Sau hơn 6 năm, Chính phủ Việt Nam và Liên Minh Châu Âu đã chính thức công bố hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định đối tác tự nguyện FLEGT VPA được ký kết và thực thi, mở ra cơ hội nâng cao giá trị và tính bền vững của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cho các nước sản xuất vào thị trường Châu Âu, thông qua một hệ thống cấp phép đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm của gỗ trong tất cả mọi khâu từ trồng, khai thác, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, với những yêu cầu đặt ra trong việc tuân thủ hiệp định sẽ giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện được hệ thống thể chế và pháp luật cũng như nâng cao về tính minh bạch, giải trình và tăng cường sự tham gia của nhiều bên trong việc ra quyết định và thực thi các chính sách lâm nghiệp.
Cũng trong thời gian này, nhiều văn bản chính sách về lâm nghiệp cũng đã và đang được xây dựng và ban hành, đáp ứng cho yêu cầu và mục tiêu về quản trị rừng trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế, ứng phó với biến đổi, phát triển kinh tế, giảm nghèo và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học. Trong số đó, đáng chú ý có: Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; dự thảo Hướng dẫn Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 đang được lấy ý kiến rộng rãi; và dự thảo lần thư 6 Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi cũng đang được lấy ý kiến và dự kiến sẽ được trình, thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ Tư Quốc Hội khoá XIV vào tháng 10 năm 2017. Khi các chính sách có hiệu lực và được thực thi sẽ tác động tới nhiều đối tượng, bao gồm các cơ quan Chính Phủ (như: kiểm lâm, hải quan, thuế, quản lý thị trường…), các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản và cộng đồng dân cư.
Ở Việt Nam, có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình và trên 10 ngàn cộng đồng đang được giao quản lý và khai thác khoảng trên 4 triệu héc-ta rừng, chiếm trên 28% diện tích rừng của cả nước (BNN&PTNT, 2017). Hàng năm, cùng với các đơn vị là chủ rừng của nhà nước (các công ty Lâm nghiệp), hoạt động rừng trồng cung cấp ra cho thị trường gần 10 triệu mét khối gỗ quy tròn (Phúc và cộng sự, 2014), mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia và giúp cải thiện đời sống kinh tế cho hàng triệu hộ gia đình sống gần rừng. Mặc dù vậy, tình hình trồng và kinh doanh rừng của cộng đồng và hộ gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm cung cấp ra thị trường chủ yếu là dùng làm nguyên liệu dăm, bột giấy, hoặc sản xuất ván ép có giá trị không cao. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là sản xuất của cộng đồng và hộ gia đình thường nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường về sản xuất đồ gỗ từ gỗ rừng trồng của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Một trong những biện pháp cần được tăng cường và thúc đẩy đó là thiết lập và tăng cường sự liên kết giữa những người trồng rừng, đặc biệt là cộng đồng, hộ gia đình tham gia trồng rừng với các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến gỗ trong nước một cách chặt chẽ. Ngoài ra, việc tạo điều kiện và hỗ trợ họ có đủ năng lực tham gia một cách thật sự có hiệu quả vào các tiến trình xây dựng, thực thi và giám sát chính sách, pháp luật có liên quan đến ngành lâm nghiệp cũng là cần thiết để đảm bảo những nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của cộng đồng và hộ gia đình được tính đến và được bảo vệ.
Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Hỗ trợ tiến trình đàm phán và thực thi VPA FLEGT”, do Uỷ ban Châu Âu (EC) và Quỹ Môi trường Thuỵ Điển (SIDA) tài trợ thông qua WWF-Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức “Diễn đàn cộng đồng tham gia vào quản trị rừng: Cơ hội và thách thức” nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức chung của cộng đồng đối với những cơ hội và thách thức tham gia trong quản trị rừng trong bối cảnh VPA thông qua việc tạo điều kiện cho bên (gồm cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương) chia sẻ mối quan tâm và khả năng hợp tác với nhau trong lĩnh vực trồng, chế biến, kinh doanh và quản lý rừng và lâm sản.
Diễn đàn diễn tra trong hai ngày 16 và 17 tháng 10 với sự tham dự của đại diện WWF – Việt Nam, PanNature, Hội Chủ rừng Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam; Chi cục kiểm lâm 7 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai); Hạt kiểm lâm các huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Tuyên Hóa (Quảng Bình), Triệu Phong (Quảng Trị), Đại Lộc (Quảng Nam), Đắk Tô (Kon Tum) và Mang Yang (Gia Lai); đại diện chính quyền địa phương 7 xã dự án: Lộc Yên (Hương Khê – Hà Tĩnh), Cao Quảng (Tuyên Hóa – Quảng Bình), Triệu Ái (Triệu Phong – Quảng Trị), Hương Phú (Nam Đông – Thừa Thiên Huế), Đại Nghĩa (Đại Lộc – Quảng Nam), Văn Lem (Đắk Tô – Kon Tum) và AYun (Mang Yang – Gia Lai); thành viên Ban lâm nghiệp cộng đồng 7 xã (mỗi Ban 2 đại biểu): xã Lộc Yên, xã Cao Quảng, xã Triệu Ái, xã Hương Phú, xã Đại Nghĩa, xã Văn Lem và xã AYun và thúc đẩy viên tại 07 địa bàn của dự án. Sau khi kết thúc ngày hội thảo đầu tiên, các đại biểu đã có buổi thăm quan các môi hình trồng rừng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Diễn đàn là cơ hội để các thành viên CBFCs có cơ hội đối thoại với các chính quyền và cơ quan chức năng cơ sở và với doanh nghiệp, tìm cơ hội và biện pháp với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và kinh doanh gỗ, lâm sản. Đồng thời cùng nhau thảo luận tìm hiểu và đóng góp ý kiến cho các chính sách lâm nghiệp mới có liên quan trực tiếp đến hộ gia đình và cộng đồng.
Một số hình ảnh hội thảo và thăm quan: