Từ tháng 6/2017, nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học tại hai Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò và Xuân Nha, từ đó tạo nguồn dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã bắt đầu triển khai Chương trình hỗ trợ nghiên cứu tại hiện trường dành cho các sinh viên năm cuối, học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Các chủ đề nghiên cứu bao gồm đa dạng sinh học, các biện pháp lâm sinh, quản lý và sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ, các mô hình quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, sinh kế bền vững…
Trong đợt hỗ trợ đầu tiên, 03 sinh viên từ các trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Freiburg (Đức) và 04 sinh viên thuộc Đại học Tây Bắc đã được các cán bộ hiện trường hỗ trợ thực hiện 06 đề tài nghiên cứu. Tại đây, các bạn sinh viên được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chủ đề nghiên cứu, được định hướng chuyên môn từ các cán bộ PanNature, cũng như hỗ trợ các công tác hậu cần như liên hệ phỏng vấn điều tra, phương tiện đi lại và một phần chi phí sinh hoạt.
Các đề tài nghiên cứu đã được thực hiện bởi các thực tập sinh:
Họ và tên |
Đề tài Nghiên cứu |
Sinh viên Cao Danh Toàn Khoa Quản lý Tài nguyên Rừng và Môi trường |
“So sánh đặc tính cơ bản của cấu trúc rừng giữa vùng lõi và vùng đệm và đề xuất loài thực vật bản địa trồng phục hồi vùng đệm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha” Nghiên cứu hướng tới phân loại rừng tự nhiên ở hai khu vực vùng đệm và vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, phân tích cấu trúc của tầng cây trên tán, cấu trúc của cây tái sinh, tính chỉ số đa dạng loài cây, từ đó đề xuất một số loài cây bản địa có khả năng phát triển tốt để trồng phục hồi rừng tại khu vực vùng đệm. |
Sinh viên Đào Công Anh Chương trình quản lý tài nguyên thiên nghiên (Liên kết với Đại học Colorado, Hoa Kỳ) |
“Đa dạng cây gỗ bản địa ở đai cao 100-300m tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha” Nghiên cứu nhằm liệt kê danh sách các loài cây gỗ ở đai cao 100 – 300m tại khu vực nghiên cứu, phân loại các loài nguy cấp có tên trong IUCN 2007, Sách Đỏ VN 2007, Nghị định 32. Từ đó, nghiên cứu đưa ra kết luận về đặc điểm phân bố các loài cây gỗ theo đai cao. |
Sinh viên Nguyễn Phương Anh Chương trình Thạc sĩ Khoa học Quản trị Môi trường |
“Kiến thức Sinh thái Truyền thống trong Quản lý Rừng Cộng đồng tại Vân Hồ, Sơn La, Việt Nam” Nghiên cứu nhằm phân tích cấu trúc và đặc điểm của kiến thức sinh thái truyền thống về tài nguyên rừng và quản lý rừng của cộng đồng dân cư tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, xác định những kiến thức truyền thống đã được người dân áp dụng vào việc lên kế hoạch quản lý rừng khi tham gia quản lý rừng cộng đồng, đồng thời đánh giá hiệu quả và mức độ phù hợp của kiến thức truyền thống của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý rừng. |
Sinh viên Nguyễn Thái Anh Khoa Nông Lâm |
“Tìm hiểu kiến thức bản địa của cộng đồng người dân tộc trong sử dụng các loài cây lâm sản ngoài gỗ tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La” Nghiên cứu điều tra, mô tả hình thái, phân bố, thu thập mẫu, định danh một số loài cây thuốc trong các bài thuốc, tiêu chí lựa chọn các loài cây thuốc cây rau rừng có giá trị, các kiến thức bản địa của cộng đồng dân tộc tại xã về kinh nghiệm sử dụng các bài thuốc, cây thuốc và các loài cây làm rau ăn, từ đó đề xuất bảo tồn và các giải pháp phát triển cây lâm sản ngoài gỗ tại địa phương. |
Sinh viên Nguyễn Mạnh Tân Khoa Nông Lâm |
“Nghiên cứu đặc điểm sinh thái của Dẻ tùng sọc trắng tại hành lang Hòa Bình – Sơn La” |
Sinh viên Lù Văn Thoảng Khoa Nông Lâm |
“Nghiên cứu khu vực phân bố của Dẻ tùng sọc trắng tại hành lang Hòa Bình – Sơn La” |
Một số kết quả tiêu biểu bao gồm ghi nhận 2 quần thể Dẻ tùng sọc trắng với số lượng lớn trên 30 cá thể trong phạm vi 1ha tại KBT Hang Kia – Pà Cò; ghi nhận được loài Sa Mộc Dầu (Ngọc Am) Tại Bản Nà An, Xuân Nha; ghi nhận từ người dân sự xuất hiện của 04 cá thể khỉ (03 vàng, 01 đen) tại bản Pa Cốp xã Vân Hồ; hoàn thành 01 bộ tiêu bản các loài cây gỗ tại KBTTN Xuân Nha (40 loài). Bên cạnh đó, các em sinh viên còn xây dựng được 01 vườn ươm 60m2 với 01 nhà kính 20m2 và 03 luống bầu, tiến hành giâm hom được 150 hom dẻ tùng sọc trắng, 60 hom thông đỏ, 85 hom bách xanh núi đá, nhân giống và chuyển ra bầu được 20 cây thông nàng, 12 cây thông Xuân Nha.
Cơ sở hiện trường của PanNature đóng tại địa bàn gần trung tâm huyện Vân Hồ, có đầy đủ hệ thống máy tính, Internet, phương tiện đi lại, điều kiện sinh hoạt và ăn ở cho từ 6-8 người. Khu vực văn phòng hiện trường gần với Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, Khu bảo tồn Hang Kia – Pà Cò, các khu vực rừng cộng đồng thuộc các xã trên địa bàn huyện Vân Hồ. Để tiếp nối thành công đợt 1, PanNature tiếp tục triển khai đợt 2 trong thời gian từ 10/2017 tới tháng 12/2017. Chi tiết xem tại đây.