Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Diễn đàn Xã hội dân sự về Lâm nghiệp xã hội khu vực ASEAN được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012. Diễn đàn có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự (CSO), các tổ chức cộng đồng, các mạng lưới công tác về dân tộc bản địa, các tổ chức thành viên liên quan tại khu vực ASEAN hiện đã và đang thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và các chương trình hộ hỗ trợ kỹ thuật về lâm nghiệp, sinh kế và tiếp thị lâm sản ngoài gỗ, quyền sở hữu, quyền tiếp cận tài nguyên rừng và các hệ thống kiến thức bản địa truyền thống tài nguyên thiên nhiên cũng như một số dự án mới liên quan tới REDD+. Đây là diễn đàn để chọn lọc, thống nhất và truyền tải các thông điệp quan trọng từ các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng tới chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN thông qua Nhóm làm việc về Lâm nghiệp xã hội (AWGSF).

Hội nghị thường niên lần thứ 6 của Diễn đàn Xã hội dân sự về Lâm nghiệp Xã hội ASEAN diễn ra với sự tham dự của hơn 60 đại biểu đại diện cho hơn 40 tổ chức đến từ 8 quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, sau khi thống nhất về tầm nhìn mới và các mục tiêu hợp tác về lâm nghiêp khu vực ASEAN đến năm 2020 tại Hội nghị thường niên và Đối thoại chính sách lần thứ 10 tại Palawan, Philippines năm 2016, chúng tôi rất hân hạnh được chia sẻ và cập nhật những nội dung hoạt động mới nhất với các bạn.

Một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, lâm nghiệp xã hội góp phần đáng kể cho các mục tiêu toàn cầu về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, đây cũng là  một trong những cơ chế được thừa nhận là đem lại hiệu quả cho công tác quản lý rừng bền vững. Dân tộc bản địa và các cộng đồng địa phương cũng đã và đang triển khai một số sáng kiến nhằm khôi phục các cảnh quan rừng. Báo cáo của RECOFTC về tình hình lâm nghiệp xã hội khu vực ASEAN đã ghi nhận, có khoảng 10 triệu ha rừng đã được giao cho các cộng đồng vào năm 2016, tương đương khoảng 50% mục tiêu lâm nghiệp xã hội của các nước ASEAN năm này.

Mục tiêu của các quốc gia cụ thể như Indonesia, cũng cho thấy những tín hiệu khả quan trong việc gia tăng cam kết về lâm nghiệp xã hội từ phía chính phủ. Kết quả này càng khẳng định niềm tin rằng các nhóm dân tộc bản địa và cộng đồng địa phương sẽ là những người quản lý rừng thiết yếu đối với rừng tại khu vực ASEAN. Chúng tôi hy vọng rằng tiến trình lâm nghiệp xã hội tại các quốc gia ASEAN khác cũng có thể đạt được hiệu quả như vậy.

Uỷ ban Hơp tác Doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực ASEAN (ACCMSME) cũng bắt đầu tham gia vào một số các hoạt động, sự kiện tiếp thị, quảng bá sản phẩm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng trong khu vực. Mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội dân sự và chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN thông qua hỗ trợ của chương trình Hợp tác ASEAN – Thụy Sĩ về Lâm nghiệp Xã hội và Biến đổi Khí hậu (ASFCC) cũng đã có những cải thiện và đóng góp quan trọng trong năm qua.

Những kết quả quan trọng ở cấp quốc gia và địa phương:

Tại Philippines, Cục Quản lý Rừng cùng với các bên liên quan đang thúc đẩy thành lập Nhóm Công tác Lâm nghiệp Xã hội và Biến đổi khí hậu và đã bắt đầu phối hợp với Ủy ban Biến đổi khí hậu để kết nối lâm nghiệp xã hội với mục tiêu Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris. Quá trình này cũng mở ra những cơ hội cho việc xây dựng các chính sách đối với các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Cơ chế Tự do, Báo trước, được cung cấp thông tin và Đồng thuận (FPIC) cũng được tăng cường thông qua việc áp dụng FPIC trong quá trình xây dựng kế hoạch sử dụng đất, các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học với sự sẵn sàng tham gia REDD+ tại các cấp địa phương . Đặc biệt, các đối tác phát triển cũng yêu cầu chứng nhận tuân thủ FPIC là điều kiện tiên quyết cho tất cả các dự án tại Philippines. Ban Quản lý Khu Bảo tồn tỉnh Palawan cũng đã công nhận kế hoạch bảo tồn và sử dụng đất của cộng đồng dân tộc bản địa trong ranh giới khu bảo tồn.

Tại Campuchia, FPIC đã được đưa vào dự thảo Luật Đánh giá Tác động Môi trường. Tín chỉ carbon từ một số dự án REDD+ đã được bán và đem lại lợi nhuận. Hầu hết các khoản thu được dùng để hỗ trợ hoạt động bảo vệ rừng và phát triển cộng đồng thông qua cơ chế chia sẻ lợi ích thống nhất. Quốc vương Campuchia cũng phê chuẩn chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia và khẳng định tính cấp thiết của một Chiến lược chung giữa các quốc gia khu vực ASEAN về mất rừng và lâm sản ngoài gỗ.

