Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

LTS: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng tới người dân” là chỉ đạo định hướng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều dự án kinh tế nhắm vào khai thác tài nguyên thiên nhiên khiến dư luận lo ngại. Làm sao sử dụng nguồn lực tự nhiên để phát triển mà môi trường cảnh quan được giữ gìn hiệu quả? Người Đô Thị cùng các chuyên gia phân tích thực trạng này ở các khía cạnh: pháp luật, môi trường, và chủ đầu tư các dự án gây nhiều tranh cãi – Tập đoàn Sun Group, cũng bày tỏ quan điểm…

Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà, do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, vừa được khởi công giữa tháng 5.2017. Tuy nhiên, dự án này ngay lập tức làm dấy lên trong dư luận “liệu có trái phép?”. Những nghi ngại về dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Sun Group ở Cát Bà không phải là duy nhất. Thời gian qua, nhiều dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khác được xây dựng tại Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Tam Đảo, Fansipan… cũng gặp tình trạng tương tự.

Nhiều bất cập

Nhiều chuyên gia và đại diện ban quản lý các khu rừng đặc dụng lo ngại, nếu các hoạt động phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng không được nghiên cứu đánh giá tác động (môi trường, văn hóa, hiệu quả kinh tế) và triển khai một cách khoa học, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn sẽ bị bê tông hóa, bị lấy đi không chỉ những cánh rừng mà cả những nền văn hóa truyền thống gắn vào đó. 

Voọc Cát Bà, một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh Neahga Leonard)

Theo Nghị định 117 về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, du lịch sinh thái là hoạt động được Nhà nước khuyến khích phát triển trong rừng đặc dụng (bao gồm vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên, loài/sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học). Theo đó, có ba hình thức tổ chức du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng: chủ rừng (ban quản lý khu bảo tồn, vườn quốc gia) tổ chức; liên doanh liên kết với các tổ chức cá nhân bên ngoài; và cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng xâm phạm đất rừng khi làm du lịch. Phân tích, ông Lê Xuân Ái – nguyên giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho rằng, một trong những lý do là đa số các rừng đặc dụng hiện nay không thực hiện Dự án quy hoạch du lịch sinh thái theo Thông tư 78 hướng dẫn Nghị định 117, để làm cơ sở duyệt dự án vào rừng. Dự án quy hoạch này sẽ dựa trên quy hoạch bảo tồn rừng đặc dụng theo từng phân khu, “vẽ” rõ địa điểm được xây dựng, được phát triển du lịch sinh thái, thiết kế các tuyến, chọn sản phẩm du lịch sinh thái…“Cho tới nay, Sơn Trà, Cù Lao Chàm đều chưa làm dự án quy hoạch này. Hiện chủ yếu người ta chỉ làm dự án đầu tư thôi”, ông Ái cho biết.

Theo quy định, mọi hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng đều có sự kiểm soát của chủ rừng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vai trò của ban quản lý khu bảo tồn, vườn quốc gia đã bị vô hiệu hóa. Câu chuyện Sơn Trà hiện nay là ví dụ điển hình, khi thành phố Đà Nẵng ra quyết định phê duyệt quy hoạch rừng ở Đà Nẵng, giảm diện tích khu bảo tồn chỉ còn hơn một nửa, và ban quản lý khu bảo tồn bị giải tán, rừng được giao về hạt kiểm lâm quản lý. Tuy nhiên, hạt kiểm lâm không có chức năng và khả năng làm nghiên cứu khoa học, phát triển dự án quy hoạch du lịch sinh thái. Năm 2014, Chính phủ quyết định làm chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, các tỉnh cần thực hiện quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng tới nay chỉ mới có một số tỉnh làm. Vì vậy khi dự án vào thì tỉnh không đủ cơ sở để quyết định.

Cả nước hiện nay có 164 vườn quốc gia và khu bảo tồn, với tổng diện tích được quy hoạch là 2,2 triệu ha. Trong đó, có 6 vườn quốc gia liên tỉnh gồm Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Đôn và Cát Tiên thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); còn lại đã phân cấp cho các tỉnh. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, việc phân cấp quản lý cấp tỉnh hiện nay khá “lộn xộn”, chủ yếu do sở NN&PTNT quản lý, hoặc chi cục kiểm lâm quản lý, thậm chí nhiều nơi giao cho UBND huyện, một số khu còn giao cho sở văn hóa, thể thao và du lịch.

Nghị định 117 quy định sở NN&PTNT lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các khu rừng đặc dụng đó hoặc có quyền điều chỉnh, chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng này. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trên quan điểm bảo tồn và phát triển, sở NN&PTNT lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh là rất khó, bởi việc này cần kiến thức sâu về bảo tồn, khác với quy hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, việc UBND tỉnh được phê duyệt, điều chỉnh, chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch rừng đặc dụng của cả nước, bởi quan điểm bảo tồn chưa được chú trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Những bất cập này cũng là một khe hở dẫn đến “tư nhân hóa” đất công, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất rừng thành các dự án bất động sản.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, phải có cơ chế, chính sách quản lý rõ ràng đối với các vườn quốc gia, nên tập trung vào một đơn vị quản lý trực tiếp đó là Tổng cục Lâm nghiệp. Tổng cục sẽ chỉ đạo việc lập quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên cả nước, và trình Bộ NN&PTNT phê duyệt. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng phải được Thủ tướng quyết định.

Mở rộng hành lang bảo tồn đa dạng sinh học

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự kiến sẽ sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng để phù hợp với giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là trong giai đoạn biến đổi khí hậu. Theo đó, tư nhân làm du lịch sinh thái trong rừng, kể cả rừng đặc dụng bằng các hình thức thuê rừng, liên doanh với chủ rừng lâu nay cũng cần có những “hiệu chỉnh” pháp lý phù hợp hơn, nhằm quản lý được vốn rừng nhà nước.

Một số hình ảnh Sơn Trà (Đà Nẵng) bị xới tung để xây khu nghỉ dưỡng (Ảnh: Vnexpress)

TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết, với mức đóng góp của rừng vào GDP chỉ 1,7- 2,5% như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng còn thấp, vì vậy cần tăng sự đóng góp này lên. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, hiện nay cuộc sống của con người bị đe dọa, thì rừng có nhiệm vụ cao nhất là góp phần đảm bảo môi trường phát triển cho xã hội, cuộc sống yên lành của con người, và bảo tồn đa dạng sinh học. Do đó, chức năng chính của mọi loại rừng, kể cả rừng trồng là phòng hộ, bảo vệ môi trường, trong đó vai trò mỗi loại rừng sẽ khác nhau rất nhiều.

Ví dụ rừng tự nhiên có thể có 400-500 loài cây gỗ, rừng trồng chỉ có một, hai loài nên mức đa dạng sinh học rất kém. Rừng tự nhiên chủ yếu đóng góp cho an toàn về môi trường, tránh xói mòn đất, giảm lũ lụt, gió bão, cháy rừng, sâu bệnh, đảm bảo nguồn nước ngầm… Rừng trồng cung cấp gỗ với năng suất cao hơn, song luôn phải tốn kém chi phí, còn rừng tự nhiên được chọn lọc phù hợp với ngoại cảnh. Vậy vấn đề là quy hoạch ra sao để đáp ứng tối ưu theo thời gian (giai đoạn phát triển) và không gian (từng lập địa).

Trao đổi, nhiều chuyên gia ngành bảo tồn đã thẳng thắn cho rằng, thực tế công tác rà soát, chỉnh lý diện tích đất rừng hiện nay chủ yếu đang có hướng cắt giảm diện tích rừng đặc dụng, “vì bảo vệ rừng năm, bảy năm thì không đưa lại lợi kinh tế gì, nhưng chặt rừng để trồng rừng thì đem lại lợi nhiều lắm”. Tuy nhiên với thực tế môi trường sống ở Việt Nam đang bị suy giảm nhanh chóng, thì cần làm thế nào bảo tồn cho được đa dạng sinh học. Một trong những biện pháp hữu hiệu là không giảm diện tích rừng tự nhiên còn lại để làm du lịch hoặc việc khác nữa. Việc phục hồi rừng đã chặt, còn cây lưa thưa là hiệu quả hơn so với trồng rừng mới.

Cũng theo TS. Nguyễn Cử, chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên, để tăng được diện tích rừng thì cần mở rộng các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, có thể bao gồm cả rừng bảo vệ đầu nguồn, vùng đệm, rừng sản xuất, thậm chí tùy đặc điểm từng nơi mà có cả làng bản xen kẽ. “Với hiện trạng các khu bảo tồn nhỏ và phân tán, khuynh hướng chung nên là mở rộng diện tích chung bằng cách nối lại thành hành lang bảo tồn đa dạng sinh học”, TS. Cử nói.

(Còn tiếp)


Trao đổi với Người Đô Thị, đại diện Vụ Bảo tồn thiên nhiên (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, hiện Vụ đang tiến hành thanh tra, rà soát lại cách thức tổ chức du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng trên cả nước. Việc này nhằm tham mưu xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ và phát triển rừng (dự kiến sửa đổi), trong đó có du lịch sinh thái; đồng thời đánh giá lại việc triển khai Nghị định 117, Nghị định 23 về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Theo Vụ, nếu có cơ chế tốt để phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng thì sẽ tạo ra nguồn thu lớn, hướng tới đảm bảo cơ chế tài chính bền vững, sẽ thay thế nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng hàng năm hiện nay, trước mắt là rừng đặc dụng.


Nguồn: Người đô thị

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia