có được sự đồng thuận giữa các chính phủ Hạ nguồn Mê Kông. Tuy nhiên, các quyết định tiến tới xây dựng hai con đập vẫn được đưa ra, bất chấp các quốc gia láng giềng bày tỏ mối quan ngại về các tác động xuyên biên giới, đồng thời đề xuất có thêm nghiên cứu và thậm chí cả sự phản đối từ những cộng đồng địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ hai dự án. Đơn cử, đập thủy điện Xayaburi nay đã hoàn thiện hơn 70%, trong khi các văn bản hiệu chỉnh thiết kế của dự án vẫn chưa hề được công bố dù cho các Đối tác Phát triển MRC và công chúng đã nhiều lần yêu cầu. Điều này làm hạn chế công cụ giám sát độc lập đối với tính hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động.[2]
Cho đến nay, các tác động tích lũy và xuyên biên giới của các đập thủy điện trên Lưu vực sông Mê Kông hầu hết bị xem nhẹ trong quá trình ra quyết định, tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho việc xem xét các con đập mới. Quy trình Tham vấn trước đối với đập thủy điện Xayaburi đã coi nhẹ Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) của MRC, báo cáo đánh giá những rủi ro và lợi ích mà các dự án được lên kế hoạch trên dòng chính sông Mê Kông mang lại. Báo cáo SEA dự đoán tác động trên toàn lưu vực nếu các đập đề xuất được xây dựng, đồng thời khuyến nghị trì hoãn xây đập trên dòng chính sông Mê Kông trong vòng 10 năm để nghiên cứu thêm. Theo Giám đốc điều hành MRC, báo cáo SEA được thực hiện với mục tiêu “hỗ trợ quá trình tham vấn từng dự án thủy điện trên dòng chính […] trước khi đưa ra quyết định nên hay không nên triển khai hoặc nếu có thì với điều kiện gì.” [3]
Kết quả nghiên cứu và khuyến nghị trong báo cáo SEA đã bị bỏ qua trong quá trình ra quyết định đối với cả hai con đập Xayaburi và Don Sahong. Chúng tôi vô cùng quan ngại rằng quá trình ra quyết định đối với đập thủy điện Pak Beng – hiện đang trong quá trình Tham vấn trước – cũng sẽ đi vào vết xe đổ này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 3 năm 2011, các nhà lãnh đạo Mê Kông đã nhất trí rằng nghiên cứu về các hoạt động phát triển và quản lý dòng sông Mê Kông, trong đó bao gồm nghiên cứu về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính, là vô cùng quan trọng. Vì vậy, các thành viên cấp Hội đồng của MRC đã khởi động Nghiên cứu Hội đồng vào Tháng 12/2011. Theo MRC, Nghiên cứu Hội đồng hướng tới “thu hẹp những khoảng trống kiến thức quan trọng về tác động môi trường – kinh tế – xã hội của các hoạt động phát triển tài nguyên nước khác nhau, bao gồm phát triển thủy điện trên dòng chính, đối với lưu vực sông.”[4]
Nghiên cứu Hội đồng đã nhận được hỗ trợ tài chính đáng kể từ các nhà tài trợ quốc tế dành cho MRC. Sau nhiều lần trì hoãn, nghiên cứu dự kiến sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2017. Nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra tầm nhìn lưu vực đối với tác động của các lĩnh vực phát triển chính có sử dụng tài nguyên nước tại các khu vực quan trọng trên Lưu vực sông Mê Kông. [5] Đang ở giai đoạn cuối cùng, việc Nghiên cứu Hội đồng ưu tiên sự tham gia của các cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự Mê Kông thông qua các hoạt động tham vấn có ý nghĩa và kết quả được chia sẻ rộng rãi một cách kịp thời và minh bạch là vô cùng quan trọng. Việc hoàn thiện Nghiên cứu này sẽ mang lại một cơ hội quan trọng giúp cho các quốc gia Mê Kông đảm bảo việc ra quyết định với đầy đủ thông tin về phát triển thủy điện trên Lưu vực sông Mê Kông.
Quyết định về các dự án có tác động tới dòng sông cần được chia sẻ giữa tất cả các quốc gia và dựa trên các nghiên cứu cấp lưu vực. Khi đó, các nhà lãnh đạo Mê Kông, MRC và các nhà tài trợ có cơ hội tận dụng Nghiên cứu Hội đồng để đưa ra những quyết định chính xác và công bằng hơn trong việc phát triển thủy điện trên sông Mê Kông.
Chính vì vậy, chúng tôi kêu gọi các chính phủ Hạ nguồn sông Mê Kông:
- Hoãn việc ra quyết định đối với đập thủy điện Pak Beng và kéo dài Quy trình Tham vấn trước cho đến khi hoàn thành Nghiên cứu Hội đồng;
- Ưu tiên sự tham gia và tham vấn trong các khâu hoàn thiện Nghiên cứu Hội đồng; và
- Đảm bảo rằng kết quả nghiên cứu về các tác động tích lũy của các dự án thủy điện đã, đang và và trong kế hoạch xây dựng sẽ hỗ trợ thông tin cho quá trình ra quyết định đối với dự án thủy điện Pak Peng cũng như các dự án khác được đề xuất trong tương lai trên sông Mê Kông.
Liên minh cứu sông Mê Kông
Ngày 2 tháng 5 năm 2017
[1] Đối thoại về Bài học từ việc tiến hành Quy trình Thông Báo, Tham vấn trước và Đồng thuận (PNPCA)
[2] Không hề có thông tin nào về kết quả từ Quy trình Tham vấn trước đối với dự án Don Sahong được công bố. Hơn nữa, trong khi đập thủy điện Don Sahong đã bắt đầu xây dựng, vẫn còn rất ít thông tin được công khai về những nghiên cứu mới hoặc cập nhật về những nghiên cứu đã có, vốn được yêu cầu bởi các chính phủ láng giềng thông qua Quy trình Tham vấn trước.
[3] http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/results-of-strategic-environmental-assessment-of-hydropower-on-the-mekong-mainstream-released/
[4] http://www.mrcmekong.org/news-and-events/events/member-countries-agree-on-next-steps-for-council-study-on-sustainable-development-of-the-mekong-river-basin/
[5] http://www.mrcmekong.org/news-and-events/events/member-countries-agree-on-next-steps-for-council-study-on-sustainable-development-of-the-mekong-river-basin/
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là một trong những tổ chức thành viên của Liên minh cứu sông Mê Kông.