Tại Indonesia, lâm nghiệp xã hội là một phần của Cam kết Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của nước này khi tham gia vào Thỏa thuận Paris. Bộ Môi trường và Lâm nghiệp (MoEF) Indonesia đã ban hành quy định số 83 năm 2016 chính thức hợp pháp hóa lâm nghiệp cộng đồng. Quy định này là một bước tiến vượt bậc đẩy nhanh quá trình mở rộng lâm nghiệp xã hội tại Indonesia, với mục tiêu 12,7 triệu ha. Chính phủ Indonesia do đó cũng đã có ý kiến thêm trong quá trình sửa đổi các quy định và chính sách lâm nghiệp xã hội tương ứng ở cấp tỉnh. 9 cộng đồng bản địa ở Indonesia đã cấp được chứng nhận để quản lý rừng theo phong tục truyền thống của họ.

Tại Lào, những nỗ lực vận động ban đầu nhằm đưa quyền sở hữu tập thể/hợp tác xã vào dự thảo sửa đổi của luật đất đai đang được thực hiện. Về quản lý rừng, Chính phủ Lào quan tâm đến quá trình đàm phán đối tác tự nguyện trong FLEGT (VPA)

Tại Malaysia, đang diễn ra tiến trình xây dựng chính sách hợp nhất 10 năm cho 3 bang Sabah, Saraak và Peninsular Malaysia trong khuôn khổ quốc gia về lâm nghiệp xã hội với sự tham vấn của các cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Tại Sabah, Nhóm Công tác Lâm nghiệp Xã hội Sabah đã được thành lập với sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có phòng quản lý lâm nghiệp, các tổ chức người dân bản địa và các tổ chức xã hội dân sự.

Tại Myanmar, FPIC được đưa vào Hướng dẫn các bên tham gia Đánh giá tác động môi trường quốc gia và Khung chính sách môi trường; Hiện vẫn đang tiếp tục xây dựng và rà soát lại chính sách sử dụng đất và luật lâm nghiệp quốc gia.

Thái Lan, chính phủ đặt mục tiêu tăng độ che phủ rừng trong cả nước lên 40% trong vòng 10 năm giai đoạn từ năm 2014-2023. Một kế hoạch đồng quản lý về quản lý tài nguyên thiên nhiên đang được tiến hành và cần được thúc đẩy.

Việt Nam, các điều khoản về Dân tộc Thiểu số và Nhóm Dân tộc thiểu số lần đầu tiên xuất hiện trong Kế hoạch Hành động quốc gia về REDD + đến năm 2030 (Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ). Các vấn đề khác, như bảo vệ môi trường – xã hội, bình đẳng giới, sự tham gia đầy đủ và có hiệu quả của các nhóm dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương cũng đã được đề cập trong Điều 1 – Quan điểm của Chính phủ trong tài liệu này.

Với tinh thần tiếp tục đối thoại và cam kết để cải thiện những rào cản thực hiện lâm nghiệp xã hội, dưới đây là những khía cạnh quan trọng mà ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN cần tiếp tục xem xét:

Vẫn còn thiếu vắng hoặc ít công nhận về quyền sở hữu của người bản địa và cộng đồng địa phương tại các khu vực bảo tồn hay lãnh thổ truyền thống, cũng như các kiến thức truyền thống liên quan của họ. Hậu quả là, các cộng đồng phụ thuộc vào rừng trở nên dễ bị tổn thương hơn từ những xung đột dưới sức ép của các dự án phát triển, từ phía chính phủ cũng như khối tư nhân.

Hoạt động hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan chính phủ đang thực hiện và cung cấp các hỗ trợ cho hoạt động lâm nghiệp xã hội vẫn còn yếu và không rõ ràng ở hầu hết các quốc gia.

Mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động canh tác nương rẫy trong một số điều kiện nhất định là thực hành quản lý đất lâm nghiệp bền vững, nhưng hiện hoạt động này vẫn chưa được công nhận chính thức ở hầu hết các quốc gia.

Việc áp dụng FPIC và nâng cao vai trò của các cộng đồng địa phương trong các chính sách khác nhau sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện; và năng lực của chính phủ và các bên liên quan khác còn hạn chế trong việc áp dụng các chính sách này. Ở một số quốc gia, nhiều biện pháp bảo vệ hiệu quả ở cấp địa phương nhưng không được kết nối và hỗ trợ ở cấp quốc gia.

Khuyến nghị

Theo Hiệp định hợp tác Lâm nghiệp ASEAN, Các Tiêu chí Hoạt động chính về thực phẩm Nông lâm nghiệp, Chiến lược hành động của AWGSF cũng như các Mục tiêu và tầm nhìn của Diễn đàn CSO về Lâm nghiệp xã hội, Các Chiến lược và Cơ chế được thông qua tại Puerto Princesa, Philippien năm 2016, Diễn đàn CSO muốn nhắc lại những vấn đề chúng tôi nhận thấy cần phải cân nhắc trong bối cảnh phục hồi cảnh quan rừng ASEAN theo 4 chủ đề chính:

Đối với quyền sở hữu và quyền tiếp cận rừng

  • Hỗ trợ thiết lập các khu vực đồng quản lý, khu vực và vùng lãnh thổ đã được người dân bản địa và cộng đồng địa phương bảo vệ theo truyền thống và thừa nhận các cơ chế quản lý và quản trị đã được kiểm chứng khác trong bảo tồn các cảnh quan rừng;
  • Thiết lập và củng cố một nền tảng trong ASEAN/AWG-SF về đối thoại thường xuyên các vấn đề về quyền và tiếp cận của người dân bản địa và cộng đồng địa phương đối với rừng và tài nguyên rừng;
  • Đảm bảo quyền và tiếp cận của người dân bản địa và cộng đồng địa phương với rừng, tài nguyên rừng và các khu vực đất canh tác của họ, bao gồm cả các khu vực du canh đã được thừa nhận;
  • Thực hiện giám sát chặt chẽ các hoạt động đầu tư phát triển để đảm bảo tất cả các hoạt động này đều tôn trọng luật pháp hiện hành; Và
  • Cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho người bản địa, cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp xuất lâm nghiệp thông qua hoạt động của Quỹ Ủy thác Lâm nghiệp Xã hội ASEAN.

Về biện pháp bảo vệ

  • Đảm bảo mọi sáng kiến, kế hoạch và chương trình phục hồi, quản lý và khôi phục cảnh quan rừng đều có thể bảo đảm an toàn cho người bản địa theo Tuyên bố của LHQ về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) như một tiêu chuẩn đảm bảo an toàn tối thiểu. Các quốc gia thành viên ASEAN cần tiếp tục xây dựng các Hướng dẫn quốc gia về FPIC với sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người bản địa.
  • Lồng ghép và thực hiện các nội dung Hướng dẫn tự nguyện của LHQ về quản trị các quyền sở hữu (VGGT) và các biện pháp đảm bảo an toàn REDD + Cancun trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia.
  • Đảm bảo an toàn cho cộng đồng, các CSO và những nhà vận động chính sách;
  • Đảm bảo cơ chế giải đáp thắc mắc và giải quyết khiếu nại dễ tiếp cận và có hiệu quả tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Về cơ chế quản trị

  • Luật pháp phải tạo ra và/hoặc thực thi một cách minh bạch để đảm bảo quyền sử dụng đất, tiếp cận tài nguyên, công nhận kiến thức truyền thống và việc tự quản lý của người dân địa phương.
  • Bảo đảm các quy trình thừa nhận quyền sử dụng đất của cộng đồng nhanh, hợp lý và hiệu quả hơn.

Về kinh tế và sinh kế cộng đồng

  • Cung cấp các hỗ trợ trong việc xây dựng và cải thiện môi trường chính sách và các cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng, bao gồm miễn thuế không giới hạn đối cho hoạt động thương mại lâm sản ngoài gỗ của người dân bản địa và cộng đồng địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu sản phẩm cấp quốc gia và khu vực để nâng cao giá trị và tăng cường khả năng thương lượng và đạt được hiệu quả kinh tế .

Chúng tôi khẳng định và quả quyết rằng các thành viên của Diễn đàn CSO sẽ tiếp tục đổi mới và mở rộng hợp tác ​​với các chính phủ và các bên liên quan để thúc đẩy lâm nghiệp xã hội như là một cơ chế và chất xúc tác hiệu quả nhằm giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu cũng như góp phần đạt được mục tiêu phục hồi cảnh quan rừng khu vực ASEAN.

Tham khảo bản tiếng Anh của Tuyên bố tại đây >>>


Hội nghị lần thứ 7 nhóm làm việc về Lâm nghiệp xã hội khu vực ASEAN với chủ đề “Phục hồi cảnh quan rừng bằng lâm nghiệp xã hội: Hỗ trợ hợp tác và đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững” – Diễn ra từ 12-16 tháng 6 năm 2017  tại Chiang Mai, Thái Lan.  Nhằm chuẩn bị cho sự tham gia của xã hội dân sự tại sự kiện này, Diễn đàn xã hội dân sự lần thứ 6 về Lâm nghiệp Xã hội khu vực ASEAN cũng được tổ chức ngày 9-10 tháng 6 cũng tại Chiang Mai, Thái Lan. PanNature cùng với FORLAND và CSDM là ba đại diên Việt Nam tham dự Diễn đàn. Th.S Nguyễn Hải Vân, Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách của PanNature đã có bài trình bày về việc thúc đẩy sự công nhận chính thức đối với các khu bảo tồn do cộng đồng và người bản địa quản lý (ICCA) tại Việt Nam; đồng thời cùng NTFP-EP đồng chủ trì nhóm thảo luận về nội dung biện pháp đảm bảo an toàn trong lâm nghiệp xã hội.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Bà Nguyễn Hải Vân, PanNature, trình bày tại Hội nghị
Thảo luận bàn tròn về các biện pháp bảo vệ
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia