Tỉnh ta là một trong 3 tỉnh (Sơn La, Điện Biên và Lai Châu) được triển khai Dự án “Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam” do Cơ quan CISU Đan Mạch tài trợ thông qua tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch – Châu Á (ADDA). Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2014 với sự phối hợp của các đơn vị: Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature); Hội Nông dân và Quỹ phát triển phụ nữ.
Dự án bao gồm các hợp phần: Thiết lập các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp thân thiện; vận động việc lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu trong các chương trình, kế hoạch phát triển ở địa phương và truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tại Sơn La, sau 3 năm triển khai, Dự án đã tổ chức 50 lớp tập huấn đào tạo nhóm nông dân và xây dựng được 50 mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, trong đó 48 lớp, mô hình trồng lúa cải tiến SRI; 12 lớp, mô hình trồng ngô bền vững trên đất dốc; 8 lớp, mô hình trồng nấm; 32 lớp, mô hình ủ phân vi sinh. Các mô hình được thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực cả về mặt kinh tế và môi trường. Cùng với đó, các hoạt động chính sách đã có sự tham gia của tất cả các cấp từ tỉnh đến cơ sở, từ đó nâng cao được nhận thức và sự tham gia của nhiều bên về những vấn đề biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và sự cần thiết của việc lồng ghép các nội dung biến đổi khí hậu trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Mô hình trồng lúa cải tiến theo phương pháp SRI là một trong những mô hình phát triển nông nghiệp tiêu biểu gắn với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Tại tỉnh ta, các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Mường La và Thành phố đã bước đầu áp dụng công nghệ cấy lúa cải tiến theo phương pháp SRI. Mục tiêu chính của ứng dụng phương pháp SRI là nhằm phát triển hệ thống sản xuất lúa bền vững, bao gồm: Cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, sử dụng phân hữu cơ, quản lý nước và làm cỏ bằng tay, hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, các mô hình trồng lúa cải tiến theo phương pháp SRI đã phát huy hiệu quả, năng suất cây trồng tăng hơn so với diện tích không sử dụng phương pháp SRI trong trồng lúa, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban quản lý Dự án Hội Nông dân tỉnh cho biết: Dự án đã kết thúc sau 3 năm triển khai. Để tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần sử dụng phương pháp đào tạo “Lấy nông dân dạy nông dân” giúp truyền đạt các kỹ thuật canh tác mới tới cộng đồng tốt hơn; thực hiện đào tạo “cầm tay chỉ việc” giúp nông dân dễ hiểu, dễ làm theo; lấy kết quả thực tế từ mô hình làm cơ sở để thuyết phục người dân là tốt nhất. Với các biện pháp canh tác mới cần có thời gian dài để người dân thay đổi, làm theo và việc thay đổi cần từng bước với từng kỹ thuật nhỏ một; tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ để đánh giá, quảng bá mô hình. Để nhân rộng mô hình hiệu quả thì việc đưa mô hình thành 1 chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm của cấp xã là cần thiết.
Đối với một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chủ lực như tỉnh ta, việc phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là việc làm cần thiết để phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định đời sống kinh tế – xã hội cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh.
Nguồn: Báo Sơn La