Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Thách thức an ninh nguồn nước Mê Kông và câu chuyện ở ĐBSCL – Việt Nam là chủ đề của Hội thảo do Đại sứ quán Thụy Điển, Đại học Cần Thơ, Diễn đàn Các nhà báo môi trường Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp tổ chức vào ngày 29/5, tại Cần Thơ .

Nguồn nước bị đe doạ nghiêm trọng

Sự kiện hạn mặn lịch sử năm 2016 mà hàng loạt khu vực ở Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và các tỉnh vùng ĐBSCL phải hứng chịu đã được nhiều chuyên gia và nhà khoa học kết luận là hệ quả tác động kép của El Nino và đập thủy điện Trung Quốc gây ra.

Trước bối cảnh các nước thượng nguồn sẽ tiếp tục xúc tiến xây đập, chuyển nước từ sông Mê Kông và diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, thì nguy cơ khan hiếm nguồn nước mặt và sụt giảm trữ lượng nước ngầm ở ĐBSCL ngày càng hiện hữu.

Ngay cả khi chuỗi các hồ chứa ở phía thượng nguồn xả lũ hàng năm thì nguồn nước ấy hầu như không còn lượng phù sa và dinh dưỡng đủ để bồi tụ và nuôi sống các hệ sinh thái ở vùng đồng bằng cuối nguồn này. Khi đó, theo nhiều chuyên gia, tương lai sụt lún và tan rã đồng bằng là khó tránh khỏi.

ĐBSCL nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông nơi dòng nước chia thành các nhánh lớn đổ vào biển Đông. Những năm gần đây, ĐBSCL ngày càng trở nên mong manh và dễ tổn thương trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu.

Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hàng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ mau chóng đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng cường diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn.

Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính sông Mê Kông những năm qua đã khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước ở châu thổ sông Mê Kông nói chung, ĐBSCL của Việt Nam nói riêng, trở nên bức bách.

Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết: “ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hệ thống đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông. Những dự án này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống nguồn nước vùng ĐBSCL, đặc biệt là vấn đề về môi trường nước và các hệ quả của hệ thống đập này. Chúng tôi – những người ở vùng hạ nguồn sông Mê Kông mong muốn chia sẻ những lo lắng về sự phát triển của hệ thống đập thủy điện tác động đến các nước thượng lưu, đặc biệt là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những lo lắng của cư dân vùng hạ nguồn sẽ được các cơ quan thông tấn báo chí vùng hạ nguồn sông Mê Kông truyền tải thông điệp đến các quốc gia vùng thượng nguồn”.

Một góc ĐBSCL

Sử dụng nguồn nước hiệu quả ổn định

PGS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Vùng ĐBSCL đang đối mặt với 6 thách thức, gồm: Thách thức biến đổi khí hậu; Gia tăng dân số và di dân; Khai thác tài nguyên quá mức; Suy giảm môi trường; Thay đổi sử dụng đất; Đe dọa của các đập thủy điện thượng nguồn và các dự án chuyển nước (ở Thái Lan, Lào và Campuchia)”.

Theo ông Tuấn, trong 6 thách thức đó thì biến đổi khí hậu có thể thích ứng được; Gia tăng dân số và di dân ngăn chặn được; Khai thác tài nguyên quá mức bằng cách nào đó có thể kiểm soát được; Thay đổi sử dụng đất có thể điều chỉnh được…

“Tuy nhiên, đối với vấn đề hình thành đập thủy điện thượng nguồn và các dự án chuyển nước gần như chúng ta không thể kiểm soát và không thể thích ứng được trong điều kiện hiện nay”, ông Tuấn nói.

Nói về an ninh nguồn nước, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: “Câu chuyện về vùng ĐBSCL, vấn đề sông Mê Kông, an ninh nguồn nước từ chỗ không được nhiều người quan tâm, nhưng những năm gần đây đã được thay đổi sâu sắc mạnh mẽ.

Những thông tin ở báo chí về vấn đề này đã được lãnh đạo Việt Nam và các nước trong lưu vực sông Mê Kông quan tâm và thảo luận bàn bạc rất kỹ, các bên đã bàn tính tới việc làm sao quản lý sử dụng nguồn nước sông Mê Kông cho hợp lý hơn”. 

Vùng sông nước đứng trước nỗi lo thiếu nước

Theo các chuyên gia, nguy cơ khan hiếm nguồn nước mặt, sụt giảm trữ lượng nước ngầm ở ĐBSCL ngày càng hiện hữu. Ngay cả khi chuỗi các hồ chứa ở phía thượng nguồn xả lũ hàng năm thì nguồn nước ấy hầu như không còn lượng phù sa và dinh dưỡng đủ để bồi tụ, nuôi sống các hệ sinh thái vùng đồng bằng cuối nguồn này.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: Để ứng phó với BĐKH ở vùng ĐBSCL cần phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước chung của 6 nước trong lưu vực sông Mê Kông với tinh thần hợp tác cùng phát triển.

Các Bộ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, cùng các nhà khoa học phải phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn.

Phải tiến hành rà soát lại quy hoạch tổng thể bằng cách tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên. Chú trọng vấn đề đổi mới thể chế và xác định cơ chế phối hợp; tập trung liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng.

Đối với vùng ĐBSCL, để đảm bảo nguồn nước phục vụ trồng trọt, sản xuất, sinh hoạt, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ khuyến cáo: “Cần tăng cường quan trắc, dự báo sớm tình hình hạn, mặn cho nhân dân biết để chủ động triển khai các giải pháp trữ nước ngọt phục vụ sản xuất”.

Cũng theo ông, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác cho nông dân để chuyển diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước canh tác sang trồng các loại cây khác ít tiêu thụ nước. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thời gian vừa qua là vì lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về vùng hạ lưu đạt thấp.

“Về lâu dài rất cần có sự tham gia điều phối, giám sát hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh nguồn nước giữa các quốc gia chung dòng Mê Kông. Đồng thời, các bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác quan trắc nắm rõ những biến động nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông giúp địa phương để đề ra kế hoạch phát triển sản xuất.

Bố trí quy hoạch lại đất đai, cây trồng mùa vụ cho phù hợp với điều kiện nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Liên kết các tỉnh, thành để điều tiết nước, bảo vệ chất lượng nguồn nước; xây dựng các hồ chứa nước ngọt để tích trữ, điều tiết nước trong mùa khô cũng như mùa mưa” – PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung nhấn mạnh.

Nguồn: Một Thế Giới

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia